Thiết kế xe điện - cuộc chiến của các hãng ôtô và công nghệ

Sản phẩm xe điện của các hãng xe khi ra mắt từng gây ra không ít tranh cãi. Xiaomi vướng nghi vấn vay mượn thiết kế, còn Tesla Cybertruck gây ra những quan ngại về tính an toàn.

Mới đây, Xiaomi vừa chính thức trình làng mẫu xe điện đầu tiên của mình. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc ra mắt Xiaomi SU7, sedan thuần điện sở hữu phạm vi hoạt động tối đa đến 810 km cùng thiết kế ngoại thất khá ấn tượng. Các hãng công nghệ cũng đang từng bước tham gia vào cuộc chiến xe điện, và thiết kế là thứ dễ dàng gây được tiếng vang nhất

Xiaomi SU7 "giống" Porsche Taycan

Trong một video đăng tải trên Instagram bởi tài khoản @kacike80, người này đã kéo hình ảnh chiếc Xiaomi SU7 và đặt vào chiếc Porsche Taycan 4S nằm trên.

Kết quả cho thấy hình ảnh mẫu sedan điện đầu tiên của tập đoàn công nghệ Trung Quốc gần như trùng khớp với hình dạng của chiếc xe thể thao thuần điện hạng sang đến từ hãng xe nước Đức.

 Xiaomi SU7 được cho là mang nhiều nét tương đồng với Porsche Taycan. Ảnh: XiaomiUI.

Xiaomi SU7 được cho là mang nhiều nét tương đồng với Porsche Taycan. Ảnh: XiaomiUI.

Theo thông tin từ Xiaomi, ngoại thất của SU7 được tạo nên bởi nhà thiết kế James Qiu, người từng tham gia vào quá trình xây dựng concept Mercedes-Benz Vision EQXX. Bên cạnh đó, thiết kế sedan thuần điện đầu tiên của Xiaomi còn có sự tham vấn của ông Chris Bangle, cựu giám đốc thiết kế của tập đoàn BMW.

Xiaomi SU7 được tập đoàn công nghệ Trung Quốc hợp tác cùng BAIC để sản xuất tại một nhà máy ở khu phức hợp phát triển Yizhuang tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Xe có tổng cộng 3 phiên bản, bao gồm Standard (29.900 USD), Pro (34.000 USD) và Max (41.500 USD).

Trên phiên bản Max, Xiaomi SU7 được trang bị bộ pin CATL dung lượng 101 kWh của Qilin, cho khả năng di chuyển trên quãng đường tối đa 800 km theo chu trình CLTC. Phiên bản cao cấp nhất của Xiaomi SU7 có cấu hình 2 motor điện, kết hợp cùng hệ dẫn động 2 cầu và cấu trúc điện 800 V. Theo công bố của hãng, Xiaomi SU7 Max có công suất tối đa 673 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 838 Nm.

Không riêng gì Xiaomi với SU7, Zeekr cũng từng bị đặt dấu hỏi về khả năng sáng tạo khi mẫu xe Zeekr 001 mang nhiều nét tương đồng với sản phẩm của Porsche. Trên thực tế, Zeekr 001 được hãng xe điện thuộc tập đoàn Geely định vị trong phân khúc ôtô điện hạng sang, cạnh tranh với chính Porsche Taycan và Tesla Model S.

Thực ra thì việc một mẫu xe Trung Quốc có thiết kế giống với một chiếc xe hãng khác không phải là điều lạ, nhưng nó đã giảm bớt đáng kể trong vài năm trở lại đây, khi ôtô Trung Quốc không chỉ muốn bán trong nước mà còn muốn bước ra sân chơi quốc tế, yếu tố khác biệt ngày càng rõ nét. Tuy nhiên nhìn vào sức hút của Xiaomi SU7 khi nó mới ra mắt, có vẻ như việc dễ nhất để nổi tiếng vẫn là tạo ra thứ gì đó giống một mẫu xe, một thương hiệu nổi tiếng hơn mình.

Huawei "nhàn hạ" làm xe điện

Khi Seres SF5 ra mắt vào tháng 4/2021, ngành công nghiệp ôtô toàn cầu xôn xao khi biết mẫu crossover thuần điện này là một sản phẩm hợp tác giữa Huawei với hãng năng lượng Cyrus.

Dù được xem như đã có màn chào sân trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu bằng một sản phẩm xe thuần điện, Huawei gần như không phải mất quá nhiều công sức cho quá trình thiết kế Seres SF5.

Trên thực tế, mẫu crossover thuần điện này đơn thuần là một bản nâng cấp của SF5, mẫu xe từng ra mắt chính thức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào năm 2019.

 Seres SF5 có thể được xem là ôtô điện đầu tiên của Huawei. Ảnh: Huawei.

Seres SF5 có thể được xem là ôtô điện đầu tiên của Huawei. Ảnh: Huawei.

Sang tháng 9/2022, tại sự kiện ra mắt loạt sản phẩm điện thoại thông minh Huawei Mate 50, Huawei tiếp tục trình làng mẫu SUV cỡ trung chạy điện mang tên Aito M5. Dù được chính ông Yu Chengdong - CEO của Huawei - giới thiệu, đóng góp của hãng công nghệ Trung Quốc vào xe điện Aito M5 trên thực tế chỉ nằm ở hệ điều hành Harmony OS cùng hệ thống thông tin giải trí trên xe.

Cụ thể hơn, hệ điều hành Harmony OS trang bị trên Aito M5 sẽ giúp kết nối xe với các sản phẩm khác trong hệ sinh thái của Huawei, cho phép khách hàng sử dụng đồng hồ thông minh của thương hiệu công nghệ Trung Quốc làm chìa khóa để khởi động xe điện.

Vào cuối tháng 11/2023, Aito thông báo đã nhận được hơn 100.000 đơn đặt hàng dành cho Aito M7, sản phẩm SUV điện được thương hiệu xe Trung Quốc giới thiệu cách đó 2 tháng. Aito M7 vẫn được trang bị hệ điều hành Harmony OS do Huawei phát triển, bên cạnh hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến ADS 2.0.

Mới đây nhất, liên doanh Huawei và Chery cũng trình làng mẫu sedan thuần điện mang tên Luxeed S7, đồng thời khẳng định sẽ cạnh tranh cùng Tesla Model S trong phân khúc xe điện hạng sang. Ở thời điểm ra mắt, Luxeed S7 gây ấn tượng nhờ kiến trúc điện 800 V, cho phép xe có thể đạt phạm vi hoạt động 430 km chỉ nhờ 15 phút sạc.

 Luxeed S7 là một mẫu sedan điện hạng sang, sản phẩm hợp tác giữa Huawei với Chery. Ảnh: Huawei.

Luxeed S7 là một mẫu sedan điện hạng sang, sản phẩm hợp tác giữa Huawei với Chery. Ảnh: Huawei.

Tương tự Seres SF5 hay các mẫu xe thuộc thương hiệu Aito, Luxeed S7 cũng là sản phẩm dựa trên sự hợp tác giữa Huawei với một hãng sản xuất ôtô. Trong liên minh này, Huawei sẽ đảm nhiệm việc phát triển phần mềm, trong khi phần cứng của một chiếc xe hoàn chỉnh được giao trọn vẹn cho đối tác.

Chiến lược này của Huawei tỏ ra tương đối thành công tính đến thời điểm hiện tại, nhất là khi các hãng xe khởi nghiệp khác của Trung Quốc đang phải vật lộn tìm cách sinh tồn giữa cuộc cạnh tranh ngày một khắc nghiệt ở mảng ôtô điện.

Thiết kế xe điện gây tranh cãi của Mercedes

Khi ra mắt xe điện đầu tiên mang tên EQC hồi năm 2018, Mercedes-Benz đã chọn cho mẫu SUV thuần điện này một thiết kế ngoại thất mang nhiều nét tương đồng với các sản phẩm sử dụng động cơ đốt trong.

Mercedes-Benz EQC thậm chí vẫn sở hữu lưới tản nhiệt ở phần đầu xe, chi tiết mà ông Dieter Zetsche - CEO của hãng xe Đức ở thời điểm đó - cho rằng nếu không có lưới tản nhiệt "giả" này, EQC sẽ mất đi cái chất của những mẫu xe mang logo ngôi sao 3 cánh.

 Mercedes-Benz EQC là xe điện nhưng vẫn sở hữu lưới tản nhiệt ở phần đầu xe. Ảnh: Mercedes-Benz.

Mercedes-Benz EQC là xe điện nhưng vẫn sở hữu lưới tản nhiệt ở phần đầu xe. Ảnh: Mercedes-Benz.

Bước sang các dòng xe điện kế cận như EQS hay EQB, Mercedes đã chuyển sang thiết kế đặc trưng hình quả trứng cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên theo thừa nhận từ ông Christoph Starzynski - Phó giám đốc kỹ thuật ôtô của hãng, các báo cáo chỉ ra rằng thiết kế dạng quả trứng của xe điện Mercedes là không thực sự hấp dẫn với nhóm khách hàng cốt lõi.

Thiết kế quả trứng này đơn giản, ít đường nét và khiến các mẫu xe điện của Mercedes-Benz không còn sự sang trọng vốn có, nhìn nó giống như một chiếc xe phổ thông của một hãng xe mới thành lập. Nhiều fan của Mercedes thẳng thừng chỉ trích và chê "xấu" với những chiếc xe điện được thiết kế vội vàng từ hãng xe Đức.

“Chúng tôi nhận được những nhận xét từ khách hàng, và hãng đang xem xét chúng một cách nghiêm túc”, ông Christoph Starzynski chia sẻ với Top Gear hồi đầu tháng 2 trong dịp ra mắt Concept CLA, một thiết kế mới mang tính đột phá dành cho xe điện Mercedes trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, dải sản phẩm xe điện của Mercedes đang khá đa dạng, trải dài từ sedan, SUV cho đến MPV thuần điện. Tại thị trường Việt Nam, Mercedes-Benz cũng đang giới thiệu nhiều sản phẩm xe thuần điện cho khách hàng Việt, bao gồm EQS/EQS SUV, EQE SUV cùng với mẫu xe điện 7 chỗ ngồi mang tên EQB.

Bán tải Tesla Cybertruck gây tranh cãi

Khi Elon Musk xuất hiện trên sân khấu cùng bản concept của Tesla Cybertruck vào tháng 11/2019, mẫu bán tải điện này đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng, một phần nhờ màn kiểm tra độ cứng của cửa kính.

Màn thử nghiệm tính năng chống đạn của cửa kính Tesla Cybertruck diễn ra trên sân khấu một sự kiện hồi năm 2019.

Cụ thể, sau khi Elon Musk tiết lộ cửa kính trên Tesla Cybertruck có thể chống được đạn 9 mm bắn trực tiếp, ông Franz von Holzhausen - Giám đốc bộ phận thiết kế - đã được tỷ phú người Mỹ mời ném 2 viên bi sắt vào để kiểm nghiệm. Kết quả, màn kiểm tra thú vị này đã để lại 2 vết vỡ trên cửa kính xe, khiến Elon Musk phải chống chế và cho rằng dù gì thì bi sắt cũng không thể lọt vào bên trong xe.

Tesla Cybertruck mất thêm hơn 4 năm để có màn ra mắt chính thức đến công chúng. Phiên bản thương mại của mẫu bán tải điện tiếp tục trở thành đề tài gây tranh cãi khi giữ nguyên thiết kế góc cạnh khó nịnh mắt ở phần ngoại thất, dù thân xe sở hữu tỷ số cản khá ổn ở mức 0,335 Cd.

Khung thân của Tesla Cybertruck được Tesla quảng cáo là sở hữu độ cứng tương tự siêu xe McLaren P1, đi kèm khả năng chống đạn. Tuy nhiên, kết cấu quá vững chắc của xe cũng làm dấy lên không ít quan ngại về tính an toàn, bởi lực tác động từ bên ngoài có thể truyền trực tiếp đến hành khách trong trường hợp xảy ra va chạm.

Thiết kế góc cạnh của Tesla Cybertruck cũng được cho là mối đe dọa đối với các phương tiện cùng tham gia giao thông. Trước đó, hãng xe điện thuộc sở hữu của Elon Musk từng phải thay đổi thiết kế gương chiếu hậu dạng camera sang kiểu truyền thống trên Tesla Cybertruck nhằm giúp xe có đủ điều kiện lưu thông trên đường phố Mỹ.

 Tesla Cybertruck sở hữu ngoại hình to lớn, hầm hố với nhiều góc cạnh. Ảnh: Top Gear.

Tesla Cybertruck sở hữu ngoại hình to lớn, hầm hố với nhiều góc cạnh. Ảnh: Top Gear.

Với kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 5.885 x 2.030 x 1.791 mm cùng tổng khối lượng đạt gần 3,1 tấn, Tesla Cybertruck có phạm vi hoạt động tối đa 400 km trên phiên bản RWD sử dụng motor đơn, trong khi phiên bản Cyberbeast có thể hoạt động trên quãng đường tối đa 510 km sau một lần sạc đầy.

Thông số sau cùng về phạm vi hoạt động tối đa của Tesla Cybertruck cũng gây ra không ít thất vọng bởi vào tháng 11/2019, Elon Musk từng tuyên bố mẫu bán tải điện đầu tiên của hãng sẽ có khả năng vận hành trên quãng đường tối đa hơn 800 km.

Bỏ qua những điểm trừ về thiết kế, Cybertruck là một mẫu xe khác biệt hoàn toàn so với thiết kế ôtô trên thế giới, và nó lập tức được nhiều tay chơi săn đón, đây có lẽ là thành công của Tesla.

Trước mẫu bán tải điện, Tesla cũng khá thành công khi mỗi lần hãng này ra mắt xe mới là cả thế giới được dịp xôn xao. Nhiều mẫu xe thực sự không đẹp về thiết kế nhưng lại dẫn đầu xu hướng và trở thành "bài học" cho nhiều thương hiệu khác, ví dụ như màn hình cảm ứng khổng lồ ở giữa xe hay công nghệ tự lái Auto Pilot.

Bên cạnh những cái tên tiêu biểu kể trên, thế giới có rất nhiều mẫu xe điện mới đến từ các thương hiệu từ lâu đời cho tới start up. Phần đông các mẫu xe được sinh ra từ các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp ôtô thế giới như Volkswagen, Audi hay BMW đều mang thiết kế khá giống xe động cơ đốt trong, được giới thiệu như là ưu điểm, vì nó thân thiện với người dùng và không tạo cảm giác khác biệt lớn. Một số mẫu xe điện mang thiết kế ấn tượng phần lớn đến từ Trung Quốc, nơi đang có những cuộc cạnh tranh và đảo thải gay gắt nhất.

Phúc Hậu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thiet-ke-xe-dien-cuoc-chien-cua-cac-hang-oto-va-cong-nghe-post1468412.html