Thiếu chuỗi liên kết bền vững cho vùng rau cần nước lớn nhất tỉnh

Vùng trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) là vùng chuyên canh rau cần lớn nhất Đồng Nai. Vùng chuyên canh này sớm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất đạt chuẩn VietGAP, thành lập HTX với kỳ vọng hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để có đầu ra bền vững cho vùng rau đặc sản này.

Nông dân trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất thu hoạch rau. Ảnh: B.Nguyên

Nông dân trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất thu hoạch rau. Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nông dân trồng rau cần nước gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư liên tục tăng cao, đầu ra bấp bênh hơn vì tình hình khó khăn chung của thị trường khiến diện tích vùng rau này giảm mạnh. Do đó, cần củng cố lại chuỗi liên kết để giữ vùng chuyên canh rau đặc sản từng mang lại giá trị kinh tế cao này.

* Giảm mạnh diện tích

Do đặc thù của địa hình canh tác rau cần nước tại xã Gia Kiệm gồm các đồi đá thấp và phần đất trũng xen kẽ nhau, đồng thời có những giếng nước tự phun trào thuận lợi để nông dân cải tạo thành những ao trồng rau cần nước cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là nguyên nhân địa phương này hình thành nên vùng chuyên canh rau cần quy mô lớn. Nông dân cũng có kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất loại rau này.

Từ năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững thuộc Sở KH-CN đã thực hiện đề tài Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP tại xã Gia Kiệm với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất rau cần nước đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm” và đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau cần nước.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững, trung bình mỗi năm, nông dân trồng rau cần sản xuất từ 3-4 vụ. Năng suất trung bình rau cần nước sản xuất ở xã Gia Kiệm đạt 48 tấn/ha/vụ, cho doanh thu 528 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận bình quân khoảng 161 triệu đồng/ha/vụ. Từ khi ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP với chi phí sản xuất thấp hơn, năng suất cao, giá bán sản phẩm rau sạch tốt hơn nên lợi nhuận của nông dân có thể tăng lên đến khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ.

Theo đó, đây từng là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Thời phát triển thịnh, chỉ tính riêng xã Gia Kiệm đã nhân rộng được hơn 40ha trồng rau cần; mô hình kinh tế hiệu quả này còn được nhân rộng sang một số xã lân cận.

Ông Hoàng Văn Khanh, Giám đốc HTX Phương Nam cho biết, hiện diện tích trồng rau cần ở xã Gia Kiệm chỉ còn khoảng 20ha, giảm hơn 50% so với thời diện tích phát triển mạnh; xã Gia Tân hầu như người trồng rau đã bỏ canh tác. Nguyên nhân từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, phân, thuốc đến công lao động đều tăng cao, trong khi đầu ra rất bấp bênh, giá rau cần thường bán ở mức thấp hơn nhiều so với trước.

* Yếu khâu kết nối, tiêu thụ

Tuy vùng rau chuyên canh này đã có HTX, được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm” nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn thiếu bền vững. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Nhưng những khó khăn trên cũng bộc lộ sự thiếu bền vững của chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ của mặt hàng rau cần nói riêng, các mặt hàng nông sản khác nói chung.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, nông dân trồng rau cần tại xã Gia Kiệm chia sẻ, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, giá rau cần luôn đứng ở mức thấp do sức tiêu thụ giảm hơn nhiều so với trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến người trồng phải giãn vụ, giảm sản lượng cung cấp rau ra thị trường. Sản lượng trồng ít, giá bán lại thấp nên người trồng rau cần nước hiện nay chỉ mong có đủ lợi nhuận để trang trải cuộc sống chứ không kỳ vọng có tích lũy như trước. Khó khăn rất lớn là tuy có HTX nhưng hiện nay nông dân hầu như vẫn lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái và mọi rủi ro khi biến động về thị trường nông dân đều phải tự gánh.

Ông Hoàng Văn Khanh cho biết thêm, HTX có kết nối tiêu thụ rau sạch vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây tại địa phương nhưng sản lượng vẫn còn rất thấp so với nguồn cung của vùng trồng. Đây cũng là khó khăn chung của thị trường hiện nay khi trước dịch Covid-19, vùng trồng rau này cung cấp ra thị trường mười mấy tấn/ngày, nhưng hiện nay giảm chỉ còn 5-7 tấn/ngày. HTX rất mong được hỗ trợ về đầu ra, kết nối với nhiều đối tác bao tiêu sản phẩm để mặt hàng này có đầu ra bền vững hơn.

Theo nông dân trồng rau cần nước tại xã Gia Kiệm, vài năm trước, 1 sào đất ao trồng rau cần có giá cao hơn nhiều so với đất sản xuất khác. Giá đất cho thuê cũng từ 10-13 triệu đồng/sào/năm. Nhưng hiện nay, đất ao rau cần để hoang vì người thuê trả lại đất và diện tích này hầu như để hoang vì ao rau cần rất khó chuyển sang mô hình canh tác khác, gây sự lãng phí lớn.

Triển khai ứng dụng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm”

UBND tỉnh vừa ra Quyết định số 1653/QĐ-UBND công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đề tài “Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật sản xuất rau cần nước đạt chuẩn VietGAP tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất” do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (thuộc Sở KH-CN) thực hiện.

UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở KH-CN phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững chịu trách nhiệm quyết toán và thành lý hợp đồng sau khi các kết quả, sản phẩm và tài sản đã mua sắm bằng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đã được kiểm kê và bàn giao theo quy định.

Sở KH-CN thực hiện chuyển giao kết quả và sản phẩm cho HTX Nông nghiệp Phương Nam và Phòng NN-PTNT H.Thống Nhất. Riêng nhãn hiệu tập thể “Rau cần nước Gia Kiệm” sẽ bàn giao cho Hội Nông dân H.Thống Nhất để tiếp tục nghiên cứu và phát triển, triển khai ứng dụng trong thời gian tới.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202307/thieu-chuoi-lien-ket-ben-vung-cho-vung-rau-can-nuoc-lon-nhat-tinh-3172203/