Thiếu cơ chế đặc thù khiến cơ sở giáo dục đại học đào tạo nghệ thuật gặp khó

Nhiều quy định trong hiện hành vẫn chưa phù hợp, gây khó khăn cho cơ sở đào tạo nghệ thuật.

Hiện nay, các ngành đặc thù như nghệ thuật, thể dục thể thao đang đối mặt với nhiều vướng mắc lớn, đặc biệt là sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật và thiếu cơ chế riêng phù hợp với tính chất đặc thù.

Theo đánh giá của đại diện các cơ sở giáo dục đại học, việc áp dụng một khung quy định chung cho tất cả các ngành nghề khiến quá trình tổ chức đào tạo, tuyển sinh, sử dụng ngân sách và thu hút nhân lực gặp nhiều trở ngại. Những bất cập này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, linh hoạt và hiệu quả hơn cho đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt của quốc gia.

Áp dụng chung khung pháp lý gây khó khăn trong đào tạo, tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hà Mai Hương - Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: Đào tạo nghệ thuật âm nhạc là lĩnh vực mang nhiều đặc thù riêng, từ phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đến yêu cầu về cơ sở vật chất và quy trình tuyển sinh. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, nhiều quy định trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn chưa phù hợp, gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật.

Thứ nhất, hiện chưa có quy định đặc thù cho hình thức giảng dạy cá nhân (1 thầy – 1 trò), vốn là phương pháp chủ đạo trong đào tạo nghệ thuật. Bởi, lĩnh vực nghệ thuật cần đào tạo chuyên sâu, đòi hỏi thời gian học dài, đề cao tính cá nhân và phát triển tối đa năng lực biểu cảm sáng tạo cho người học.

Theo đó, đặc điểm người học ở lĩnh vực này phải có năng khiếu, được tuyển chọn từ sớm và đào tạo theo lộ trình dài hạn, khác hẳn với các ngành nghề kỹ thuật – dịch vụ.

Thứ hai, các quy định về khung chương trình, chuẩn đầu ra mang tính tổng quát, thiếu linh hoạt, áp dụng chung cho tất cả các ngành nghề nên chưa tạo điều kiện cho các lộ trình tích hợp, liên thông hiệu quả. Trong khi đối với lĩnh vực nghệ thuật, việc xây dựng chương trình đào tạo cần có sự linh hoạt theo đặc điểm từng chuyên ngành nhằm đảm bảo sự cân đối giữa kiến thức và rèn luyện kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn gắn chặt với khả năng cá nhân và tốc độ phát triển của từng học sinh.

Thứ ba, các tiêu chí đánh giá, kiểm định hiện hành chủ yếu dựa trên bài báo khoa học và hồ sơ hành chính, chưa phù hợp với đặc thù của các ngành biểu diễn.

Cuối cùng, chi phí đào tạo âm nhạc cao do yêu cầu giảng dạy cá nhân, phòng học chuyên biệt, dàn nhạc và nhạc cụ riêng cho từng chuyên ngành. Tuy nhiên, mức trần học phí và cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay chưa phản ánh đúng đặc thù này, khiến các trường khó duy trì chất lượng đào tạo.

 Đào tạo nghệ thuật âm nhạc là lĩnh vực mang nhiều đặc thù riêng, từ phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đến yêu cầu về cơ sở vật chất. Ảnh: NVCC

Đào tạo nghệ thuật âm nhạc là lĩnh vực mang nhiều đặc thù riêng, từ phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đến yêu cầu về cơ sở vật chất. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Mai Anh - Phụ trách Khoa Sau đại học, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng cho rằng, các ngành đào tạo đặc thù như mỹ thuật, nghệ thuật đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, quản lý cán bộ và đảm bảo nguồn ngân sách.

Cụ thể, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay chủ yếu dựa vào số lượng và quy mô đội ngũ giảng viên của từng cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn cho các trường đào tạo những ngành đặc thù, vốn dĩ đã có đội ngũ giảng viên hạn chế về số lượng.

Do đó khiến nhiều trường gặp trở ngại trong việc mở rộng quy mô tuyển sinh, dù nhu cầu đào tạo có thể đang tăng cao.

Một khó khăn khác mà các ngành nghệ thuật đang gặp phải là vấn đề ngân sách. Đặc thù của các ngành này là yêu cầu đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và không gian học tập, trong khi mức đầu tư từ ngân sách hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.

"Sinh viên nghệ thuật phải học nhiều môn học đa dạng như lý thuyết, cơ sở ngành và thực hành – mỗi môn lại đòi hỏi không gian riêng và thiết bị chuyên biệt. Nếu không tính đến những đặc thù này trong phân bổ ngân sách, sẽ rất khó để đảm bảo được điều kiện học tập tối thiểu cho người học", cô Mai Anh cho hay.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Ảnh minh họa: Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

Cho phép đào tạo liên thông từ trung cấp lên đại học và sau đại học đối với lĩnh vực nghệ thuật

Trước những bất cập còn tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đào tạo và phát triển của những cơ sở đào tạo ngành đặc thù, cần thiết điều chỉnh các quy định pháp luật hiện hành để phù hợp với tính chất đặc thù của ngành.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc trong các văn bản luật hiện hành, gây cản trở cho việc đào tạo các ngành nghệ thuật đặc thù.

Theo thầy Phương, bất cập lớn nhất hiện nay chính là quy định về thời gian đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Cụ thể, trình độ trung cấp chỉ được phép đào tạo trong tối đa 2 năm, trong khi nhiều chuyên ngành nghệ thuật như múa, xiếc… lại yêu cầu người học phải bắt đầu từ độ tuổi rất sớm và theo học liên tục trong thời gian dài mới có thể đạt được trình độ chuyên môn cần thiết.

Với các ngành này, việc đào tạo không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, mà còn là quá trình rèn luyện thể chất, kỹ năng biểu diễn và sự dẻo dai – những yếu tố không thể hình thành trong thời gian ngắn. Do đó, quy định hiện hành chưa phản ánh đúng yêu cầu thực tế của các ngành nghệ thuật, khiến các cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong việc xây dựng chương trình, tuyển sinh cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo lâu dài.

Thứ hai, theo quy định hiện hành, trường trung cấp không được phép hoạt động trong cùng một cơ cấu tổ chức với trường đại học. Đồng thời, mô hình kết hợp đào tạo văn hóa phổ thông song song với đào tạo chuyên môn nghệ thuật vốn rất phổ biến trên thế giới lại chưa được cho phép triển khai tại Việt Nam.

Cụ thể, trong nhiều trường hợp, học sinh năng khiếu cần theo học từ độ tuổi nhỏ, nhưng lại không thể học văn hóa ngay trong trường trung cấp theo hình thức giáo dục thường xuyên. Điều này buộc các em phải vừa học văn hóa tại một cơ sở khác, vừa học chuyên môn nghệ thuật tại trường năng khiếu, gây khó khăn lớn về thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo và khả năng phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật.

 Nhiều chuyên ngành nghệ thuật yêu cầu người học phải bắt đầu từ độ tuổi rất sớm và theo học liên tục trong thời gian dài. Ảnh: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Nhiều chuyên ngành nghệ thuật yêu cầu người học phải bắt đầu từ độ tuổi rất sớm và theo học liên tục trong thời gian dài. Ảnh: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

Từ những bất cập trong thực tiễn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho rằng cần thiết phải sớm điều chỉnh các quy định pháp lý liên quan. Thầy Phương nhận định, không chỉ sửa đổi các nghị định dưới luật, mà nên ban hành những nghị quyết mang tính đặc thù để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật.

“Vấn đề cấp bách hiện nay là nguy cơ phải dừng đào tạo trình độ trung cấp nếu không có điều chỉnh kịp thời. Việc này sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng, làm đứt gãy chuỗi đào tạo liên tục mà các ngành nghệ thuật đặc thù vốn đòi hỏi.

Chỉ cần gián đoạn một bậc, quá trình bồi dưỡng tài năng trẻ sẽ bị ảnh hưởng lớn, thậm chí làm mất đi một thế hệ kế cận trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu”, thầy Phương trăn trở.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Hà Mai Hương cũng cho rằng, đào tạo nghệ thuật mang tính đặc thù ngay từ khâu tuyển sinh cho đến toàn bộ quá trình đào tạo. Học sinh theo học các ngành nghệ thuật thường được phát hiện và tuyển chọn từ độ tuổi rất sớm, trải qua thời gian đào tạo kéo dài từ 3 đến 9 năm tùy theo chuyên ngành. Những học sinh này chính là nguồn tuyển sinh đầu vào quan trọng của các bậc đào tạo cao hơn như đại học và sau đại học.

Do đó, các cơ sở giáo dục đại học cần được cho phép đào tạo liên thông liên tục từ trình độ trung cấp lên đại học để đảm bảo tính kế thừa và phát triển chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó, cần điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra nhằm phù hợp với mô hình đào tạo liên thông đặc thù này. Việc sửa đổi các quy định về thời lượng học, nội dung chương trình và hình thức tổ chức đào tạo sẽ cho phép các trường nghệ thuật xây dựng chương trình riêng biệt, linh hoạt, sát với thực tiễn phát triển văn hóa nghệ thuật trong nước và quốc tế, cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Không nên áp dụng cứng nhắc hệ thống tín chỉ và thời lượng học như các ngành đào tạo đại trà.

 Cần điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra đối với các ngành trong lĩnh vực nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Cần điều chỉnh khung chương trình và chuẩn đầu ra đối với các ngành trong lĩnh vực nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Về mặt chính sách, Nhà nước cần có ưu tiên trong phân bổ nguồn lực cho các trường đào tạo nghệ thuật, tạo điều kiện đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và thực hành. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi và hỗ trợ thiết thực cho người học và người dạy, bao gồm học bổng, chế độ đào tạo tài năng, phụ cấp giảng dạy, hỗ trợ biểu diễn, và chính sách dành cho nghiên cứu sinh.

Một giải pháp quan trọng khác là áp dụng cơ chế đào tạo theo hình thức "đặt hàng" sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các ngành nghệ thuật đặc thù khó tuyển sinh nhưng có giá trị văn hóa cao. Cần cho phép xây dựng định mức chi đào tạo riêng cao hơn các ngành khác, để đảm bảo chất lượng như chi phí mua nhạc cụ đạt chuẩn, thuê chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế học bổng và hỗ trợ tài chính cho học sinh năng khiếu, kể cả học sinh nhỏ tuổi đang theo học ở cấp sơ cấp, nhằm phát hiện và nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật từ sớm.

Về công tác kiểm định chất lượng và đánh giá đầu ra, cần có bộ tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù của khối ngành nghệ thuật, thay vì áp dụng theo chuẩn chung.

Ngoài ra, cô Phương cũng chỉ ra rằng, hiện nay nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là các chuyên ngành mang tính thực hành như biểu diễn vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định hiện hành.

Thực tế cho thấy, phần lớn đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực nghệ thuật xuất phát từ hoạt động biểu diễn chuyên môn, có thế mạnh về thực hành hơn là nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, chương trình đào tạo tiến sĩ hiện nay lại chủ yếu yêu cầu năng lực nghiên cứu lý luận, biên soạn công trình khoa học chuyên sâu.

Đáng nói, hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có chương trình đào tạo tiến sĩ Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ giới hạn ở ngành Âm nhạc học.

Vì vậy, cô Phương nhấn mạnh việc mở ngành đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn là hết sức cần thiết. Đây sẽ là giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên thực hành nâng cao trình độ một cách phù hợp với chuyên môn, đồng thời góp phần giải quyết bài toán nâng cấp đội ngũ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật.

“Nếu được triển khai, mô hình này sẽ giúp các cơ sở đáp ứng được yêu cầu về chuẩn hóa trình độ, đồng thời có khả năng duy trì và mở rộng các ngành đào tạo mới trong lĩnh vực nghệ thuật – một yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa nghệ thuật nước nhà”, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế nêu quan điểm.

ĐÀO HIỀN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thieu-co-che-dac-thu-khien-co-so-giao-duc-dai-hoc-dao-tao-nghe-thuat-gap-kho-post252509.gd