Thiếu đất sản xuất, người dân bỏ hoang khu tái định cư

Khu tái định cư (TĐC) Raly – Rào thuộc xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Tại đây, có 45 ngôi nhà xây lợp tôn, nằm sát tuyến đường vào trung tâm xã Hướng Sơn. Cùng với nhà ở, hệ thống hạ tầng gồm đường giao thông; điện thắp sáng, sản xuất; công trình nước sạch; trường học được đầu tư xây dựng đầy đủ. Song, sau 3 năm đưa vào sử dụng, đến nay chỉ còn… 2 hộ dân bám trụ ở khu TĐC này.

Đi một vòng quanh khu TĐC Raly – Rào, chúng tôi thấy chỉ 2 ngôi nhà có người sinh sống, còn lại đều trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, cỏ dại mọc um tùm từ thềm ra sân. Đặc biệt, điểm Trường Raly – Rào (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn) nằm ngay cửa vào khu TĐC cũng trong tình trạng bị bỏ hoang tương tự, không một bóng người qua lại.

Khu tái định cư Raly – Rào đang bị người dân bỏ hoang.

Khu tái định cư Raly – Rào đang bị người dân bỏ hoang.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho hay, việc xây dựng khu TĐC kể trên là để giải quyết hậu quả của trận lụt lịch sử năm 2020. Lúc bấy giờ, trận lụt đã cuốn trôi nhiều nhà cửa của người dân thôn Nguồn Rào. Đồng thời, ở núi Tà Bang thuộc thôn này xuất hiện những vết nứt lớn. Trước tình hình này, đầu năm 2021, UBND xã Hướng Sơn được giao làm chủ đầu tư dự án khu TĐC Raly – Rào nhằm phục vụ những hộ dân thuộc diện phải di dời này. Khu TĐC có mức kinh phí đầu tư trên 6,7 tỉ đồng, được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đến cuối năm 2021, công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng, phục vụ chỗ ở cho 45 hộ dân.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình miền núi, những chỗ đất bằng phẳng là rất hiếm; việc tìm kiếm, lựa chọn địa điểm vừa có thể xây dựng nhà ở tập trung, vừa có đất đai để phát triển sản xuất cho bà con, vì thế là không thể thực hiện được. Cũng vì lý do này, tại khu TĐC nói trên, mỗi hộ dân chỉ được xây dựng, bố trí 40m2 nhà ở và 300 – 400m2 sân vườn. Về đất để phát triển sản xuất, bà con phải đi xa từ 4 – 4,5km mới có song cũng phân bố rải rác và diện tích nhỏ hẹp. Sau một thời gian bà con được vận động về khu TĐC sinh sống, do không thể quen với cuộc sống mới ở đây, hầu hết bà con bỏ hoang nhà cửa này và quay lại nơi ở cũ.

Chúng tôi gặp chị Xa La Mê ở khu TĐC Raly – Rào. Gia đình chị Mê là một trong 2 hộ hiện đang bám trụ ở khu TĐC này. Hỏi chuyện sinh sống tại nơi ở mới, chị Mê trầm ngâm cho biết, gia đình chị buộc phải ở lại là do nhà cửa, vườn tược cũ bị trận lụt năm 2020 cuốn trôi, không còn chỗ để quay về. Tuy nhiên, đến nay khu TĐC chỉ còn 2 hộ dân nên rất buồn. Điểm trường ở đây cũng vậy, do không có người học, không có người dạy nên gia đình chị Mê phải đưa con trở về bản cũ rất xa để học và gặp rất nhiều khó khăn.

Hộ ông Hồ Văn Xể (SN 1968) và bà Hồ Thị Đưm (SN 1970) là trường hợp còn lại, hiện đang bám trụ ở khu TĐC Raly – Rào. Cũng như hộ chị Mê, hộ ông Xể và bà Đưm nay không thể quay về nơi ở cũ là do nhà cửa, vườn tược ở đó đã bị trận lũ dữ năm 2020 cuốn trôi tất cả. Ông Xể tâm sự, ở đây ngoài việc không có ruộng để phát triển sản xuất, còn có nhiều cái khác bất tiện khiến bà con sau khi ở một thời gian ngắn phải rời đi. Trong đó, phải nói đến diện tích nhà ở là quá chật hẹp, chỉ 40m2, lại được xây dựng, bố trí sát nhau, không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Ngoài ra, mỗi nhà được một mảnh vườn từ 300 – 400m2 nhưng đất đai rất cằn cỗi, gió thường xuyên thổi mạnh, không có cây cối nào được trồng có thể sống, lên xanh nổi.

Chúng tôi đến khu vực dân cư dưới chân núi Tà Bang, tiếp tục tìm hiểu bà con nguyên nhân bỏ khu TĐC trở về nơi ở cũ. Chị Hồ Thị Hoa, một trong những người dân ở đây cho biết, gia đình chị có 5 người. Sau khi biết núi Tà Bang xảy ra vết nứt lớn, đồng thời được sự vận động, chia sẻ của chính quyền địa phương đến nơi ở mới nên gia đình chị rất mừng. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao nhà, gia đình chị chỉ ngủ lại vài hôm rồi phải quay trở lại nơi ở cũ.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho hay, việc xây dựng khu TĐC Raly – Rào là xuất phát từ nhu cầu và nguyện vọng của người dân vùng bị sạt lở và lũ quét. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong công trình này, nhiều hộ dân đến đây ở một thời gian ngắn rồi quay về lại nơi ở cũ khiến chính quyền địa phương rất lúng túng. Hiện, UBND huyện Hướng Hóa đang tiếp tục chỉ đạo UBND xã Hướng Sơn tìm cách khắc phục những khó khăn trước mắt tại khu TĐC này cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con tham gia cùng với chính quyền địa phương về tìm giải pháp, xây dựng kế hoạch để có thể định cư, sinh sống lâu dài tại khu TĐC này.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/thieu-dat-san-xuat-nguoi-dan-bo-hoang-khu-tai-dinh-cu-i734077/