Thiếu giáo viên đạt chuẩn dạy tiếng dân tộc thiểu số

Phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên là giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số, là điều kiện góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.

Ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết tiếng dân tộc thiểu số đang được tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là tiếng dân tộc Chăm. Năm học 2024-2025, cấp tiểu học có 12 cơ sở giáo dục triển khai thực hiện dạy học tiếng Chăm tự chọn với 149 lớp/ 3.798 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc dạy học tiếng Chăm được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết tiếng Chăm; đem lại lợi ích to lớn về giáo dục cho người Chăm, trong việc dạy ngôn ngữ, văn hóa, tri thức bản địa và các tri thức nhân loại cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Đồng thời, việc dạy học tiếng Chăm là một giải pháp thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống của đồng bào Chăm.

Dạy học tiếng Chăm tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Dạy học tiếng Chăm tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên chưa đảm bảo điều kiện để triển khai dạy tiếng DTTS. Mặt khác, năm học 2024-2025, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng Chăm theo chương trình mới chưa được phát hành kịp thời theo quy định. Do vậy, các cơ sở giáo dục tiểu học chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy tiếng Chăm tự chọn phù hợp với điều kiện thực tiễn nhà trường và đối tượng học sinh DTTS trên cơ sở sách tiếng Chăm hiện hành. Trang thiết bị dạy và học tiếng Chăm chủ yếu là sách giáo khoa tiếng Chăm (chương trình cũ); sử dụng tranh ảnh sẵn có trong sách giáo khoa tiếng Chăm và sưu tầm những đồ dùng, vật dụng sẵn có tại địa phương; giáo viên tự sưu tầm, làm thêm một số đồ dùng dạy học tiếng Chăm.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 50 giáo viên dạy học tiếng Chăm, trong đó có 48 giáo viên tiểu học là người Chăm tham gia dạy môn tiếng Chăm tự chọn từ lớp 1 đến lớp 5 theo hình thức kiêm nhiệm (từ 2 - 4 tiết/tuần). Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học và có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn về dạy tiếng Chăm, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy tiếng dân tộc Chăm tại địa phương. Năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp huyện Bắc Bình mở 1 lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Chăm và phương pháp giảng dạy cho 70 học viên là cán bộ quản lý, giáo viên người Chăm và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, hạn chế hiện nay là đội ngũ giáo viên chỉ được bồi dưỡng chuyên môn về dạy học tiếng Chăm tại địa phương ngắn hạn, chưa được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn ngành sư phạm về dạy tiếng DTTS theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nguyên nhân do không có nguồn sinh viên, học viên theo học ngành sư phạm về dạy tiếng DTTS; nguồn kinh phí thực hiện gặp khó khăn. Mặt khác, theo Công văn 464/SNV-TCCC ngày 8/3/2022 của Sở Nội vụ về việc thôi bố trí biên chế chuyên trách làm công tác phổ cập THCS và giáo viên dạy tiếng dân tộc từ năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh, các cơ sở giáo dục không còn giao biên chế giáo viên chuyên trách dạy tiếng Chăm, chỉ tổ chức dạy học theo hình thức kiêm nhiệm (từ 1 - 4 tiết/tuần).

Môn tiếng DTTS là môn học tự chọn, mang tính đặc thù riêng, cần thiết phải thực hiện biên chế giáo viên chuyên trách để giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS giai đoạn 2026-2030 ở cấp tiểu học là 66 giáo viên; cấp trung học cơ sở là 29 giáo viên. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, ưu tiên mở mã ngành sư phạm đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS theo hướng đào tạo liên môn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng từ đội ngũ giáo viên hiện có để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, xây dựng Đề án phát triển đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS giai đoạn 2026-2030 nhằm nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS. Đó cũng là điều kiện góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống.

THANH THỦY

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thieu-giao-vien-dat-chuan-day-tieng-dan-toc-thieu-so-128979.html