Thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu, Cao su Việt Nam (GVR) hưởng lợi lớn
Tổ chức nghiên cứu cao su Thế giới (IRSG) và Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cùng dự báo thị trường toàn cầu thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm từ nay đến năm 2028, thậm chí đến năm 2031.

Sản lượng cao su năm nay của Thái Lan, Indonesia và một số quốc gia sản xuất cao su lớn khác dự kiến sẽ tiếp tục giảm, khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Theo cập nhật mới đây của Chứng khoán KB Securities Vietnam, bất chấp một số lo ngại của giới đầu tư về diễn biến giá cao su tự nhiên, các yếu tố thúc đẩy tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang có sức tác động đến giá lớn hơn so với những rủi ro về sụt giảm nhu cầu. Hãng chứng khoán này dự báo giá cao su tự nhiên sẽ tiếp tục neo ở mức cao, khoảng 1.600 - 1.700 USD/tấn trong thời gian tới.
Cụ thể, về phía nhu cầu, giới đầu tư hiện đang tập trung quan sát triển vọng tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ khoảng 50% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu. Dữ liệu của hãng nghiên cứu Sunsirs cho thấy, tính đến tháng 6/2025, công suất sản xuất lốp xe tại Trung Quốc chỉ đạt mức 78%, giảm so với mức 83% được ghi nhận trong tháng 3/2025.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn về quan hệ thương mại Trung Quốc - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhu cầu sử dụng cao su trong thời gian tới. Giá ca su tự nhiên tại Trung Quốc cũng đã tăng 7% trong tháng 6/2025, đạt 14.350 NDT/tấn (tương đương 2.000 USD/tấn).

Diễn biến giá cao su tự nhiên TSR20 và giá tấm cao su RSS3 (US cent/kg) trên thị trường tương lai thế giới. (Nguồn: Bloomberg, Chứng khoán KB Securities Vietnam)
Về phía nguồn cung, Thái Lan - quốc gia chiếm 40% sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến sẽ chỉ thu được 2,5 triệu tấn cao su trong năm nay, giảm khoảng 15% so với mức thấp của năm 2024. Đặc biệt, tình trạng lũ lụt nghiêm trọng tại miền Bắc Thái Lan trong giai đoạn tháng 5 - 6/2025 sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng của cây cao su trong thời gian tới.
Trong khi đó, dịch bệnh trên cây trồng và xu hướng dịch chuyển sản xuất của các hộ cao su tiểu điền dự kiến sẽ khiến sản lượng cao su năm nay của Indonesia giảm gần 10% so với năm 2024. Indonesia chiếm 20% sản lượng cao su tự nhiên thế giới.
Tổ chức nghiên cứu cao su Thế giới (IRSG) hiện dự báo nguồn cung cao su tự nhiên thế giới sẽ thiếu hụt cho đến 2031 với mức thiếu hụt khoảng 500.000 tấn/năm. Trong khi đó, Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) dự báo thị trường có thể thiếu hụt 600.000 - 800.000 tấn cao su/năm từ nay đến năm 2028.

Dự báo diễn biến cung - cầu cao su tự nhiên trên toàn cầu qua các năm. (Nguồn: IRSG, Chứng khoán KB Securities Vietnam)
Trong bối cảnh trên, Chứng khoán KB Securities Vietnam dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cao su niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, với việc sở hữu hơn 400.000 ha cao su ở cả trong nước lẫn nước ngoài, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) sẽ là đơn vị hưởng lợi lớn nhất.
Với mức giá cao su hiện tại, Chứng khoán KB Securities Vietnam ước tính doanh thu mảng cao su năm 2025 của Cao su Việt Nam sẽ tăng 12% so với năm 2024, đạt 22.808 tỷ đồng. Mảng cao su đóng góp khoảng 70 - 80% tổng doanh thu hàng năm của Cao su Việt Nam.
Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vừa qua, ông Trần Thanh Phụng - Phó Tổng giám đốc Cao su Việt Nam cho biết, các kế hoạch kinh doanh hiện nay đang được xây dựng với giả định giá cao su bình quân năm nay ở mức 46 - 47 triệu đồng/tấn, so với mức 43 triệu đồng của năm 2024.
Trên thực tế, giá cao su bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt gần 52 triệu đồng, giá cuối năm nếu có giảm thì chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, lãnh đạo Cao su Việt Nam nhận định.