Thiếu tá tình báo 6 lần bị địch cưa chân vẫn không khai một lời

6 lần bị địch cưa chân nhưng không chịu khai, kẻ thù gọi ông là 'sinh vật bằng thép'.

Người được nhắc đến chính là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (1938-2018) tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, trong gia đình cách mạng. Lúc 3 tháng tuổi, ông được gửi cho người cô nuôi dưỡng để ba mẹ đi hoạt động cách mạng. Năm lên 8 tuổi, ông nhận được tin mẹ bị bắt, đày đi Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, cha ông hy sinh trong một lần hoạt động quân báo.

Tháng 5/1959, Nguyễn Văn Thương quyết định tham gia cách mạng. Ba năm sau, ông được chọn làm vệ sĩ cho đồng chí Sáu Dân (tức đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định).

Anh hùng Nguyễn Văn Thương bên vợ và con trai. (Ảnh tư liệu)

Anh hùng Nguyễn Văn Thương bên vợ và con trai. (Ảnh tư liệu)

Khi cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Cục tình báo miền Nam. Nguyễn Văn Thương được tin tưởng chọn sang hoạt động tình báo, đặt dưới sự quản lý trực tiếp và huấn luyện của đồng chí Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn).

Trong vai người bán bánh mì Tư Hiếu, ông hoạt động tình báo ở khu vực miền Đông Nam Bộ, từ Tây Ninh tới Bình Long (Bình Phước), Long Khánh (Đồng Nai) và Sài Gòn. Ông tham gia các mũi giao thông của cụm tình báo A18, A20, A22 và A36.

Nhiệm vụ chủ yếu là chuyển về tin tức từ các điệp viên mà ta cài cắm sâu trong chính quyền Sài Gòn của ông Ba Quốc (Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức), Hai Nhạ (Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ), Hai Trung (Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn)… về Trung ương Cục miền Nam.

Suốt thời gian hoạt động, ông chuyển 900 tin tình báo về chiến khu an toàn, từ đó, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng có những sách lược, chủ trương kịp thời đánh địch.

Tháng 2/1969, trên đường mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ, Nguyễn Văn Thương bị máy bay Mỹ phát hiện, hạ thấp định bắt sống. Ông chủ động dùng súng AK bắn rơi máy bay lên thẳng, diệt ba tên Mỹ. Quân đội Mỹ phải huy động lực lượng lớn gồm 72 chiếc trực thăng, mỗi chiếc là một tiểu đội, nguyên Trung đoàn 48 và Sư đoàn 5 lính Việt Nam Cộng hòa để truy bắt ông.

Khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ông bị bắt nhưng đã kịp giấu kỹ tài liệu. Quân địch quyết tâm khai thác ông bằng mọi cách, kể cả dùng tiền, gái đẹp, chức vụ. Không khuất phục được Nguyễn Văn Thương, kẻ thù ra lệnh cưa chân trong sáu lần, làm cả hai chân của người tình báo cụt gần đến háng.

Lòng can đảm và sự kiên trung của Nguyễn Văn Thương khiến cho những tên sỹ quan Mỹ cũng phải kính nể. Trung tá Mỹ trực tiếp ra lệnh tra tấn ông cũng ở đó, nhìn một lúc không nói gì rồi quay vào bàn ngồi viết. Viết được một lúc, hắn đứng lên đi qua đi lại, rồi đến gần ông, nhìn khá lâu vào cơ thể chỉ còn một nửa, nói khẽ: "Ông đúng là 1 sinh vật bằng thép, thử sức nhau suốt 7 tháng nay, chúng tôi thua ông rồi".

Tháng 2/1973, khi giặc trao trả tù binh, Nguyễn Văn Thương được đưa đi an dưỡng ở miền Bắc, sau đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thiên Bình

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/thieu-ta-tinh-bao-6-lan-bi-dich-cua-chan-van-khong-khai-mot-loi-ar941535.html