Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền: Vị tướng gắn liền với những con đường huyền thoại

Trải qua 45 năm binh nghiệp với nhiều vị trí công tác khác nhau, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền đã dành trọn cuộc đời cho Quân đội và gắn bó với những con đường huyền thoại. Dù ở vai trò chiến sĩ mở đường Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa hay quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới (ĐTTBG) và nhiều cương vị quan trọng khác, Thiếu tướng Hoàng Kiền đều xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Chúng tôi đến thăm Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền trong không khí kỷ niệm 65 năm Ngày Mở đường Trường Sơn huyền thoại. Tại căn nhà nằm trên phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gia đình đồng chí đặt ngay ở phòng khách, tại vị trí cao và trang trọng nhất. Trò chuyện với vị tướng gạo cội, những câu chuyện của quá khứ cứ hòa quyện, đan xen cho chúng tôi hình dung về hình ảnh một vị tướng bình dị, bản lĩnh và trí tuệ.

Cuộc đời binh nghiệp rực rỡ

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền sinh năm 1950 tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong một gia đình thuần nông và đông con. Gia cảnh khó khăn nên khi học hết lớp 7, Hoàng Kiền nghỉ học để lao động phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy chỉ có con đường học vấn mới thoát nghèo, một năm sau, ông đăng ký học tại Khoa Tự nhiên của Trường Sư phạm cấp 2 Nam Hà, rồi trở thành giáo viên dạy Toán - Lý tại quê nhà Giao Thủy. Cùng với nhiều thanh niên lúc bấy giờ, nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Mỹ, năm 1970, thầy giáo trẻ xung phong nhập ngũ, bắt đầu hành quân ra chiến trường với vai trò lính công binh mở đường Trường Sơn.

 Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền.

Nhớ lại ký ức, Thiếu tướng chia sẻ: “Trong số hơn 20.000 người hy sinh ở Trường Sơn thì lính công binh chiếm gần 10.000 người. Lực lượng công binh làm nhiệm vụ khảo sát, mở đường cho toàn quân chống Mỹ, là lực lượng đông đảo nhất và cũng hy sinh nhiều nhất. Trong quá trình chiến đấu, chúng ta đã từng nghĩ rằng không thể thắng được lực lượng, thiết bị và quân đội của Mỹ. Bộ đội ta không chỉ chiến đấu với bom đạn của kẻ thù mà còn phải chiến đấu với vô vàn khó khăn khác như bệnh tật, đói rét. Nhưng khó khăn mấy anh em cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, không ai sợ chết hay có tư tưởng trốn tránh. Tất cả đều đồng lòng làm theo khẩu hiệu: “Sống bám cầu bám đường - Chết kiên cường dũng cảm”.

Hòa bình lập lại, sau khi tốt nghiệp kỹ sư công trình loại giỏi tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, đồng chí được giao nhiệm vụ công tác tại Quân chủng Hải quân. Đồng chí được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng tại nơi này như: Đưa hàng nghìn tấn đất ra Trường Sa; xanh hóa những hòn đảo chỉ có cát và gió; cải thiện bữa ăn cho bộ đội; đưa những thợ xây lành nghề ra Trường Sa để xây kè chắn sóng, chống xói lở và tích trữ nước ngọt cho đảo; hình thành cộng đồng kiên cường trên đảo...

Sau 8 năm gắn bó với Trường Sa, đồng chí Hoàng Kiền được điều động trở về Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh. 10 năm công tác tại đây, đồng chí đã trải qua những cương vị: Phó tổng tham mưu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, Tư lệnh. Năm 2006, đồng chí Hoàng Kiền được thăng quân hàm Thiếu tướng. Năm 2007, Thiếu tướng Hoàng Kiền được Bộ Quốc phòng giao làm Giám đốc Ban quản lý Dự án ĐTTBG. Đến năm 2015, đồng chí nghỉ hưu với 45 năm tuổi quân.

Với nhiều đóng góp từ những ngày kháng chiến chống Mỹ đến khi đất nước hòa bình, Thiếu tướng Hoàng Kiền được trao tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhì, Anh hùng LLVT nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh,...

“Là tướng, phải sáng tạo và quyết đoán”

ĐTTBG được xây dựng trong phạm vi từ đường biên giới quốc gia trở vào dưới 1.000m, qua 25 tỉnh biên giới đất liền từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Con đường này kết hợp với mạng lưới giao thông của các địa phương, đặc biệt là các đoạn qua cửa khẩu, khu đông dân cư. Nhờ đó, ĐTTBG đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng; góp phần đẩy mạnh việc giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân…

Với vai trò là Giám đốc Ban quản lý Dự án ĐTTBG giai đoạn 2007 - 2014, nhiệm vụ của Thiếu tướng Hoàng Kiền là điều hành lực lượng trong toàn quân tham gia thi công đường theo đúng chỉ đạo của cấp trên. “Tôi đã nêu cao trách nhiệm của mình, toàn tâm toàn trí cố gắng hết mình cho nhiệm vụ” - đồng chí nhấn mạnh.

Theo Thiếu tướng, khó khăn lớn nhất trong quá trình chỉ đạo dự án này là làm sao để đảm bảo đúng tiến độ thi công và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong những năm thực hiện dự án, đồng chí đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong các quyết định của mình.

Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ: “Đến tỉnh nào thi công, chính quyền cũng yêu cầu phải làm theo đúng luật thì mới cho giải phóng mặt bằng, khu vực đó muốn thi công thì phải chờ được Quốc hội họp cho chủ trương. Nhưng Dự án ĐTTBG đi qua nhiều vùng, mà mỗi vùng lại đợi chỉ đạo như vậy thì nhiều thời cơ “vàng” sẽ mất. Sau đó, tôi đã đề xuất với Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc giải phóng mặt bằng. Tôi đề nghị việc giải phóng mặt bằng giao cho tôi chỉ đạo và chịu trách nhiệm, còn các thủ tục báo cáo lên trên thì làm sau. Từ đó, tôi có cơ sở yêu cầu các bộ và các địa phương chấp hành”.

Làm song song hai việc thi công và báo cáo cấp trên - đó là phương pháp tham mưu đột phá của người chỉ huy, là điều sáng tạo có ý nghĩa quyết định với Dự án ĐTTBG. “Nếu không sáng tạo và quyết đoán, cứ ngồi chờ quyết định mới làm thì rất lâu” - đồng chí cho biết thêm.

Trong 7 năm điều hành Dự án ĐTTBG, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, xây dựng thành công những cung đường giai đoạn ban đầu. Ông cùng đồng đội đã lập nên một kỳ tích cho công cuộc bảo vệ an ninh quốc phòng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền (ngoài cùng, bên phải) trong một lần đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện Dự án ĐTTBG. Ảnh: NVCC

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền (ngoài cùng, bên phải) trong một lần đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện Dự án ĐTTBG. Ảnh: NVCC

Vị tướng chỉ huy bằng… thơ

Thiếu tướng Hoàng Kiền còn là một người yêu thơ. Đồng chí tập làm thơ từ thuở còn Binh nhì (năm 1971). Sau hàng thập kỷ, tưởng rằng tâm hồn thi sĩ đã bị những con sóng lớn và bão tố cuốn đi nhưng khi đảm nhiệm dự án ĐTTBG, hồn thơ trong ông lại trở về. Chất liệu thơ của ông là những cung đường ông qua, người dân địa phương ông từng tiếp xúc, những cảm xúc mà ông đã trải nghiệm. Với ông, thơ ca là nguồn cảm hứng tiếp thêm sức mạnh, giúp ông vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và lạc quan trên mỗi bước quân hành.

Bên cạnh mảng thơ trữ tình viết tặng quê hương và đồng đội, thơ về chính trị, quân sự, khoa học, Thiếu tướng Hoàng Kiền còn làm thơ để điều hành, chỉ huy trong công việc. Đó là những bài thơ lục bát có tính khái quát, cô đọng, dễ thuộc, dễ nhớ được viết trên xe ô tô trong quá trình đồng chí đi thăm, kiểm tra các đơn vị thi công trên công trường. Lời thơ mộc mạc, giản dị, khái quát thực tế những gì đã diễn ra trên các công trình xây dựng ĐTTBG. Trong các cuộc họp giao ban, sau khi nhận xét và kết luận, đồng chí đọc thơ và in cho các đại biểu, đại diện cho các đơn vị hội nghị tham dự.

Nói về kỷ niệm từ những vần thơ chỉ huy này, Thiếu tướng Hoàng Kiền kể: “Trong một lần đi kiểm tra tiến độ dự án, thấy đồng chí chỉ huy trưởng thường xuyên chậm tiến độ trong khi tôi đã phê bình nhiều lần, tôi đã làm bài thơ nhắc nhở. Tôi nhớ hai câu thế này: “Ba năm hưởng lạc thẫn thờ/ Để cho nham nhở cầu chờ, cống treo”. Phê bình bằng thơ thì nhẹ nhàng hơn, hợp lý hợp tình, tránh xung đột trong các cuộc họp. Đồng chí cấp dưới đó cũng ghi nhận và thay đổi tích cực”.

“Ai tốt tôi động viên bằng thơ, ai có khuyết điểm tôi nhắc nhở bằng thơ. Thơ tôi viết nhằm giao lưu, kết nối, động viên để anh em vươn lên, cho không khí phấn khởi, bớt căng thẳng” - Thiếu tướng Hoàng Kiền nói thêm. Trong thời gian đảm nhiệm dự án ĐTTBG, Thiếu tướng đã viết 500 bài thơ với 1.000 trang thơ. Ngoài ra trong cả cuộc đời mình, Thiếu tướng đã xuất bản tổng cộng 18 tập thơ và đầu sách về nhiều lĩnh vực.

Đến nay, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã bước sang tuổi 74, ông vẫn khỏe mạnh và tinh tường. Kể lại những câu chuyện trong cuộc đời binh nghiệp cho chúng tôi, vị tướng như trẻ lại, ánh mắt tinh anh và tâm thế tràn đầy nhiệt huyết. Sau những năm tháng sống và tận hiến cho Quân đội, Thiếu tướng Hoàng Kiền vẫn tiếp tục dành tâm sức và thời gian để nghiên cứu thêm các tài liệu, thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho nhiều đơn vị, tổ chức. Có thể thấy, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền là vị tướng tài ba gắn với nhiều kỳ tích, là tấm gương bình dị mà cao quý của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bài, ảnh: HOÀNG LAM - THÚY NGÂN - HÀ PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-anh-hung-llvt-nhan-dan-hoang-kien-vi-tuong-gan-lien-voi-nhung-con-duong-huyen-thoai-778613