Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ với cuộc đời đầy ắp những nỗi niềm
Giới văn nghệ sĩ vẫn thường nhắc về Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ với sự kính trọng, lòng ngưỡng mộ về tài năng, nhân cách.
Ông sáng tác đa dạng trong các thể loại nhưng với một mối quan tâm là viết về sự hy sinh thầm lặng của đồng đội trong cuộc chiến giành độc lập cho Tổ quốc cũng như bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Người “nhà quê” thứ thiệt
Sinh năm 1943, từng chinh chiến trên khắp các mặt trận trong chiến trường và phục vụ trong 2 lực lượng Quân đội rồi Công an, Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ mới được “nghỉ hưu” từ năm ngoái.
Nói vậy là vì sau khi rời nhiệm sở trên cương vị Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, Bộ Công an, ông đã được Tổng Biên tập Báo Công an Nhân dân Hữu Ước mời làm cố vấn Ban Biên tập. Từ đó, ông cặm cụi làm tiếp công việc này qua 3 đời Tổng Biên tập.
Phải đến hết tháng 8 năm ngoái, ông mới chính thức nghỉ và ông gọi vui là “Cách mạng tháng Tám” của cuộc đời.
Nghỉ công việc tại Báo Công an nhân dân, tưởng chừng ông sẽ có thời gian nhàn rỗi. Nhưng không, mọi người vẫn thấy ông bận rộn đi lại, ghi chép và xuất bản những cuốn sách.
Với nhà văn Khổng Minh Dụ, viết lách chính là cách để ông tri ân cuộc đời. Cuộc đời đã cho ông quá nhiều ưu ái khi được các thủ trưởng, bạn bè, đồng nghiệp yêu thương, giúp đỡ và đặc biệt được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng.
Nhiều người khi nghe đến chức danh, quân hàm của ông thì có vẻ “ái ngại” nhưng khi tiếp xúc trực tiếp thấy vị tướng này luôn giản dị, chất phác, hòa đồng, vui vẻ với tất cả mọi người, kể cả những người mới vào nghề như chúng tôi.
Phải nói rằng, hơn nửa thế kỷ sống xa vùng quê xứ Đoài (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) nhưng con người ông vẫn giữ nét chân chất như một nông dân thứ thiệt.
Trong phòng khách trên gác 4 ở phố Hoàng Cầu (Hà Nội), ông trưng bày rất nhiều dụng cụ nhà nông như cày, cuốc, thúng, mủng, đơm, đó... như ông tâm sự là “để thỉnh thoảng nhâm nhi chén trà rồi ngắm cho đỡ nhớ quê”.
Con người “nhà quê” trong Khổng Minh Dụ còn được thể hiện qua nhiều bài thơ, như: “Cố hương”, “Đồng trăng”, “Chiều bên sông Thương”, “Nét xuân”, “Về với sông Cầu”, “Về Cà Mau quê em”…
Khổng Minh Dụ yêu quý, trân trọng những người nông dân “hai sương một nắng”, bởi chính họ đã giúp đỡ, đùm bọc để ông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ tình báo trong chiến trường cũng như khi hòa bình lập lại.
“Nhân dân có vai trò quan trọng và khả năng rất to lớn đối với công tác tình báo, vì nhân dân “có hàng chục triệu tai mắt, việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thế biết” (Thư của Hồ Chủ tịch gửi Hội nghị Tình báo, tháng 4/1949). Thực tiễn cho thấy “Tình báo phải dựa vào dân” là một tất yếu khách quan đã được khẳng định trong quá trình hình thành, phát triển của lực lượng Tình báo Công an nhân dân”, nhà văn Khổng Minh Dụ khẳng định.
Nỗi niềm hậu chiến
Nhà văn Khổng Minh Dụ đã xuất bản nhiều cuốn sách, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu, như: “Miền quê yêu dấu”, “Trong tiếng sóng biển xa”, “Bí ẩn của ký ức”, “Nỗi niềm ai tỏ”, “Những người ở ngôi nhà mật”, “Những khoảng đời bí ẩn”… (văn xuôi); “Nối dài thương nhớ”, “Màu nhớ”, “Lặng thầm”, “Thơ tình một thuở”, “Nỗi niềm và đồng đội”… (thơ).
Mới đây nhất, ông xuất bản tập sách “Nỗi niềm hậu chiến” do Nhà xuất bản Công an Nhân dân ấn hành. Viết lời tựa cho cuốn sách này, ông tâm sự: “Gần một phần hai thế kỷ qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dốc lòng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời đập tan mọi âm mưu phá hoại, kích động gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, bọn phản động trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, vẫn còn những phức tạp nảy sinh mà trong đó có vấn đề nảy sinh từ âm mưu hậu chiến của địch mà đơn vị chúng tôi, một “binh chủng đặc biệt” thuộc lực lượng Công an nhân dân, với chức năng nhiệm vụ được giao đã, đang và sẽ tiếp tục phải đương đầu với nó.
Trong khuôn khổ cuốn sách này, là người trong cuộc, tôi chỉ xin nêu một số vụ việc trong tiến trình xử lý những vấn đề có liên quan tới quá khứ, nó trở thành “nỗi niềm hậu chiến” của bản thân và đồng đội mình mà chưa từng bày tỏ cùng ai”.
Là người chiến sĩ trong lực lượng tình báo, nhà văn Khổng Minh Dụ đã hướng ngòi bút về những người đồng chí, đồng đội, những bậc thầy của mình ở lực lượng tình báo và an ninh.
Đó là các sĩ quan quân đội như: Trung tướng Nguyễn Như Văn (Tư Văn) - Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo; Thiếu tướng Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc) - Cục trưởng Cục 12 Tổng cục Tình báo; Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) - nguyên Đoàn trưởng Đoàn tình báo J22, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H67... và trong lực lượng Công an như các Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Cục trưởng Cục chống phản động; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy (tức Bảy Khiêm), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên; Đại tá Trần Mỹ, nguyên Phó Cục trưởng A25...
Ông bảo, do đặc thù nghề nghiệp nên nhiều thông tin, chiến công của người chiến sĩ tình báo và an ninh ít được sách báo đề cập tới hoặc có đề cập nhưng có những chi tiết chưa chính xác, vì vậy ông viết sách để giúp độc giả có thể hiểu một phần nào đó về công việc này.
Nhà văn Khổng Minh Dụ nhập ngũ từ năm 1961, khi ông mới 18 tuổi và chỉ vài năm sau được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng ở một đơn vị pháo binh đóng tại Mộc Châu (Sơn La).
Khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, ông xung phong tái ngũ và được quân đội tuyển chọn, đào tạo để đưa vào hoạt động bí mật trong lòng địch suốt 10 năm. Tháng 9/1975, một bước ngoặt lớn đến với cuộc đời, ông được Bộ Công an tuyển chọn vào làm việc ở Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng.
Công tác tại đây và đặc biệt là cương vị Cục trưởng, nhà văn Khổng Minh Dụ thường xuyên có cơ hội tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ. Là nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, lại là người cầm bút, nhà văn Khổng Minh Dụ luôn phải đắn đo, cân nhắc trước mỗi một sự việc để đưa ra quyết định thấu tình đạt lý.
“Là người viết văn, tôi rất thông cảm những khao khát sáng tạo thậm chí những tìm tòi khác thường của nghệ sĩ, bởi vì chỉ có sự khác biệt ở tầm cao mới đem lại cho họ niềm vui và hạnh phúc. Mà những tìm tòi như thế nhiều lúc rất đụng chạm.
Ngoài trách nhiệm của Cục trưởng, tôi còn là nhà văn. Vì nghiên cứu về một tác phẩm, tôi luôn đồng cảm với trăn trở của tác giả, nó trở thành kinh nghiệm để đồng đội nối tiếp tôi đều thống nhất như vậy”, nhà văn Khổng Minh Dụ bộc bạch.
Một hồn thơ lãng mạn
Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ sinh năm 1943 tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học, như: Giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân Giải phóng miền Nam, 1972; giải thưởng Cây bút vàng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an, 1998; Giải thưởng văn học (1995 - 2005) của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an; Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu của UBND tỉnh Bến Tre, 2013…
Sâu thẳm trong con người Thiếu tướng Khổng Minh Dụ là một hồn thơ lãng mạn. Ông coi thơ là “điểm tựa”, là “quãng nghỉ” của tâm hồn sau những phút làm việc căng thẳng. Thơ của ông giản dị, mộc mạc, giàu chất văn học như lời tự sự hết sức chân thành trước nhân tình thế thái.
Những bài thơ của ông luôn sẵn chất nhạc nên đã đi vào khuông nhạc của nhiều nhạc sĩ. Một trong những người đó là nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Tác giả “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” đã phổ nhạc 3 bài thơ “Đồng trăng”, “Áo tím chiều mưa”, “Em tôi” của Khổng Minh Dụ thành những ca khúc tình cảm, trữ tình.
“Tôi thấy thơ của Khổng Minh Dụ sắc sảo, giàu bản sắc và có nét riêng biệt không lẫn với bất cứ ai. Khi viết về tình yêu, thơ ông lãng mạn, bay bổng. Khi viết về quê hương, đất nước, thơ ông mộc mạc, chân thành. Khi viết viết thế sự, thơ ông ẩn ý, sâu sắc”, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ.
Nhà văn Khổng Minh Dụ yêu, đắm say với con chữ. Ông luôn tự hào được sinh ra trên vùng đất núi Tản, sông Đà linh thiêng, quê hương của nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có nhà thơ Tản Đà như những câu thơ trong bài thơ “Cố hương”:
“Dẫu phiêu bạt tứ phương
Giữa ồn ào phố thị
Giữa cao sang quyền quý
Vẫn đau đáu nhớ về nơi ấy
Biếc xanh Tản Viên
Trong mát Đà Giang
Đỏ lựng phù sa Hồng Hà
Mây trắng mênh mang
miền Đoài nắng hạ
Ngẩn ngơ chiều Thành Sơn
Ủ nỗi niềm nhung nhớ
cố hương”...
Bởi vậy, không khó lý giải khi ở tuổi 80, nhà văn Khổng Minh Dụ vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông đã từng viết trong bài thơ “Tự bạch”: “Cái nghiệp văn chương là như thế/Số phận nhân gian - số phận mình/ Ước chi mãi được là con trẻ/Để khỏi đau đời, đau kiếp văn” như lời nhắc nhở bản thân phải quyết tâm viết mỗi ngày. Đó cũng như cách ông rèn luyện trí óc trước sự lão hóa.