Thịt lợn mát nhiều ưu điểm, ít người mua
Trong khi giá thịt lợn bán ở các chợ truyền thống (thịt nóng) cao thì thịt mát bán ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích lại thấp hơn từ 2-10%.
Khan hiếm nguồn cung "thịt nóng"
Dịch tả lợn châu Phi đang làm cho nguồn cung thịt lợn khan hiếm. Chị Nguyễn Thị Hạnh, người bán thịt lợn ở chợ An Ninh, phường Quang Trung (TP Hải Dương) mấy chục năm cho biết chưa năm nào thịt lợn lại khan hiếm như hiện nay. “Có những hôm tôi phải chờ trực ở khu giết mổ tập trung từ 2 - 4 giờ sáng mà phải về tay không vì không lấy được thịt để bán”, chị Hạnh nói. Chị Hạnh cho biết thêm một số người phải nghỉ chợ do không mua được lợn để bán.
Do khan hiếm nguồn cung nên giá thịt lợn cũng tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Ngày 7.1, giá thịt ba chỉ khoảng 170.000 đồng/ kg, nạc thăn, nạc vai, mông sấn khoảng 160.000 đồng/kg, sườn non 170.000 đồng/kg, tim lợn 250.000 đồng/kg. Giá bán này đã giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với thời điểm giá thịt lợn cao nhất vào tháng trước. Nhưng theo chị Hạnh và một số người bán thịt khác, từ nay tới Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng lớn, thịt lợn sẽ còn khan hiếm, giá thịt lợn có thể sẽ tiếp tục tăng.
Bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tính đến tháng 10.2019, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 230.000 con, trong đó lợn thịt gần 210.000 con, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt từ nay đến hết năm ước đạt gần 50.000 tấn, giảm gần 50%. Để đáp ứng đủ nhu cầu thịt lợn của thị trường dịp Tết là áp lực khá lớn đối với ngành chăn nuôi.
Thịt mát dồi dào
Trong khi giá thịt lợn nóng tăng cao, nguồn cung khan hiếm thì thịt lợn mát ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích như Big C, Vinmart giá ổn định, có loại rẻ hơn từ 2 - 10% so với thị trường, nguồn cung dồi dào.
Ngày 8.1 tại siêu thị Big C, thịt lợn ba chỉ có 2 loại giá 154.500 đồng/kg và 168.500 đồng/kg, nạc thăn 158.000 đồng/kg, mông sấn 147.500 đồng/ kg, tim lợn 84.900 đồng/ kg… Bà Vũ Thị Sen, Giám đốc siêu thị Big C Hải Dương cho biết Big C đang áp dụng chương trình bán thịt lợn không lợi nhuận để hỗ trợ người tiêu dùng.
Đây không phải là thịt lợn nhập khẩu mà do các công ty chăn nuôi trong nước cung cấp cho siêu thị theo hợp đồng. Big C đã ký kết với 2 đơn vị cung cấp có đầy đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là Công ty CP Thương mại dịch vụ Tuấn Tuân ở 29 Hàn Giang, phường Quang Trung (TP Hải Dương) và Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam tại Chương Mỹ (Hà Nội). “Từ nay tới Tết Nguyên đán, chúng tôi cam kết cung cấp thịt lợn không giới hạn về số lượng, giá chỉ giảm không tăng so với thị trường để góp phần bình ổn giá thịt lợn”, bà Sen khẳng định.
Nguồn cung dồi dào, giá bán hợp lý nhưng phần lớn người tiêu dùng vẫn thờ ơ. Tâm lý chung của người dân là lo ngại về độ tươi ngon của loại thịt này. “Tôi cảm giác thịt mát là đã qua thời gian bảo quản nên sẽ không còn giữ được độ tươi ngon như thịt ngoài chợ”, chị Lê Thị Dịu, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) băn khoăn.
Xu thế sử dụng thịt mát đã phổ biến ở các nước trên thế giới từ lâu. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, thịt lợn mát được đưa vào các siêu thị, cửa hàng đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch trước khi đưa về khu giết mổ. Việc giết mổ phải được tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ…
Ngay sau khi giết mổ, thịt lợn được làm mát từ 0 - 4 độ C. Trong suốt quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thịt nóng sau giết mổ, ngay lập tức sẽ bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme, rất khó kiểm soát an toàn vệ sinh. Các chuyên gia và cơ quan chức năng khuyến khích người dân nên thay đổi thói quen sử dụng thịt lợn mát để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp với doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 200.000 tấn thịt lợn từ nay tới hết quý I.2020 nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn trên cả nước, trong đó có tỉnh Hải Dương.