Thơ cần cho con người như thế chăng?
Đỗ Minh Dương làm thơ khá sớm, từ những năm 70 của thế kỉ trước. Năm 1976, anh đã từng đoạt giải thưởng cuộc thi thơ của báo Văn nghệ (trong hai năm 1975-1976). Đến nay, xuất bản trên mười tập thơ. Cứ độ vài năm, anh cho ra mắt một tập thơ riêng. Kể ra, cũng nhiều. Người ta dễ nghĩ, ông này chắc suốt ngày chỉ làm thơ.
Vậy mà không. Đời Đỗ Minh Dương, trải qua nhiều việc, nhiều nghề. Thời chiến, như mọi chàng trai nước Việt, anh đăng lính, có cấp bậc, chức vụ hẳn hoi (trung úy, trợ lý tham mưu Trung đoàn)... Gắn bó lâu nhất với anh, từ năm 1973 đến ngày nghỉ hưu là nghề báo, ở quê nhà - xứ Thanh, rồi Tây Nguyên, Đồng Nai.
Đỗ Minh Dương gắn bó với nghề báo gần suốt cuộc đời. Anh giành trọn thời gian cho nghề và việc của mình. Ngoài những bài báo, anh đăng thơ trên báo Đảng, nhiều cảm xúc về các vấn đề, sự kiện thời sự nóng bỏng của đất nước, địa phương anh đang công tác.
Nghề báo đem lại cho nhà báo nhiều vốn sống, do lăn lộn, đi/nghe/thấy nhiều. Với nhà thơ, nghề báo lại giăng ra cái bẫy, khiến anh phải chạy theo nó, đôi khi chưa kịp nghĩ sâu về bóng hình, mắt đã trông bao hình ảnh khác; lòng vừa xôn xao chưa kịp lắng đọng, nghề đã xua đuổi. Người làm thơ muốn thoát khỏi cái bẫy của nghề đã chọn, nhất là nghề báo, thật khó. Tôi gọi những bài thơ đã in ở hơn mười tập thơ của Đỗ Minh Dương là bằng chứng của sự vượt bẫy. Nó hiện lên con-người-nhà-thơ hiền hậu mà đa đoan; chừng mực chỉnh tề mà dạt dào mến thương; cả nhớ mà cả lo, cả nghĩ.
Đọc thơ Đỗ Minh Dương, ít thấy tác giả có những phút giây vụt sáng. Anh đi con đường của anh, lặng lẽ và kiên trì. Nhớ một vùng trời đã qua. Mơ một bóng hình đã cũ. Thương một kẻ lạc thời... Rồi trở lại với lòng mình. Yên ủi người vợ tào khang bao năm vất vả mà cũng là thương lấy mình: Thân tằm còn mãi tơ vương / Thôi em đừng đến nhìn gương một mình.
Con-người-nhà-thơ Đỗ Minh Dương là thế. Tính cách ấy hằn lên trên câu chữ thơ anh, thổi một điệu buồn thương man mác.
Có khi: Bùi ngùi tôi đứng lặng thinh/ Khóc thương đồng đội chiến chinh chẳng về! (Thăm lại chiến trường xưa).
Đôi lúc: Tình xưa như lửa đã tàn/ Xin đừng quạt gió mà than cháy bùng (Gặp lại tình xưa).
Cũng không hiếm lần thảng thốt: Ôi những giấc mơ êm dịu ngọt lành/ Sao như lửa đốt lòng người xa xứ? (Mơ về thăm làng cũ).
Đừng bắt nhà thơ phải cách tân. Thơ Đỗ Minh Dương là điệu lòng của anh. Tiếng hát ấy sẽ lỗi nhịp, lạc điệu nếu không là tiếng lòng anh đang cất lên! Tập thơ Về miền đất đỏ, gồm hơn năm mươi bài viết sau năm 2000, lại mang được tiếng lòng và điệu hồn Đỗ Minh Dương.
Thơ viết về đất nước, con người Đồng Nai của Đỗ Minh Dương nhiều màu sắc và góc nhìn. Ở miền đất đỏ đã lâu, dường như anh thấm được cái tình, cái nghĩa của nơi không phải là quê hương bản quán mà máu thịt, mến thương tha thiết bội phần. Hơn thế nữa, trong tâm khảm của người làm thơ còn là một nỗi hàm ơn. Cảm và nghĩ được như thế nên thơ giả dụ có phải viết theo yêu cầu về đề tài đi nữa cũng không còn chất địa phương ca khuôn sáo, khiên cưỡng.
Trong tập thơ, Đỗ Minh Dương có bốn, năm bài viết về Bác Hồ - một đề tài vừa gần gũi, quen thuộc, vừa thật khó bởi có biết bao người đã viết. Vì không cố chạy theo đề tài hay chủ đề mà chỉ viết về những điều mình nghĩ, mình cảm xúc thật, nên có lẽ một số bài thơ của anh khiến người đọc nhớ lâu và chia sẻ. Trước mộ cụ Phó bảng (Nguyễn Sinh Sắc), Đỗ Minh Dương phát hiện: Không vương tước, chẳng phong thần/ Mà người nhớ nghĩa mang ân, tìm về!
Về làng Sen, anh mang cảm xúc của một người con đi xa: Con từ sông nước Đồng Nai/ Vượt qua ngàn dặm đường dài về đây/ Ơn sâu, tình nặng, nghĩa dày/ Như người xa xứ lâu ngày về thăm (Về thăm quê Bác).
Đỗ Minh Dương có những câu thơ hay về một đề tài lớn lao và cũng khó không kém - chiến tranh: Những thôn làng đất Việt tôi qua/ Vò võ bóng hoàng hôn góa bụa (...)/ Đau nhói tim ta những xóm không chồng/ Những bia dựng ghi mồ chôn tập thể (Đất nước những năm chiến tranh).
Đỗ Minh Dương đã đi nhiều vùng, sống nhiều nơi, nhưng không phải vì cái máu giang hồ hay bốc đồng và chắc là chẳng mấy khi nổi lên cái nộ khí xung thiên. Là người khoan hòa, từ tốn, anh tự nhận phần thua thiệt về mình và cất giấu nỗi buồn vào trong: Tài chưa đủ sáng cho thơ/ Đức chưa rọi thấu đôi bờ thực, hư… (Gửi bạn).
Một người sống giữa thế gian này, tất nhiên, bên cạnh những niềm vui, đã có biết bao nỗi buồn. Ở người làm thơ, nỗi buồn, niềm nhớ dường như ngày một dày thêm: Nhớ mùa gió bấc mưa thâm/ Áo tơi, nón lá, chân dầm ruộng sâu (Đưa mẹ về quê).
Đáng quý biết bao là những niềm thương: Bạn bè lác đác sao rơ / Nghĩ mà thương những kiếp người tài hoa… (Gửi bạn).
Bàng bạc đời thơ Đỗ Minh Dương luôn là những niềm nhớ, niềm thương, nỗi buồn như thế.
Đỗ Minh Dương thường chiêm nghiệm, day dứt với hai chữ định mệnh, từ lúc sinh ra cam chịu một mình cho tới khi cộng sổ cuộc đời. Niềm vui và nỗi đau, cả gặp gỡ và chia lìa ở anh đều là định mệnh.
Người đời có nhiều phép ứng xử với định mệnh. Anh theo cách của mình: Cắn răng ngồi nín lặng thinh/ Ngẫm câu định mệnh thôi đành người ơi! (Những người anh định mệnh, 2).
Nhà thơ cất giữ nỗi buồn, niềm đau trong cõi riêng. Thơ là chốn thật đáng tin cậy.
Nỗi buồn khiến người đời thấm thía hơn với thân phận của mình.
Niềm thương gợi cho người đời nghĩa lý của sự tồn tại ở nhân gian.
Thơ cần cho con người là như thế chăng?
Trên đất nước này, hẳn không chỉ có nhà thơ mới cảm được cái tình, cái nghĩa, cái ơn sâu nặng ấy. Nhưng với nhà thơ, anh còn tìm thấy ở đó là cội nguồn, là xứ sở, quê hương.
*
Phải chăng chính bởi điệu hồn như thế khiến Đỗ Minh Dương đến với thể thơ lục bát truyền thống? Trong số các tập thơ anh đã xuất bản, số bài lục bát chiếm gần một nửa. Anh lại xuất bản hẳn một tập thơ lục bát, đến 54 bài (Lục bát dọc đường, 2014). Một người làm thơ đã 50 năm như anh hẳn ý thức rất rõ cái bẫy của lục bát để nó không trở thành vè dặm (chữ của Nguyễn Trọng Tạo).
Đỗ Minh Dương thoát được cái bẫy lục bát nhờ ở sự tự nhiên của cảm xúc và hồn hậu của tâm hồn. Điều khiến nhiều câu thơ và có cả bài thơ của anh ở lại với người đời trước hết bởi tâm hồn và cảm xúc ấy: Chén vui thức dậy niềm đau/ Xót thằng bạn ngủ rừng sâu chẳng về! (Tìm thăm đồng đội).
Hết thảy, không có câu chữ nào cầu kỳ và bóng mượt. Đỗ Minh Dương đã tìm đúng lục bát để gửi điệu hồn của mình.
Nói thế không có nghĩa Đỗ Minh Dương chỉ thành công khi đến với thể thơ lục bát. Ở thể thơ bốn chữ, năm chữ, anh đều có những bài hay, như: Đồng dao cho mình, Lời ru, Ngày giỗ mẹ... Các bài thơ ấy gần với những khúc hát ru, ru đời, ru người, và ru chính mình: Mẹ ru: “Trăng khuyết,/ rồi trăng lại tròn…”/ khổ đau đời mẹ/ khuyết vào đời con/ bố đi tháng bảy/ nhà xiêu, vách mòn/ những đêm trăng trò / mẹ đau ly biệt/ mùa đông tháng rét/ quạnh đời mồ côi! (Khuyết).
Đôi lúc bắt gặp ở Đỗ Minh Dương một bài thơ tự do có tứ thơ khá hay: Người con về thăm mộ mẹ giữa mùa xuân ở quê, nhìn thấy những bông hoa cúc nở vàng: Mỗi bông hoa như một bát cơm đầy. Rồi người con trai ấy nhớ lại những hình ảnh tần tảo của mẹ suốt một đời vì con: Mẹ sống trọn cuộc đời thơm thảo/ để linh hồn thành cúc... nở hoa!
Bình thường so sánh bông hoa cúc như bát cơm, có lẽ cũng thường thôi. Nhưng đấy là bát cơm của những ngày giáp hạt xưa mẹ đơm cho con. Bây giờ, mẹ không còn nữa mà tình yêu của mẹ vẫn tròn đầy, vẹn nguyên. Khi đọc bài thơ này (Hoa cúc nở trên mộ mẹ, tập Vầng trăng đợi mùa), tôi nghĩ, cả đời mẹ khốn khổ, đọa đày nhưng mẹ đã có một người con yêu mẹ biết chừng nào!
Đỗ Minh Dương viết nhiều bài thơ về rượu (uống rượu, say rượu): Uống rượu với người trong tranh, Với đồng đội cũ, Tìm thăm đồng đội, Em và rượu... Bài Lời người say rượu (tập Tình yêu và định mệnh) khá độc đáo. Đây là bài thơ viết theo thể song thất lục bát duy nhất được anh in vào các tập thơ đã xuất bản, sáng tác năm 1989, với lời đề tặng: Thân tặng Đỗ Hữu Tài! Ai ở Đồng Nai ít nhiều đều biết nhà giáo lừng danh này. Bài thơ của Đỗ Minh Dương không chỉ hiện lên cái bản lai diện mục của người đối ẩm mà còn cả cái tình sâu thẳm của khách giang hồ, mặc cho phút giây giang hồ ấy là bất chợt hay thoáng chốc: ...Nào hãy rót, rót đầy ly nữa/ uống cùng nhau một bữa nhớ đời/ Trăng nghiêng mặt ngọc trêu người/ mượn hồn Chinh phụ lựa lời ngâm lên(...) Rót mặt ngọc tan vào rượu nhớ/ uống vào hồn chẳng sợ gió mưa(...) Lời say hơi chút ngang tàng/ Ta say có khác chi ngàn người say?
Đời Đỗ Minh Dương, nỗi buồn, niềm đau, nỗi nhớ, niềm thương cứ luôn muốn giấu vào trong, huống chi giang hồ, lãng tử. Nhưng anh không giấu được thơ, bởi đó là tiếng lòng của lòng mình.
Thơ ở với con người và cần cho con người như thế chăng?
Mạnh Hạ, Nhâm Thìn - Quý Thu, Quý Mão