Thổ Chu mùa gió Nam

Buổi sáng là không gian yên bình, nhưng có nhiều đám mây mù đùn lên và hướng về quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khiến nhiều người dân thốt lên, 'gió sắp tới, tàu ghe ra vô mần ăn lại khó rồi'. Chỉ một lát sau, vùng biển này đầy âm thanh ầm ào của gió biển. Ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: 'Đời sống của bà con đang gặp rất nhiều khó khăn'.

Ngư dân Phạm Hữu cho biết, dù khó khăn, sản lượng cá sụt giảm sâu, nhưng vẫn cố gắng lạc quan để tiếp tục bám đảo. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân Phạm Hữu cho biết, dù khó khăn, sản lượng cá sụt giảm sâu, nhưng vẫn cố gắng lạc quan để tiếp tục bám đảo. Ảnh: Văn Chương

Ánh ban mai bừng lên ở phía Đông của xã đảo Thổ Châu, tiếng chim nhạn thỉnh thoảng lại bạt đi trong gió. Quần đảo Thổ Chu có những đặc điểm về động, thực vật gần giống với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là trên đảo có nhiều cây bàng vuông, phong ba, bàng lá lớn, mù u, cầy xanh, cầy đỏ; dưới biển từng có rất nhiều đồi mồi, vích, cá mập; trên các hòn đảo nhỏ có rất nhiều chim nhạn, yến. Nhưng cư dân đầu tiên ra Thổ Chu đầu thập niên 90 của thế kỷ trước hồi ức, có khi chim bay như một đám mây trên bầu trời, hình ảnh và âm thanh giống như một thế giới khác.

Buổi sáng, khi gió lay động cây bàng vuông có gốc xù xì, già nua nằm ngay ngã ba rẽ vào trụ sở UBND xã Thổ Châu, bà Tăng Thị Phương, 71 tuổi đi mua ít trái cây và nhành hoa về thắp hương cho người chồng là ông Danh Viễn, một trong những cư dân đầu tiên ra đảo theo chủ trương của tỉnh Kiên Giang. Cùng thế hệ đầu ra đảo lập nghiệp hiện còn bà Đinh Thị Khuyển là vợ ông Huỳnh Bình Khởi, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu. Câu chuyện về việc đưa dân từ đất liền ra quần đảo Thổ Chu dựng nhà, khai hoang vào năm 1993 hiện về qua lời kể đứt đoạn của những người già.

Cách đây hơn 30 năm, hòn đảo hoang sơ không có đường, không điện, là thiên đường của các loại cá. Trước đó, năm 1956, chính quyền Sài Gòn ra dựng cột mốc chủ quyền, có ghi kèm tên đảo bằng tiếng Pháp là Poulo Panjang. Người dân đảo kể lại rằng, thời đó, cá nhiều tới mức một thành viên trong đoàn ra gành để câu cá và bị một con cá mú nặng hơn 40kg kéo ngã xuống biển. Còn vào thời điểm người dân ra khai ấp, lập làng vào năm 1993, ông Huỳnh Bình Khởi thời gian đầu là Phó ban Chỉ đạo xã mới Thổ Châu (theo Quyết định số 96/QĐ-UB của UBND tỉnh Kiên Giang), chỉ ra thả câu ngay sát bờ, ông đã kéo lên được những con cá nặng cả hàng chục kg.

Cuộc sống luôn tiến về phía trước. Sau hơn 30 năm, nhiều người đã dần quên lãng những ngày tháng đầu tiên ở đảo. Quên vì cuộc sống ở xã Thổ Châu những năm sau đó diễn ra khá thuận lợi. Nơi nào cũng có cảnh dập dìu trên bến dưới thuyền. Thời vàng son, hoang đảo Thổ Chu từ một hòn đảo gắn với ký ức rùng rợn về việc Pol Pot bắt sạch dân trên đảo (513 người) chở đi giết hại đã trở thành nơi đất lành chim đậu. Cư dân ở các đảo ra định cư ở xã Thổ Châu đã thu hút được 15 doanh nghiệp thu mua hải sản với đội tàu hơn 30 chiếc, mỗi ngày các doanh nghiệp thu mua từ 60-80 tấn hải sản, sơ chế tại chỗ hoặc cấp đông, sau đó vận chuyển vào đất liền.

Ngư dân Phạm Hữu, quê ở tỉnh Quảng Ngãi và nhiều ngư dân ở tỉnh Bình Định nghe tiếng tăm của quần đảo Thổ Chu nên tìm ra đây để mưu sinh. Dòng người ra Thổ Chu khá đông nên dân đảo đầu tư vốn để xây dựng nhà trọ. Các tàu đánh cá vào bờ và ngư dân lên đảo nghỉ ngơi, điện thoại cho người nhà ra Thổ Chu; người lao động từ đất liền ra đảo làm ăn. Ông Hữu nhớ lại, thời đó chỉ cần người đưa đò, hằng ngày chở ngư dân từ tàu vào đảo có khi kiếm được nửa chỉ vàng/ngày, làm cái gì cũng kiếm được tiền.

Ông Nguyễn Thái Học, nguyên Chủ tịch UBND xã Thổ Châu từ những ngày đầu tiên thành lập xã phân tích rằng, dù cách thành phố Rạch Giá 200km, nhưng nơi này thu hút được rất nhiều ngư dân ở tận Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Thuận ra tạm trú, đi làm sơ chế hải sản, đánh cá vùng lộng gần đảo. Thời đó, cứ ban đêm là vích chạy lô nhô trên bờ cát, đồi mồi cũng xuất hiện khá nhiều và không bị cấm nên ngư dân tập trung đánh bắt, cá mập được khai thác rất nhiều và ngư dân chỉ lấy vi. Nhưng bây giờ thì người dân lần lượt rời đảo.

Một trong nhiều vựa chế biến cá trên đảo Thổ Chu bị bỏ hoang. Ảnh: Văn Chương

Một trong nhiều vựa chế biến cá trên đảo Thổ Chu bị bỏ hoang. Ảnh: Văn Chương

Lúc hưng thịnh, người dân ở xã Thổ Châu dần quên đi những ký ức cũ thời mới ra đảo được bộ đội dựng nhà lá dừa, hằng ngày ngồi đu vắt vẻo trên cây bún ngó về đất liền, mỗi tháng thuyền vận tải ra đảo một lần… Gia đình ông Huỳnh Bình Khởi luôn đi tiên phong trong việc mở mang kinh doanh, lắp ráp nhà máy nước đá để cung cấp nhu cầu đá lạnh cho toàn đảo, hùn hạp với nhiều bà con bằng số tiền Nhà nước hỗ trợ để đóng tàu đánh cá.

Xã đảo Thổ Châu vào những ngày gió Nam thổi ràn rạt, khung cảnh buồn hiu hắt lại hiện ra. Khu vực cầu cảng từng là nơi có khoảng 400 tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau, giờ đây chỉ có bọt sóng vỗ ì ầm vào bờ, miệt mài. Các ngư dân làm nghề câu quanh đảo là những người am hiểu nhất về sản lượng cá qua từng ngày đánh bắt. Ngư dân Phạm Hữu chuyên mưu sinh bằng chiếc thuyền nhỏ, 5 giờ sáng mở biển, 4 giờ chiều trở về. Ông Hữu than thở: “Hồi trước câu có nhiều cá mú, cá thu, cá ngừ, đủ loại cá, mỗi ngày kiếm được cả triệu đồng. Còn bây giờ, cả ngày câu chỉ được mấy con, áp lực đánh bắt của ngư dân khiến cá không sinh đẻ kịp nữa rồi”.

Ông Đỗ Văn Dừng cho biết: “Năm 2016, hoạt động chế biến thủy hải sản ở Thổ Châu đạt sản lượng gần 1.000 tấn, tổng mức hàng hóa bán lẻ trên đảo ước đạt 26 tỷ đồng, trong khi dân số vào năm 2016 chỉ có 621 hộ dân với khoảng 1.900 nhân khẩu”. Nói về thời vàng son của Thổ Châu với vẻ nuối tiếc, ông Dừng chầm chậm nói về cuộc sống hiện tại của Thổ Châu là “không còn tàu ra tàu vô, người dân ra đảo làm ăn lần lượt bỏ đi dần, các xưởng chế biến thủy sản đều đóng cửa…”.

Dẫu vậy, người dân trên đảo luôn ấm lòng bởi điểm tựa vững chắc từ những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Thổ Chu. Trong mọi hoàn cảnh, cán bộ chiến sĩ BĐBP luôn gắn bó với người dân, hỗ trợ ngư dân phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên tuyến biển, đảo của Tổ quốc.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tho-chu-mua-gio-nam-post476931.html