Thơ, nhạc là tiếng lòng tôi

'Làm thơ, sáng tác ca khúc, chơi được nhiều loại nhạc cụ. Đó là niềm đam mê đã giúp tôi sống lạc quan, yêu đời từ khi là một thương binh rời quân ngũ trở về cuộc sống đời thường' - nghệ sĩ Đức Vinh chia sẻ.

Dạo khúc mê ly

Nghệ sĩ Đức Vinh là thương binh, cựu thanh niên xung phong, ông hiện sinh hoạt tại Chi hội Văn học và Chi hội Nhạc sĩ, thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Mới gặp ông ngoài đời, ít ai nghĩ nghệ sĩ Đức Vinh đã ngoài thất thập vì ông trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi, lại thêm tính tình vui vẻ, hoạt bát trong các hoạt động, phong trào văn nghệ. Chưa kể, chiếc môtô là phương tiện ông di chuyển hằng ngày cũng có kiểu dáng rất thể thao.

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng chỉ cần nhận được cuộc điện thoại của bạn bè văn nghệ là ông không ngại ngần đẩy xe ra khỏi nhà, khoác 2, 3 cây đàn trên vai như một gã “du ca” chạy ngay đến điểm hẹn “Đờn ca sáo nhị”. Bất kể xa hay gần, miễn cứ vui là ông đi. Đôi khi nghệ sĩ Đức Vinh còn gây bất ngờ với anh em văn nghệ sĩ Bình Phước khi tập chơi kèn saxophone, sáo mèo, đàn nguyệt, đàn nhị hay một loại nhạc cụ nào đó… Mỗi khi ông biểu diễn “để làm tin”, tập thể hội viên lại “mắt chữ a, miệng chữ o” trầm trồ tán thưởng, bày tỏ sự khâm phục một Đức Vinh “lão tướng chinh phục các loại nhạc cụ”.

Giới văn nghệ sĩ ghi nhận, tán thưởng nghệ sĩ Đức Vinh cũng đúng. Vì để sử dụng được một nhạc cụ nào đó, bình thường phải mất vài năm mới gọi là chơi tạm được thôi, chứ sành sỏi và điêu luyện thì 5, 7 năm hoặc lâu hơn nữa, tùy năng khiếu và khả năng của mỗi người. Hiện nghệ sĩ Đức Vinh có khả năng sử dụng được hơn 10 loại nhạc cụ khác nhau, tiêu biểu như: sáo trúc, sáo mèo, đàn nhị, đàn nguyệt, kèn saxophone, harmonica, đàn organ…

Không chỉ chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc và phương Tây, nghệ sĩ Đức Vinh còn sáng tác thơ văn, viết tiểu phẩm chèo, viết lời mới cho các bài dân ca quan họ Bắc Ninh, chầu văn, sáng tác ca khúc mới. Đến nay, ông đã sáng tác được hơn 200 bài thơ và 60 ca khúc. Đề tài mà nghệ sĩ Đức Vinh hướng đến chủ yếu là về tình yêu người lính, tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, ông có nhiều tác phẩm về quê hương Bình Phước đoạt giải cao trong các cuộc thi. Tiêu biểu như ca khúc “Huyền thoại nữ tướng quân”, ông viết về nữ tướng Nguyễn Thị Định, đoạt giải nhì cuộc thi ca khúc do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước tổ chức năm 2010. Ca khúc “Hát về anh thương binh” đoạt giải A cuộc thi văn nghệ quần chúng tỉnh Bình Phước năm 2002. Giải nhì cuộc thi sáng tác thơ về đề tài giao thông năm 2005, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nghệ sĩ Đức Vinh cũng là một trong những hội viên đầu tiên trong Ban vận động thành lập Chi hội Âm nhạc, Chi hội Thơ ca - sau này là Chi hội Nhạc sĩ và Chi hội Văn học, trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Từ đó đến nay, nghệ sĩ Đức Vinh vẫn gắn bó sinh hoạt tại 2 chi hội này. Là thương binh hạng 2/4, nhưng ông luôn thể hiện là hội viên năng động, tích cực trong mọi hoạt động phong trào văn hóa - văn nghệ của tỉnh, ở cả lĩnh vực sáng tác và biểu diễn.

Thành tích được chứng minh khi ông đã đoạt khá nhiều giải thưởng qua mảng biểu diễn như: Huy chương vàng độc tấu sáo trúc tác phẩm “Anh vẫn hành quân”, Liên hoan Tiếng hát thương binh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2002 và giải A tiết mục tự biên cũng tại cuộc thi này vào năm 2007.

Một thời hoa đỏ

Nghệ sĩ Đức Vinh tên đầy đủ là Nguyễn Đức Vinh, sinh năm 1947, tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng. Năm 1965, ông theo gia đình về sinh sống tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Gia đình nghệ sĩ Đức Vinh vốn có truyền thống nghệ thuật. Cha ông từng là chiến sĩ tuyên truyền văn nghệ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (phong trào địch vận) tại địa phương.

Nghệ sĩ Đức Vinh - “lão tướng chinh phục các loại nhạc cụ”

Nghệ sĩ Đức Vinh - “lão tướng chinh phục các loại nhạc cụ”

Những năm đất nước còn chìm trong chiến tranh khốc liệt, như bao người trẻ ngày ấy, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, Đức Vinh đi thanh niên xung phong tại tỉnh Quảng Bình, trên mặt trận tiền tuyến năm 1969, với nhiệm vụ mở đường, tải đạn, giao liên. Năm 1973, ông bị thương trở về địa phương, được theo học lớp trung cấp kỹ thuật xây dựng, xong về nhận công tác tại Ty Xây dựng Thái Bình. Tháng 11-1974, cơ quan cử ông vào tiếp quản Khu căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, với nhiệm vụ: trông coi, bảo vệ những vùng đã giải phóng. Đầu tháng 5-1975, khi vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được phân công về lực lượng tiếp quản thành phố, bảo vệ và làm công tác dân vận, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng với quần chúng nhân dân. Năm 1977, ông trở về công tác tại Công ty Xây dựng cấp 3, trực thuộc Ty Xây dựng Thái Bình, kiêm Bí thư Chi đoàn cơ sở.

Năm 1987, theo lời kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới, Đức Vinh tình nguyện vào lập nghiệp tại Phú Riềng, thuộc tỉnh Sông Bé cũ. Thời gian đó, ông vừa làm nương rẫy vừa tham gia câu lạc bộ văn nghệ cho Công ty cao su Phú Riềng, rồi thị trấn Thác Mơ, huyện Phước Long. Năm 1998, ông chuyển về sinh sống tại Đồng Xoài đến nay.

Trong suốt chặng đường đã qua, nghệ sĩ Đức Vinh luôn thể hiện tinh thần của một thanh niên xung phong, sống hết mình với lý tưởng mà mình đã chọn. Mặc dù là một thương binh tuổi đã cao nhưng hằng ngày ông vẫn đi biểu diễn đàn hát, làm bạn với thơ nhạc, đóng góp tích cực cho phong trào văn nghệ của địa phương. Với những đóng góp ấy, nghệ sĩ Đức Vinh đã được tặng Kỷ niệm chương về văn học nghệ thuật năm 2019. Năm 2023, ông được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước tặng giấy khen hội viên Chi hội Văn học 15 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Ông cũng đã hơn 20 năm được UBND thành phố Đồng Xoài công nhận “Công dân kiểu mẫu”.

Nghệ sĩ Đức Vinh chia sẻ: "Thơ, nhạc chính là tiếng lòng, mãi thắp sáng cho tâm hồn tôi luôn bình yên, thanh thản”.

Đức Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/158417/tho-nhac-la-tieng-long-toi