Thờ Thành Hoàng làng – nét đẹp trong văn hóa tâm linh

Ông Bùi Huy Vọng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường cho biết: Người Mường quan niệm, Thành Hoàng làng là vị thần bảo trợ cho làng Mường yên lành, vị thần cai quản, che chở và định đoạt cho dân làng. Thành Hoàng thường là người có công với dân bản trong các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, những người có công khai khẩn mở đất, truyền dạy nghề, hướng dẫn dân làng cách làm ăn, hay đó là lang đạo giữ yên đất Mường hoặc có thể là người chết thiêng. Vì vậy, Thành Hoàng được thờ phụng trong đình, đền, miếu, trong dòng họ, gia đình ngày Tết cổ truyền nhưng chủ yếu vẫn là thờ tại đình làng.

Đình Xàm, xã Phú Lai (Yên Thủy) là di tích lịch sử cấp tỉnh, thờ Thành Hoàng làng là "Đô Khú đại vương Thượng đẳng tối linh".

Theo số liệu điều tra của đợt điền dã trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh của Bảo tàng tỉnh "Thống kê, đề xuất, giải pháp bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử: đình, đền, chùa, miếu ở tỉnh Hòa Bình” vào tháng 5/2011 thì loại di tích đình ở tỉnh ta có 82 điểm, chiếm 33% tổng số di tích đình, đền, chùa, miếu trong toàn tỉnh. Rất nhiều làng, xóm có đình thờ Thành Hoàng làng, vị thánh được người Mường tôn vinh. Trong các di tích có tới 20 đình thờ Tản Viên Sơn Thánh, 36 đình không rõ tên các vị thần được thờ, 31 đình còn lại thờ Thành Hoàng địa phương và các thiên thần, nhân thần được các đời vua phong sắc.

Tết đến, xuân về, cây cối lộc biếc đâm chồi xanh non cũng là lúc mùa lễ hội diễn ra. Một trong những lễ hội lớn nhất, nổi bật nhất của xứ Mường chính là Khai hạ Mường Bi hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán (ngày mồng 7 tháng giêng) tại xã Phong Phú (Tân Lạc). Phần lễ được tổ chức trang nghiêm tại miếu thờ xóm Lũy với nghi lễ cúng Thành Hoàng là Quốc mẫu Hoàng Bà, Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo - người đầu tiên giúp bản Mường làm ra con mương dẫn nước để sản xuất nông nghiệp. Sau khi thầy mo làm nghi lễ, đám rước kiệu gồm hơn 40 người, đi đầu là dàn cò ke, ống sáo, tiếp theo là đoàn cồng chiêng, đoàn cờ, đoàn tế, các cụ cao niên và nhân dân rước Quốc mẫu Hoàng Bà ra sân vận động xã để vui hội. Phần hội sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn trang phục dân tộc và giới thiệu các món ẩm thực của người Mường. Có thể nói, đây là lễ hội dân gian, hoạt động văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của Mường Bi.

Đã thành thông lệ, hàng năm, sau những ngày Tết Nguyên đán vui tươi, đoàn viên, người dân xóm Xàm cũng như cả xã Phú Lai cùng các xã vùng lân cận của huyện Yên Thủy lại náo nức tham gia lễ hội đình Xàm, tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng giêng. Vừa soạn sửa ban thờ, sắp lễ để chuẩn bị dâng hương, ông Bùi Văn Phởn, thủ nhang đình Xàm vừa trò chuyện: Đình được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), thờ Thành Hoàng làng là nhân thần, người địa phương tên tục là Bùi Văn Khú (Đô Khú) cùng vợ là Thiên tinh công chúa. Đô Khú sinh vào đầu thế kỷ XVIII, ở xóm Xàm, xã Phú Lai. Ông có tư chất ngay thẳng, thông minh, chính trực. Là một võ tướng danh tài của triều đại nhà Lê, giai đoạn Lê Trung Hưng (1533 - 1789), do lập nhiều công lớn cứu dân, ông được vua trọng thưởng, gả công chúa và được phong tước lộc, cắt đất cho cai quản một vùng Mường thuộc 3 xóm: Xàm, Đình, Rò ngày nay và tặng chiếc trống đồng để làm hiệu lệnh.

Khi 2 vợ chồng ông mất, được người dân mai táng tại khu vực gò Mè, thuộc xóm Xàm. Hiện hai ngôi mộ vẫn được nhân dân quanh vùng lui tới hương khói. Để tưởng nhớ công lao của ông với quê hương, đất nước, nhân dân đã lập đình thờ và lưu giữ những kỷ vật của ông. Đô Khú trở thành vị vua tinh thần của cả khu vực, tiếp tục được các đời vua phong sắc với tổng số 13 sắc, phong là "Đô Khú Đại vương Thượng đẳng tối linh”. Hiện tại, đình Xàm còn lưu giữ 11 bản sắc phong, từ những giá trị lịch sử này, đình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Theo ông Bùi Văn Phởn, thủ nhang đình Xàm cho biết, 1 năm đình tổ chức 3 lễ, vào ngày Phật sinh (8/4), ăn cơm mới (10/10) và lễ lớn nhất là ngày 6 tháng giêng, đây cũng là dịp làng mở hội. Để tưởng nhớ công lao của Thành Hoàng, sáng sớm ngày 6 tháng giêng bao giờ cũng tổ chức rước cỗ cơm thi cho ngài. Cỗ cơm này mỗi năm do một họ đắp, thường đồ khoảng 30 kg gạo nếp, trên đặt con gà, nậm rượu, rước từ nhà họ ra đình với ý nghĩa để ngài đi hội, có cơm thi với các nơi. Sau rước cỗ cơm thi, làng tổ chức rước ngài từ khu lăng mộ ra đình làm lễ và rước sắc phong. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, cầu Thành Hoàng làng ban cho mưa thuận, gió hòa, người dân an cư lạc nghiệp, làm ăn thuận buồm xuôi gió, làng xóm bình yên. Phần hội vui nhộn với các cuộc giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, bóng đá và một số trò chơi dân gian.

Nét đặc trưng trong tục thờ Thành Hoàng làng của người Mường là không chỉ thờ ở đình, miếu mà ngài được người dân tôn kính thờ ngay tại nhà, cùng ngự bên ban thờ gia tiên trong những ngày Tết. Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Phởn, ngoài một số lễ trong năm thì từ ngày 30 tháng chạp đến hết 3 ngày Tết, gia đình có mâm cơm riêng thờ ông và lời khấn cũng riêng, thể hiện lòng biết ơn đối với người có công với bản Mường và nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, cội nguồn.

Việc thờ Thành Hoàng trong gia đình cũng được nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường Bùi Huy Vọng cho biết, ở đất Mường, nhất là vùng Mường Lạc Sơn, trong ngày 30 và sáng mồng một Tết, các gia đình đều sắm mâm cơm riêng cúng Thành Hoàng làng, đặt bên trên mâm cơm thờ ông bà, tổ tiên. Mâm cúng thường là sản vật quê hương, tùy theo hoàn cảnh gia đình nhưng tựu chung thể hiện sự biết ơn, đề cao vai trò của người có công với dân, với nước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều ngôi đình thờ Thành Hoàng làng, đây là niềm tự hào, điểm tựa văn hóa tâm linh của người dân. Bởi vậy, mỗi độ xuân về, đình làng trở thành nơi hội tụ của bà con làng xóm, nơi đón những người con xa xứ trở về, nơi chào đón du khách thập phương. Theo đó phải kể đến các ngôi đình như: Đình Bá Lam - xã Cao Thắng, đình Cời - xã Tân Vinh (Lương Sơn); đình Vôi - xã Thanh Nông (Lạc Thủy); đình Trung, đình Thượng - xã Yên Trị (Yên Thủy); đình Sủ Ngòi - xã Sủ Ngòi, đình Mường Trại - phường Thái Bình (TP Hòa Bình); đình Cổi - xã Bình Chân (Lạc Sơn)...

Hoàng Nga

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/137947/tho-thanh-hoang-lang--net-dep-tr111ng-van-hoa-tam-linh.htm