Thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine và toan tính của Tổng thống Donald Trump

Ngày 30/4/2025, Mỹ và Ukraine chính thức ký thỏa thuận khoáng sản sau nhiều tháng đàm phán. Thỏa thuận này không chỉ là điểm nhấn trong quan hệ song phương mà còn phản ánh chiến lược chính trị của Tổng thống Donald Trump. Ông Trump khẳng định đây là cách để ông 'được bảo vệ' chính quyền Kiev, tuy nhiên ẩn sau những lời lẽ hào nhoáng là những toan tính về kinh tế, chính trị và địa chiến lược có lợi cho nước Mỹ.

Bài toán kinh tế của ông Trump

Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, viện trợ quân sự cho Ukraine đều từ các đối tác phương Tây, trong đó Mỹ góp phần lớn. Từ khi lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn nhấn mạnh “Mỹ không thể tiếp tục hỗ trợ miễn phí” và “Ukraine phải hoàn trả lại giá trị Mỹ đã cung cấp” thông qua viện trợ quân sự cũng như tài chính trong suốt cuộc chiến.

Ông Trump đã nhiều lần nhắc đến việc Ukraine có thể "trả nợ" thông qua khai thác khoáng sản, trong đó có đề xuất Kiev trao 50% quyền sở hữu tài nguyên để đổi lấy viện trợ. Dù chính quyền Ukraine phản đối việc coi viện trợ là "khoản nợ", nhưng khi nguồn viện trợ giảm dần theo thời gian, họ đã buộc phải cân nhắc đến khả năng này. Ukraine thực tế đã đề xuất mời các nhà tài trợ cùng tham gia khai thác tài nguyên của mình để bù đắp cho chi phí tài trợ từ tháng 10/2024. Tuy nhiên, ông Trump còn thể hiện tham vọng lớn hơn khi muốn đẩy các đối tác châu Âu ra ngoài để có thể “độc chiếm” cơ hội này.

Thỏa thuận khoáng sản với Ukraine được coi là thành công của ông Trump.

Thỏa thuận khoáng sản với Ukraine được coi là thành công của ông Trump.

Sau một thời gian đàm phán, khi không còn “quân bài” nào khác, Ukaine đã phải chấp nhận thỏa thuận theo cách của Mỹ. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ khai thác khoáng sản tại Ukraine nhưng 50% nguồn thu sẽ được góp vào Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine, một dự án mà Mỹ là bên tham gia. Với thỏa thuận này, nước Mỹ không chỉ thu hồi được tiền mà còn thâu tóm tài nguyên cũng như tiếp tục làm chủ thầu cho các dự án trong tương lai của Ukraine.

Trong cuộc họp báo hôm 1/5/2025, Ông Trump khẳng định Mỹ đã “hỗ trợ” Ukraine tới 350 tỷ USD trong suốt 3 năm qua. Tuy nhiên, theo Viện kinh tế Quốc tế Kiel ở Đức ước tính, con số thực tế chỉ khoảng 130 tỷ USD. Nhưng ngay cả khi con số đó là 350 tỷ thì vẫn là quá nhỏ so với ước tính trữ lượng khoáng sản lên tới 14.800 tỷ USD mà Ukraine đang sở hữu. Với việc Mỹ được phép giữ lại 50% lợi nhuận, đây rõ ràng là một phép toán có lợi của Mỹ.

Đáng chú ý là trong số khoáng sản này, có đất hiếm và các nguyên tố quan trọng (như lithium, titan) cho công nghiệp công nghệ cao mà Mỹ đang rất cần. Thỏa thuận cho phép Mỹ chủ động khai thác các tài nguyên này giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm. Với những giá trị kinh tế thấy rõ như vậy, không phải ngẫu nhiên khi ông Trump vẫn tự hào gọi đây là một “thỏa thuận thiên tài” của mình.

Thay đổi chiến lược chính trị

Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, thỏa thuận mới ký còn được chính quyền Tổng thống Donald Trump coi là "tín hiệu mạnh" gửi đến Moscow, thể hiện sự thống nhất giữa Mỹ và Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người thay mặt chính quyền Mỹ ký vào bản thỏa thuận khẳng định: "Thỏa thuận này trao cho Tổng thống Trump khả năng đàm phán với Nga từ vị thế vững chắc hơn".

Bằng cách liên kết lợi ích kinh tế Mỹ-Ukraine, ông Trump muốn Nga nhìn nhận Washington là đối tác không thể bỏ qua trong tiến trình hòa bình tương lai. Việc nhiều mỏ khoáng sản quan trọng của Ukraine hiện đang nằm trong vùng kiểm soát của quân đội Nga sẽ thúc đẩy khả năng đàm phán trực tiếp về quyền khai thác và giảm căng thẳng giữa hai bên. Nói cách khác, thỏa thuận sẽ tạo đòn bẩy trong thương lượng giữa hai cường quốc Nga và Mỹ.

Xét về lâu dài, thỏa thuận này cũng cho thấy sự thay đổi cách tiếp cận của Mỹ ở châu Âu. Khác với mong muốn của chính quyền Kiev về đảm bảo an ninh trực tiếp (như gia nhập NATO), chính quyền Trump từ chối cam kết quân sự, thay vào đó hướng đến "hỗ trợ kinh tế dài hạn" bằng một thỏa thuận tái thiết kinh tế khổng lồ. Chiến lược này cho phép Mỹ duy trì ảnh hưởng ở khu vực mà không sa lầy vào xung đột.

Chuyên gia chính trị Á-Âu, ông Edward Verona đến từ Atlantic Council nhận định: "Thỏa thuận khoáng sản giúp Mỹ kiểm soát nguồn lực Ukraine mà không cần triển khai quân". Nói cách khác, đây là cách để chính quyền Trump giảm cam kết an ninh, thậm chí có thể rút khỏi khu vực nhưng lại tăng ảnh hưởng gián tiếp thông qua kinh tế.

Rút chân ra khỏi Ukraine, giải quyết được vấn đề bên ngoài cũng là cách để chính quyền của Tổng thống Trump đạt được thắng lợi trong nước. Ông Trump có thể tự hào khi mình giữ lời hứa tranh cử với cử tri. Khi dư luận Mỹ ngày càng phản đối viện trợ Ukraine thì thỏa thuận là cách để lách luật. Các hoạt động hỗ trợ của Mỹ từ bây giờ sẽ được thực hiện theo phương châm “giúp Ukraine nhưng không để dân Mỹ thiệt”, đây sẽ là vũ khí để ông Trump tấn công lại phe đối lập trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Thỏa thuận đã trở thành một điểm cộng cho chiến dịch tranh cử trong nước của chính quyền ông Trump.

Ukraine được đánh giá cao với nguồn tài nguyên phong phú.

Ukraine được đánh giá cao với nguồn tài nguyên phong phú.

Bậc thầy đàm phán

Việc đạt được thỏa thuận nhiều lợi ích một lần nữa cho thấy khả năng đàm phán của Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Kiev hiểu rõ mình “bị chèn ép” trong một thỏa thuận với những điều khoản đóng chỉ cho phép Mỹ tham gia khai thác cùng sự chênh lệch đến vô lý của những con số nên đã có lúc muốn dừng lại. Nhưng khi tiến trình bị đình trệ, để kéo Kiev quay lại, ông Trump đã đóng băng viện trợ quân sự để gây sức ép. Ông còn đe dọa cắt hoàn toàn viện trợ nếu Ukraine không nhượng bộ. Kiev có điểm yếu chí tử phụ thuộc vào vũ khí Mỹ, ông Trump tận dụng tối đa điều này. Có thông tin nhiều vũ khí Mỹ đã không sử dụng được do bị ngắt kết nối trong thời gian qua. Trong bối cảnh chiến trường đang vô cùng bất lợi, Tổng thống Zelensky buộc phải chấp nhận quay lại đàm phán.

Khi chính quyền Kiev tìm đến những đối tác châu Âu như Anh, Pháp để dung hòa thỏa thuận, ông Trump đã chỉ trích các nước này “không đủ mạnh” để bảo vệ Ukraine. Ông Trump đặt ra câu hỏi “Pháp có đủ sức đối đầu với Nga mà không có Mỹ ?” trong một cuộc gặp với Tổng thống Pháp. Ông Trump còn buộc Kiev phải chọn Mỹ làm đối tác chứ không phải EU nếu không Mỹ sẽ rút lui hoàn toàn. Với sự thực dụng và cứng rắn, ông Trump đã đẩy Kiev vào thế không thể không ký thỏa thuận với Mỹ. Sau khi thỏa thuận được ký, ông Trump ngay lập tức trao cho Ukraine gói viện trợ mới 50 triệu USD. Đây chính là chiến thuật “có đi có lại” vô cùng hiệu quả mà ông Trump, với tư cách là một doanh nhân thường xuyên áp dụng trong các cuộc đàm phán của mình.

Để tận dụng nhu cầu tái thiết của Ukraine, Mỹ cũng đã tiến hành một nước đi khéo léo để biến “gói viện trợ” thành “thỏa thuận kinh tế đôi bên cùng có lợi”. Mô hình hợp tác đầu tư, khai thác và tái thiết được sử dụng thay vì chỉ đơn giản là chuyển tiền. Sau 3 năm xung đột, Ukraine cần ít nhất 500 tỷ USD để tái thiết. Thỏa thuận đem đến lời hứa hẹn đầu tư từ quỹ chung do Mỹ quản lý nhưng vẫn vô cùng quan trọng với Ukraine. Bà Yulia Svyrydenko, Phó Thủ tướng Ukraine, người đại diện cho Ukraine ký thỏa thuận cũng đã thừa nhận: "Chúng tôi cần sự bền vững, và đây là công cụ để đạt được điều đó". Tóm lại, ông Trump đã thể hiện được khả năng của mình khi giành được một thỏa thuận mà Ukraine chấp nhận được.

Dù đã đạt được mục tiêu nhưng không phải thỏa thuận lần này không gây tranh cãi. Về mặt đạo đức, câu hỏi là: Liệu có công bằng cho Ukraine, một quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá phải trả tiền để được giúp đỡ? Không những thế, để tránh việc Ukraine rút khỏi thỏa thuận, chính quyền Mỹ còn áp đặt điều khoản bắt buộc các chính quyền tiếp theo của Ukraine thực thi thỏa thuận này, một điều khoản được đặt trên các quy định pháp luật và quyền tự chủ của chính Ukraine.

Những gì ông Trump đã làm để đạt được thỏa thuận một lần nữa đặt ra câu hỏi cho các đồng minh của nước Mỹ về giá trị của mối quan hệ này. Liệu nước Mỹ có đáng tin cậy nữa không? Liệu có bao nhiêu thỏa thuận nữa có thể bị thay đổi bởi vị tổng thống đầy thực dụng và toan tính này? Nhưng đó chính là thực tế mà các đồng minh của nước Mỹ phải thừa nhận: một nước Mỹ đang được dẫn dắt bởi vị tổng thống toan tính vì lợi ích của chính mình.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thoa-thuan-khoang-san-my-ukraine-va-toan-tinh-cua-tong-thong-donald-trump-i768131/