Thỏa thuận lịch sử của WHO
Thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch trong tương lai sau những thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra
Các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 20-5 thông qua thỏa thuận này nhằm hướng đến việc phát hiện và ứng phó với các đại dịch hiệu quả hơn thông qua tăng cường phối hợp quốc tế, giám sát chặt chẽ hơn và bảo đảm tiếp cận công bằng hơn đối với vắc-xin và phương pháp điều trị. "Thế giới hôm nay an toàn hơn nhờ vào vai trò lãnh đạo, sự hợp tác và cam kết của các quốc gia thành viên trong việc thông qua Thỏa thuận Đại dịch WHO mang tính lịch sử" - Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định.
Theo đài Al Jazeera, các quốc gia có thời hạn đến tháng 5-2026 để hoàn tất những chi tiết của cơ chế "Tiếp cận mầm bệnh và chia sẻ lợi ích" (PABS) trong thỏa thuận.
Cơ chế PABS liên quan đến việc chia sẻ quyền tiếp cận các mầm bệnh có khả năng gây đại dịch và sau đó là chia sẻ những lợi ích thu được từ đó, chẳng hạn như vắc-xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị. Một khi hệ thống PABS được hoàn thiện, các quốc gia có thể tiến hành phê chuẩn thỏa thuận. Khi có 60 quốc gia phê chuẩn, hiệp ước chính thức có hiệu lực.

Khung cảnh kỳ họp Đại hội đồng sức khỏe thế giới tại TP Geneva – Thụy Sĩ hôm 20-5 Ảnh: AP
Mỹ, quốc gia đã đầu tư hàng tỉ USD để hỗ trợ các công ty dược phát triển vắc-xin COVID-19, không tham gia vào giai đoạn cuối của quá trình đàm phán về thỏa thuận sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi WHO. Washington cũng không cử phái đoàn tham dự kỳ họp Đại hội đồng Sức khỏe thế giới năm nay, diễn ra tại TP Geneva - Thụy Sĩ từ ngày 19 đến 27-5.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đã tăng cường ủng hộ WHO cả về mặt chính trị lẫn tài chính. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung nhấn mạnh tất cả các bên cần ủng hộ WHO đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối quản trị y tế toàn cầu, cũng như thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập, chuyên nghiệp và dựa trên khoa học.
Ông Lưu cũng thông báo Bắc Kinh hỗ trợ thêm cho WHO khoản tài chính lên tới 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới nhưng không cho biết chi tiết. Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Geneva cho biết khoản 500 triệu USD nói trên sẽ bao gồm phần tăng thêm trong phí thành viên WHO của Trung Quốc, cùng với một số khoản đóng góp tự nguyện và các dự án hỗ trợ thông qua các chương trình phát triển và hợp tác của nước này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoa-thuan-lich-su-cua-who-196250521215952268.htm