Thỏa thuận tại Geneva – Bài cuối: Điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày?

Bên cạnh những nhận định tích cực về thỏa thuận cắt giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày giảm thuế?

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Reuters/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent. Ảnh: Reuters/TTXVN

Theo bài viết được đăng tải trên tờ Wall Street Journal, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết nước này đang tìm kiếm "một thỏa thuận thương mại lâu dài và bền vững" với Trung Quốc.

Ông Bessent cho biết Mỹ vẫn còn những lo ngại về mối quan hệ thương mại mất cân bằng với Trung Quốc. Vấn đề này và nhiều vấn đề khác sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán trong 90 ngày tới, ông nói.

* Trăn trở còn đó

Kết quả này tạm thời ngăn chặn điều đang có nguy cơ trở thành một cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những tác động lan tỏa tiềm tàng trên toàn cầu. Các nhà bán lẻ ở Mỹ đã cảnh báo về tình trạng kệ hàng trống rỗng nếu họ không thể nhập được sản phẩm từ Trung Quốc, và một số doanh nghiệp nhỏ lo lắng họ sẽ phá sản nếu không dễ dàng tiếp cận được nền sản xuất khổng lồ của Trung Quốc. Các nhà kinh tế cảnh báo giá cả cao hơn và tình trạng thiếu hụt hàng hóa có nguy cơ khiến lạm phát bùng phát trở lại.

Đối với Trung Quốc, một cuộc đụng độ thương mại không kiềm chế với Mỹ sẽ đe dọa hàng triệu việc làm gắn liền với việc phục vụ người tiêu dùng Mỹ và có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại với các nước vốn cảnh giác trước sự gia tăng hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng lo lắng về việc mất khả năng tiếp cận một số sản phẩm của Mỹ mà nước này vẫn cần, chẳng hạn như máy bay Boeing, phụ tùng máy bay và một số loại chip.

* Tương lai phía trước

Theo The Economist, Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer đã dành lời khen cho địa điểm tổ chức đàm phán. Các cuộc đàm phán diễn ra không phải trong một khách sạn “tẻ nhạt” mà trong những căn phòng ấm cúng và khuôn viên hấp dẫn của dinh thự Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên hợp quốc ở Geneva. Theo ông Greer, nhiều vấn đề khó khăn nhất đã được thảo luận trên ghế sofa ngoài hiên dưới một gốc cây đẹp.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 4/2025 đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu do chuyên gia Alberto Cavallo của Đại học Harvard và các đồng tác giả của ông thu thập, giá hàng hóa Trung Quốc được niêm yết trên các trang web của các nhà bán lẻ lớn của Mỹ đã tăng chậm nhưng không ngừng.

Trong cuộc họp báo vào ngày 12/5, ông Bessent gần như thừa nhận rằng thuế quan đối với Trung Quốc đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Ông Trump đã công bố mức thuế đối ứng là 34% đối với Trung Quốc vào ngày 2/4, hay “Ngày Giải phóng” như Tổng thống gọi. Con số đó đã liên tục tăng nhanh lên các mức mà ông Bessent cho là “tương đương với lệnh cấm vận”, mà không nước nào mong muốn.

Hỗn loạn tài chính sau “Ngày Giải phóng”, bao gồm cả cuộc nổi loạn trên thị trường trái phiếu và đồng USD lao dốc, đã giúp ông Bessent thuyết phục Tổng thống Trump đưa ra lệnh hoãn 90 ngày đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ vào ngày 9/4.

Câu hỏi lớn là điều gì sẽ xảy ra sau 90 ngày? Hầu hết các thỏa thuận thương mại mất nhiều thời gian hơn để đàm phán và Mỹ hiện đang cố gắng đạt thỏa thuận với 16 nền kinh tế khác cùng một lúc. Ông Bessent chỉ ra rằng mức thuế 34% được chọn cho Trung Quốc vào ‘Ngày Giải phóng’ vẫn là mức thuế mặc định mà Mỹ sẽ áp dụng trở lại thời gian trên nếu đàm phán không có tiến triển.

Để ngăn chặn khả năng đó, Trung Quốc có thể mua thêm hàng hóa, như dầu hoặc đậu nành, từ Mỹ - những hàng hóa mà nước này có thể mua từ nơi khác. Trung Quốc cũng có thể thuyết phục Mỹ rằng họ đang nỗ lực hơn nữa để trấn áp các công ty hóa chất sản xuất thành phần fentanyl. Ông Bessent rất ấn tượng khi phái đoàn Trung Quốc có sự tham gia của Bộ trưởng Công an, người được giao phụ trách hợp tác về fentanyl.

Có thể hai siêu cường sẽ dàn xếp một thỏa hiệp trong đó Mỹ tăng thuế đối ứng lên 34%, nhưng xóa bỏ mức phạt 20% đối với fentanyl. Điều đó có thể đủ để biến thỏa thuận tạm thời ở Thụy Sĩ trở nên bền vững hơn. Nếu muốn tránh quay lại tình trạng hỗn loạn thuế quan, Trung Quốc và Mỹ sẽ phải dành nhiều sự quan tâm hơn cho các cuộc đàm phán trong 90 ngày tới./.

Lê Hoàng – Hữu Tiến (P/v TTXVN tại New York, London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thoa-thuan-tai-geneva-bai-cuoi-dieu-gi-se-xay-ra-sau-90-ngay/373399.html