Thỏa thuận thuế Mỹ - Trung nói lên điều gì?
Đáng chú ý, thỏa thuận giảm thuế giữa hai cường quốc vượt ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích.
Sự bất định về thỏa thuận cuối cùng liên quan thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam, do dự tăng đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ
Theo thỏa thuận hoãn thuế, Mỹ sẽ giảm thuế áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong 3 tháng tới, trong khi mức thuế mà Trung Quốc áp lên hàng hóa Mỹ sẽ giảm từ 125% xuống 10%. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 12-5 cho biết hai bên dự kiến gặp lại trong "vài tuần tới" để đàm phán một thỏa thuận đầy đủ hơn.
Chưa giải quyết được bất đồng cốt lõi
Tuy nhiên, việc tạm hoãn áp thuế không giải quyết được những bất đồng cốt lõi dẫn đến tranh chấp thương mại của hai nước, bao gồm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chính quyền Bắc Kinh cần hành động mạnh mẽ hơn để giải quyết khủng hoảng fentanyl ở Mỹ.
Ông Scott Kennedy, chuyên gia về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ, cho rằng chính quyền Mỹ cần lùi bước nếu không muốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Mỹ bởi Mỹ là bên khởi xướng và leo thang căng thẳng, còn Trung Quốc chỉ đáp trả. Trong khi đó, nêu góc nhìn khác, bà Kelly Ann Shaw, cố vấn thương mại quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump vào năm 2017-2021, cho rằng ông Trump chỉ đang thực hiện lời cam kết lúc tranh cử. Tuy vậy, bà cũng thừa nhận 90 ngày là không đủ để giải quyết các mối quan ngại lớn của Mỹ về những rào cản phi thuế quan như trợ cấp vốn, lao động và Mỹ còn rất nhiều việc phải làm.
Đáng chú ý, thỏa thuận giảm thuế giữa hai cường quốc vượt ngoài dự đoán của nhiều nhà phân tích. Đại diện ngành vận tải Mỹ cho biết đợt tạm hoãn thuế có thể thúc đẩy nhiều công ty khởi động lại việc nhập hàng khi mức thuế vẫn còn thấp nhưng sự bất định về thỏa thuận cuối cùng có thể khiến doanh nghiệp (DN) thận trọng trong việc tăng mạnh đơn hàng.
Việc đảo ngược chính sách với Trung Quốc cũng đặt ra câu hỏi về thỏa thuận của Mỹ với nước khác trên thế giới. Bà Wendy Cutler, Phó Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho rằng có một vài điểm đáng chú ý từ hai thỏa thuận giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Anh mới đây có thể áp dụng cho các cuộc đàm phán khác. Bà Cutler phân tích với tờ The Straits Times: "Các thỏa thuận này ít cam kết cụ thể và tập trung nhiều hơn vào việc đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán tương lai, cho thấy Mỹ sẵn sàng thực dụng và linh hoạt. Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, mức thuế chung 10% sẽ vẫn được duy trì".
Các nước ASEAN được cho là "đang cố hiểu rõ lập trường của Mỹ". Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định chính quyền Mỹ đang ngày càng sốt sắng công bố các thỏa thuận, ngay cả khi chúng chỉ là tạm thời và thiếu thực chất. Mặt khác, ông cũng đặt câu hỏi Nhà Trắng dường như không có kế hoạch rõ ràng và không rõ thực sự muốn gì.
Theo truyền thông Mỹ, Nhà Trắng đang thúc đẩy ASEAN giảm thương mại với Trung Quốc để đổi lấy các điều khoản thương mại tốt hơn với Mỹ. Đặc biệt, Mỹ công khai lo ngại hàng hóa Trung Quốc đang được chuyển qua các nước ASEAN để tránh né thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc. "Các đối tác thương mại sẽ phải cân bằng giữa việc vừa đáp ứng yêu cầu của Mỹ nhưng không... đi quá xa" - bà Cutler nhận định.
Ông Poling cảnh báo thời hạn tạm hoãn thuế 90 ngày đối với các nước khác hết hạn sớm gần một tháng rưỡi so với thời hạn tạm hoãn thuế 90 ngày đối với hàng hóa Trung Quốc. Vì vậy, các quốc gia sẽ phải cố đạt được thỏa thuận với Mỹ dù chưa biết rõ về mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc hạ nhiệt được kỳ vọng là tín hiệu tích cực đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Trong ảnh: Hoạt động xuất khẩu tại cảng Yên Đài (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) Ảnh: Tân Hoa Xã
Quan điểm nhất quán của Mỹ
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế xã hội (MASSEI), đánh giá Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại trong 90 ngày cho thấy chính sách của Tổng thống Donald Trump là nhất quán: Dùng công cụ thuế để buộc các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, bước vào đàm phán và mục đích chính không phải là gây ra chiến tranh thương mại.
Đánh giá tác động với Việt Nam, ông Minh cho rằng đây là thông tin tích cực, trước mắt giúp ổn định thị trường tài chính. Để tiếp tục ứng phó linh hoạt, ông Minh cho rằng Việt Nam cũng cần điều chỉnh thương mại với Mỹ để có điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa vào thị trường này và tạo điều kiện cho phía Mỹ đầu tư vào Việt Nam tốt hơn. Mặt khác, Việt Nam và Trung Quốc cũng cần có thỏa thuận thương mại song phương để thương mại giữa hai quốc gia công bằng hơn.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, những diễn biến mới liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ cần được nhìn nhận trong bối cảnh chiến lược dài hạn của nước này. Thứ nhất, việc tăng thuế nhằm mục tiêu kéo hoạt động sản xuất quay trở lại Mỹ. Thứ hai, tạo điều kiện cho DN Mỹ mở rộng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đồng thời, đây cũng là động thái mang tính chiến lược để buộc các bên liên quan đàm phán với Mỹ.
"Động thái hạ nhiệt gần đây trong quan hệ thương mại với Trung Quốc cho thấy Mỹ đang tính toán lại để cân bằng lợi ích cho người tiêu dùng trong nước. Diễn biến này là tín hiệu tích cực với toàn cầu, là chỉ báo cho thấy thương mại quốc tế có thể trở lại trạng thái bình thường" - TS Điền nhận định.
Tuy nhiên, ông Điền cũng cảnh báo căng thẳng thuế quan trên thế giới dịu đi không đồng nghĩa với thuận lợi tuyệt đối cho Việt Nam. Nếu Việt Nam không chủ động đàm phán để giảm thuế xuống khoảng 10%-20% thì DN xuất khẩu sẽ gặp trở ngại lớn với mức thuế ban đầu Mỹ đưa ra là 46%. Còn nếu thuế đối ứng của Mỹ áp đặt với Việt Nam giảm còn 10%-20%, hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ có lợi thế nhưng sẽ xuất hiện rủi ro liên quan hàng Trung Quốc "mượn" xuất xứ Việt Nam để vào Mỹ. "Chúng ta đang thể hiện thiện chí rõ ràng trong quan hệ thương mại với Mỹ, trong đó có việc sẵn sàng đưa một số dòng thuế nhập khẩu từ Mỹ về 0%. DN cần đồng hành với Chính phủ, chủ động xây dựng phương án tăng mua hàng Mỹ một cách phù hợp. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa, vận động Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường..." - ông Điền gợi ý.
Với riêng DN, TS Huỳnh Thanh Điền khuyến nghị cần thay đổi tư duy, đừng nên chỉ cạnh tranh bằng giá mà cần cạnh tranh bằng giá trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, thông tin minh bạch... để giảm thiểu rủi ro bị kiện phòng vệ thương mại.
Linh hoạt thay đổi chiến lược
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết DN đang tập trung cao độ sản xuất các đơn hàng để giao hàng cho khách hàng ở thị trường Mỹ trước ngày 9-7, tức trước khi mức thuế mới của Mỹ với hàng hóa Việt Nam có hiệu lực. Ngoài ra, DN này xác định phải cân bằng 3 thị trường lớn là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đồng thời phát triển thêm thị trường mới gồm khu vực ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc.
"Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thuế quan tạm thời song thị trường vẫn đối mặt với sự thay đổi khó đoán định, buộc DN phải có chính sách ứng phó trong cả ngắn hạn và dài hạn, gồm tập trung toàn lực sản xuất đơn hàng cho thị trường Mỹ trong thời điểm hiện tại và tìm kiếm thị trường mới ngoài Mỹ" - ông Việt gợi ý.
Tạo mọi điều kiện để phía Mỹ đầu tư lâu dài
Ngày 13-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với đại diện cộng đồng DN Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm lắng nghe ý kiến, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Cuộc gặp có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Phòng Thương mại Mỹ và hơn 50 DN lớn của Mỹ như Boeing, Coca-Cola, Abbott, GE Vernova... Đây là lần thứ hai trong vòng hai tháng Thủ tướng gặp cộng đồng DN Mỹ.
Tại cuộc làm việc, các DN Mỹ đánh giá cao thiện chí và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện của Việt Nam, nhất là nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN. Đồng thời, đề xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện hạ tầng, minh bạch chính sách thuế, phí và nhanh chóng thực hiện các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, lấy nội lực là cơ bản và ngoại lực là đột phá. Thủ tướng mong muốn DN Mỹ góp tiếng nói với Chính phủ Mỹ để thúc đẩy thương mại công bằng, bền vững, cùng có lợi. Việt Nam không mong muốn xảy ra chiến tranh thương mại và sẵn sàng hợp tác để đạt được các thỏa thuận thuế quan vì lợi ích chung.
D.Ngọc
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoa-thuan-thue-my-trung-noi-len-dieu-gi-196250513220942572.htm