Thỏa thuận Ukraine-Mỹ nhằm giảm ảnh hưởng năng lượng của Nga ở Đông Âu

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, ngành LNG của Mỹ đã nắm bắt cơ hội để lấp đầy khoảng trống do châu Âu thúc đẩy loại bỏ nhập khẩu năng lượng từ Moscow.

Một công ty Mỹ đã ký thỏa thuận quan trọng đầu tiên cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Ukraine, tờ Financial Times (Anh) đưa tin hôm 13/6, cho biết rằng ở mức độ rộng lớn hơn, động thái này có thể giúp tăng cường an ninh năng lượng ở Đông Âu và giảm vai trò chi phối của Moscow trong khu vực.

Động thái của nhà xuất khẩu LNG Mỹ Venture Global là bước đi mới nhất nhằm đạt được mục tiêu lớn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là tăng cường xuất khẩu năng lượng sang Đông Âu, và trong quá trình này làm giảm sức mạnh của Nga trong khu vực, kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.

Mặc dù châu Âu vốn là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu LNG của Mỹ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nhưng chưa từng có chuyến hàng nào được Kiev mua trực tiếp trước đây.

Thỏa thuận Ukraine-Mỹ đạt được trong bối cảnh khu vực này đang cố gắng giảm bớt khối lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga, chỉ vài tháng trước khi thỏa thuận 5 năm với gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga về việc trung chuyển khí đốt qua Ukraine sang châu Âu hết hạn, và trong bối cảnh Ukraine nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường và đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho đất nước.

Theo các điều khoản, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, DTEK, sẽ bắt đầu mua một lượng hàng LNG chưa xác định từ Venture Global vào cuối năm nay và tiếp tục hợp đồng đến cuối năm 2026.

Nhà máy Plaquemines là cơ sở thứ hai của Venure Global và dự kiến đi vào hoạt động vào giữa năm 2024. Ảnh: Venure Global LNG

Nhà máy Plaquemines là cơ sở thứ hai của Venure Global và dự kiến đi vào hoạt động vào giữa năm 2024. Ảnh: Venure Global LNG

Khí đốt sẽ được cung cấp bởi cơ sở Plaquemines của Venture Global trên Bờ Vịnh Louisiana, và sẽ cung cấp cho Ukraine và các quốc gia khác ở Đông Âu. Các chuyến hàng của Venture Global sẽ vượt hàng ngàn dặm qua Đại Tây Dương đến nhiều cảng ở châu Âu, bao gồm cả Hy Lạp, nơi có kết nối đường ống tới Ukraine.

Hiện chưa rõ thỏa thuận LNG này với Mỹ sẽ đáp ứng bao nhiêu nhu cầu khí đốt của Ukraine. Trong các bình luận công khai, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine hồi tháng 1 cho biết nước này dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu nội địa thông qua sản xuất trong nước trong năm nay.

Một khối lượng đáng kể trong thỏa thuận với Venture Global có thể được gửi đến các quốc gia khác bởi D Trading, một công ty con kinh doanh hàng hóa của DTEK, một bên tham gia thỏa thuận.

“Với thỏa thuận mang tính bước ngoặt này, chúng tôi sẽ giúp tăng cường an ninh nguồn cung khí đốt của Ukraine, hỗ trợ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong khu vực, đồng thời tăng cường hơn nữa an ninh năng lượng châu Âu”, ông Mike Sabel, CEO của Venture Global, cho biết trong một tuyên bố.

Xuất khẩu LNG của Mỹ đã bùng nổ kể từ những chuyến tàu đầu tiên chở loại nhiên liệu siêu lạnh này rời Mỹ vào năm 2016. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, ngành LNG của Mỹ đã nắm bắt cơ hội để lấp đầy khoảng trống do châu Âu thúc đẩy loại bỏ nhập khẩu từ Moscow. Mỹ là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm 2023.

Nhưng việc phát triển các dự án LNG mới của “xứ cờ hoa” đã trở nên phức tạp do quyết định của chính quyền Biden vào tháng 1 về việc ngừng cấp giấy phép xuất khẩu mới. Quyết định đó dự kiến sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung ngắn hạn theo thỏa thuận với Ukraine vì cơ sở Plaquemines của Venture Global đã được phê duyệt đầy đủ.

Minh Đức (Theo Financial Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thoa-thuan-ukraine-my-nham-giam-anh-huong-nang-luong-cua-nga-o-dong-au-a668237.html