'Thổi giá, tạo sóng khiến việc mua bán đất hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ'

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thời gian qua, tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả.

Sáng 21/10, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội họp phiên toàn thể kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV. Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.

Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, việc đạt được mức tăng trưởng cao hơn kỳ vọng chưa phản ánh hết khó khăn tiềm ẩn trong nền kinh tế như sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư công. Các ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn… chưa chuyển biến rõ nét.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Xuất khẩu gặp một số khó khăn, rào cản kỹ thuật, điều tra chống bán phá giá và vẫn phụ thuộc phần lớn vào các sản phẩm gia công. Trong khi các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển mạnh mẽ. Xuất siêu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn.

"Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá", ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ.

Ngoài ra, rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường. Thanh khoản thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể song vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai

Nêu bật tình hình thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, Ủy ban Kinh tế cho rằng từ đầu năm 2024, giá căn hộ chung cư ở vị trí trung tâm hay vùng ven của TP Hà Nội đều ghi nhận mức tăng đột biến.

"Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đang thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây, trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các gia đình trẻ còn rất lớn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thông tin.

Đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội): Giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần khởi điểm. (Ảnh: KT)

Đấu giá đất tại Hoài Đức (Hà Nội): Giá trúng cao nhất 133,3 triệu đồng/m2, tăng hơn 18 lần khởi điểm. (Ảnh: KT)

Cũng có ý kiến cho rằng, nhà ở xã hội trên thực tế được mua bán, trao đổi, cho thuê chủ yếu bởi những người giàu, thậm chí cả người nước ngoài, không phải công nhân, người lao động, người có nhu cầu thực đối với loại hình nhà ở này.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội những năm qua để có giải pháp hiệu quả; nghiên cứu có biện pháp mạnh đối với vi phạm chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, bao gồm cả đối tượng mua nhà ở xã hội.

Cùng với quá trình tăng giá đột biến của căn hộ chung cư, giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận. Đặc biệt, thời gian vừa qua, một số phiên đấu giá tại các huyện ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ tham dự, gấp hơn chục lần số lô đất được bán ra và trúng đấu giá với giá cao cũng gấp hàng chục lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, diễn ra tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

"Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả", báo cáo của Ủy ban Kinh tế chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.

Ngoài ra, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Việc chậm trễ này có thể gây ra những hệ lụy cho sản xuất than, an ninh cung cấp năng lượng, an ninh cung cấp điện của nước ta trong thời gian sắp tới", Ủy ban Kinh tế cảnh báo.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Để lại hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết

Về mục tiêu, giải pháp năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng".

Đồng thời, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết.

Ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế. Các địa phương chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu. Bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Bên cạnh đó, có giải pháp ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản kết hợp với kiểm soát tốt hơn số lượng nhà ở đang được xây dựng mới, khắc phục tình trạng mất cân đối cung - cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán.

Cẩm Tú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thoi-gia-tao-song-khien-viec-mua-ban-dat-hau-nhu-chi-dien-ra-trong-gioi-dau-co-post1129846.vov