Thời gian càng lùi xa, tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng lộng lẫy
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Thế giới Nhạc, Họa, Thơ của Văn Cao' nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (15/11/1923-15/11/2023).
Ngay trước thềm hội thảo, đại biểu chiêm ngưỡng bộ sưu tập 100 bức tranh minh họa và 100 bìa sách ấn tượng của nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ Văn Cao.
Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.
Mở đầu chương trình hội thảo, các đại biểu đã được thưởng thức những nhạc phẩm nổi tiếng tiêu biểu qua từng thời kỳ sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, trong đó có tác phẩm: “Tiến quân ca”, “Suối Mơ”, “Mùa xuân đầu tiên”... Nhân dịp này, Báo Nhân Dân đã trao tặng món quà đặc biệt kính tặng đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao là bức tranh khắc đồng bản nhạc bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao. Bằng công nghệ, Ban Tổ chức đã phục chế lại thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao và đưa vào bức tranh bài hát do chính tay nhạc sĩ viết.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, nhận định về sự nghiệp văn nghệ quý giá của Văn Cao, nhiều người ca ngợi ông là nghệ sĩ đa tài, thích “lãng du” qua những “miền” nghệ thuật khác nhau về âm nhạc, hội họa, thơ ca. Dù không gắn bó liên tục và dài lâu với một loại hình nào, nhưng ở cả ba “miền” ấy, ông đều lưu dấu rất nhiều sáng tạo mang tính khai phá - mở lối cho mình và cho những người đến sau.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cuộc đời 72 năm của Văn Cao gắn bó trọn vẹn với thế kỷ 20 nhiều biến động. Trên hành trình cuộc đời ấy, dẫu không ít chông gai, sóng gió, nhọc nhằn. Nhưng vượt lên tất cả, tình yêu thương và trân trọng con người, cỏ cây, phố xá, làng quê, đất nước đã giúp ông luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng nhân dân, sáng tạo nên những tác phẩm bất hủ.
Ngưỡng mộ nhạc sĩ Văn Cao, Giáo sư Phong Lê khẳng định, ông là một chân dung lớn. “Nói Văn Cao, không chỉ thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông mà ngay từ năm 1945, đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn của cả dân tộc Việt Nam. Bởi ông là tác giả của “Tiến quân ca”, bài hát được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn là Quốc ca”, Giáo sư Phong Lê nhấn mạnh.
Giáo sư Phong Lê cũng cho biết, theo di nguyện của Văn Cao, gia đình nhạc sĩ đã hiến tặng bản quyền “Tiến quân ca” cho Tổ quốc, một nghĩa cử vĩ đại mà nếu thực hiện chế độ bản quyền riêng thì chỉ riêng nhuận bút của bài hát này cũng đưa Văn Cao lên hàng tỷ phú trong khi đời sống của ông cho đến khi qua đời vẫn trong cảnh khó khăn.
Đồng quan điểm đó, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Văn Cao là nghệ sĩ đa tài, thể hiện trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Sự nghiệp của ông trải dài gần suốt thế kỷ 20 và gắn bó chặt chẽ với lịch sử gồm nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn của đất nước. Từ trường hợp của Văn Cao có thể mang lại nhiều bài học về tài năng, về nhân cách nghệ sĩ, về con đường chiếm lĩnh các đỉnh cao, về lộ trình chinh phục công chúng, về quá trình nhận thức, đánh giá và tiếp nhận các giá trị nghệ thuật”.
Trăn trở với việc chưa có được một bản Quốc ca vang lên đúng nghĩa trong những ngày đại lễ, các dịp quan trọng, trong khoảnh khắc thiêng liêng, PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chia sẻ, mỗi một lần nghe Quốc ca vang lên, những nhạc sĩ sáng tác và vừa làm lý luận cũng như công tác biểu diễn luôn thấy trong lòng mình mắc nợ với tác giả vì chưa có được bản chuẩn về bản phổ cũng như diễn tấu đúng tinh thần của Văn Cao, đúng tinh thần của bài hát Quốc ca của đất nước chúng ta.
“Theo tôi, ngoài việc đúng nghĩa về giai điệu, ca từ của nhạc sĩ Văn Cao, chúng ta cần phải có yếu tố nghệ thuật âm nhạc như phải có tiết tấu, hòa thanh, giữ lại như một bản nguyên vẹn đúng tinh thần của nhạc sĩ Văn Cao, để cả nước và quốc tế cảm nhận thấy khi thể hiện bằng nhạc cụ nào, cũng giữ nguyên được tinh thần của ca khúc”, PGS.TS Đỗ Hồng Quân phân tích.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh khẳng định, có một bài hát mà người Việt Nam nào cũng thuộc, từng hát, đang hát và sẽ tiếp tục hát, đó là bài “Tiến quân ca”. Đây là vinh dự đặc biệt của tác giả, nhạc sĩ Văn Cao, cũng là sự lựa chọn đặc biệt mà lịch sử cách mạng Việt Nam dành cho ông, đồng thời minh chứng tài năng âm nhạc kiệt xuất của ông, bên cạnh những tác phẩm khác đã làm nên sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, thời gian càng lùi xa, tầm vóc nghệ thuật của Văn Cao càng trở nên lớn và lộng lẫy hơn. Hội thảo đã trả lời cho câu hỏi chúng ta cần tiếp tục làm gì để phát huy giá trị di sản quý giá về nhạc, họa, thơ mà Văn Cao để lại.