Thời hạn chót và tương lai thương mại toàn cầu

Các đối tác thương mại của Mỹ đã chạy đua để đàm phán thỏa thuận nhằm tránh bị áp thuế cao từ tuần này khi thời hạn chót 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc. Tuy nhiên, không có gì là chắc chắn hoàn toàn khi các chính sách có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Nền kinh tế toàn cầu đã ở trong tình trạng căng thẳng trước hạn chót về thuế quan của Tổng thống Mỹ, khi hàng chục quốc gia buộc phải tìm cách đạt được các thỏa thuận thương mại hoặc phải đối mặt với mức thuế quan tăng mạnh.

Hạn chót ngày 9/7 xuất hiện sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp dụng mức thuế quan cao nhất trong 90 ngày sau khi kế hoạch "Ngày giải phóng" của ông khiến thị trường lao đao. Với hàng tỷ USD thương mại toàn cầu bị đe dọa, các đối tác thương mại của Mỹ phải chạy đua để đàm phán các thỏa thuận nhằm tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế của họ trong bối cảnh vẫn còn bất ổn về các động thái tiếp theo của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), qua mạng xã hội Truth Social của mình, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, viện dẫn tình trạng mất cân bằng thương mại dai dẳng với 2 đồng minh quan trọng của Washington ở châu Á.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã thông báo các mức thuế quan mới đối với Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar. Ông Donald Trump đã đăng thư gửi lãnh đạo các nước trên nền tảng Truth Social, nêu rõ mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong thư, ông cảnh báo nếu các nước trả đũa bằng cách tăng thuế nhập khẩu, chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục nâng mức thuế lên cao hơn. Mức thuế cụ thể với những quốc gia trên là 25% đối với Malaysia và Kazakhstan, Nam Phi 30%, Myanmar và Lào 40%.

Khi được hỏi liệu thời hạn có chắc chắn không, Tổng thống Donald Trump cho biết: "Tôi sẽ nói là chắc chắn, nhưng không phải chắc chắn 100%. Nếu họ gọi điện và nói rằng muốn làm điều gì đó theo cách khác, chúng tôi sẽ cởi mở với điều đó".

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 6/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ ý kiến cho rằng thời hạn chót đã được thay đổi và cho biết, mức thuế đối với các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ "quay trở lại" mức ban đầu được công bố vào ngày 2/4. Tuy nhiên, trước đó, Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan có thể lên tới 70% - cao hơn mức thuế tối đa 50 % được nêu trong kế hoạch "Ngày giải phóng" của ông.

“Ngày càng khó đoán được điều gì có thể xảy ra trước các thông tin thay đổi liên tục từ Nhà Trắng” - ông Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Hinrich Foundation ở Singapore - nói với Al Jazeera.

Các nhà kinh tế đều đồng ý rằng, thuế quan cao trong thời gian dài sẽ đẩy giá lên cao và cản trở sự tăng trưởng của cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tháng trước, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng của họ đối với nền kinh tế toàn cầu, cắt giảm dự báo của họ từ 2,8% xuống 2,3% và từ 3,3% xuống 2,9%. Đồng thời, việc dự đoán tác động của cuộc chiến thương mại đã trở nên khó khăn hơn do chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục thay đổi quan điểm về thuế quan. Các mức thuế quan cao nhất của Mỹ đã được tạm dừng, mặc dù mức thuế cơ sở 10% đã được áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức 2 chữ số.

Cảng Los Angeles tại San Pedro California, Mỹ.

Cảng Los Angeles tại San Pedro California, Mỹ.

Nghiên cứu của JP Morgan ước tính rằng, mức thuế phổ cập 10 % và mức thuế 110% đối với Trung Quốc sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 1%, với mức tác động đến GDP giảm xuống còn 0,7% trong trường hợp mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.

Cho đến nay, hậu quả từ các mức thuế được áp dụng là khiêm tốn, mặc dù các nhà phân tích đã cảnh báo rằng lạm phát vẫn có thể tăng vọt khi các doanh nghiệp đốt hết hàng tồn kho tích trữ để chuẩn bị cho chi phí cao hơn.

Bất chấp lo ngại về việc giá cả tăng mạnh ở Mỹ, lạm phát hàng năm đã đạt mức khiêm tốn 2,3 % vào tháng 5, gần với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thị trường chứng khoán Mỹ sau khi chịu tổn thất lớn vào đầu năm nay đã phục hồi trở lại mức cao nhất mọi thời đại, trong khi nền kinh tế Mỹ đã tăng thêm 147.000 việc làm mạnh hơn dự kiến vào tháng 6.

Tuy nhiên, các dữ liệu khác chỉ ra những lo lắng tiềm ẩn. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm 0,1% vào tháng 5, đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 1. "Đối với nền kinh tế nói chung, vẫn chưa biết liệu chúng ta có đang chờ đợi mức thuế quan tồi tệ nhất hay không. Việc Trung Quốc trì hoãn mức thuế quan có lẽ đã đến đúng lúc để ngăn chặn mối đe dọa suy thoái nghiêm trọng hơn. Báo cáo việc làm mới nhất chắc chắn không chỉ ra rằng thị trường lao động đã chạm đáy, mặc dù nếu chúng ta có tính đến độ trễ thời gian" - ngân hàng ING của Hà Lan cho biết.

Với Tổng thống Donald Trump, thuế quan không chỉ là công cụ kinh tế mà còn là phương tiện đàm phán đầy sức nặng. Mục tiêu là buộc các nước phải hạ thuế, mở cửa thị trường và dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo chiến lược này có thể phản tác dụng nếu bị lạm dụng.

Một mặt, việc áp thuế cao có thể giúp Mỹ gây sức ép ngắn hạn và đạt được một số nhượng bộ từ đối tác. Nhưng mặt khác, điều đó cũng làm gia tăng nguy cơ bị trả đũa thương mại, khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh và gây bất ổn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Nhiều nước đang cố gắng đàm phán để tránh các mức thuế từ 36% đến gần 50%, trong khi các nền kinh tế lớn như châu Âu vẫn giữ thái độ dè chừng.

Với hơn 100 quốc gia đang trong “danh sách thư cảnh báo,” cục diện thương mại toàn cầu những tuần tới sẽ rất căng thẳng. Việc áp thuế hàng loạt có thể khiến chi phí đầu vào tăng vọt, buộc doanh nghiệp phải tăng giá bán và làm giảm sức mua trong nước vào lúc kinh tế toàn cầu đang phục hồi mong manh.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thoi-han-chot-va-tuong-lai-thuong-mai-toan-cau-10309904.html