Thổi luồng gió mới dạy môn Giáo dục thể chất, hơn 7 triệu học sinh hưởng lợi

Phương pháp dạy môn Giáo dục thể chất mới với chiến lược 6C đã được triển khai ở 59 tỉnh, thành trên cả nước, mang đến lợi ích cho hơn 7 triệu học sinh.

Sau 5 năm triển khai, dự án “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam” đã thổi luồng gió mới trong việc dạy và học môn Giáo dục thể chất trong các trường tiểu học thuộc 59 tỉnh, thành trên cả nước, mang đến lợi ích cho hơn 7 triệu học sinh.

Đây là nhận định của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của nhiều địa phương, các giáo viên tại Hội thảo tổng kết dự án diễn ra sáng nay, 13/5. Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Nike Việt Nam và Công ty Cổ phần Danson Solutions tổ chức.

Dự án đặc biệt: Chiến lược 6C

Trong hàng chục năm qua, Giáo dục thể chất (trong chương trình năm 2006 là môn Thể dục) vốn được coi là môn phụ. Vì vậy, dự án “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam” khá đặc biệt khi đây là dự án quy mô hiếm hoi tập trung chuyên sâu cho môn học này.

Xuất phát từ niềm tin trẻ em được tạo điều kiện vận động và tiếp cận với pháp giáo dục tích cực sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công hơn cả trong học tập lẫn cuộc sống, Nike Việt Nam đã phát động sáng kiến “Active with Sports” tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 và Hà Nội vào năm 2017.

Năm 2020, Dự án chính thức được triển khai bởi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam dưới tên gọi “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam” và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp quản lý giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh và cha mẹ.

Dự án “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam” (Active with Sports) với chiến lược 6C trong dạy học, hỗ trợ giáo viên và cán bộ nhà trường. Chiến lược 6C bao gồm 6 yếu tố cốt lõi: confidence (tự tin), contribution (đóng góp), connection (gắn kết), clear/concise (rõ ràng/súc tích), choice (lựa chọn) và celebration (công nhận, khen ngợi).

 Ông Lý Quốc Biên, chuyên viên dự án trình bày về chiến lược 6C. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Lý Quốc Biên, chuyên viên dự án trình bày về chiến lược 6C. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phân tích và minh chứng cụ thể hơn, thầy Nguyễn Lê Chí, giáo viên Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) cho hay ở mô hình dạy học này, sự đóng góp của học sinh được thể hiện qua việc giáo viên sẽ tạo cơ hội cho các em cùng xây dựng bài học, ví dụ thầy cô sẽ đặt câu hỏi gợi mở để học sinh cùng xây dựng luật chơi của một trò chơi mới hoặc giao nhiệm vụ cho học sinh (phân công học sinh làm trọng tài, hướng dẫn các bạn khác thực hiện một động tác kỹ thuật.

Thông qua việc thiết kế các hoạt động có độ khó tăng dần và tạo không khí tích cực trong giờ học thông qua việc luôn luôn khích lệ, động viên học sinh, không phán xét, giáo viên dần xây dựng cho các em sự tự tin.

Sự công nhận, khen ngợi được thể hiện qua việc giáo viên thường xuyên đưa ra những lời khen ngợi, động viên tích cực, ghi nhận từng nỗ lực nhỏ của các em, như khen ngợi học sinh đã có một pha chuyền bóng đẹp hoặc một học sinh đã cố gắng hết mình trong một trò chơi. Hình thức khen thưởng linh hoạt, như một tràng pháo tay, biểu đồ tiến bộ của học sinh hoặc phần thưởng nhỏ để ghi nhận sự tiến bộ của các em.

Yếu tố lựa chọn thể hiện ở việc học sinh được tạo điều kiện để lựa chọn trong quá trình học tập, như lựa chọn các bài tập thể lực phù hợp với khả năng bản thân. Giáo viên tôn trọng sở thích và hứng thú của học sinh, như việc tổ chức cho học sinh chơi các môn thể thao hoặc trò chơi vận động mà các em yêu thích.

 Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các địa phương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo viên sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu với các câu lệnh ngắn gọn, rõ ràng để hướng dẫn học sinh thực hiện các động tác kỹ thuật đi kèm với các minh họa trực quan bằng hình ảnh, video hay thực hiện mẫu.

Các thầy cô sẽ tạo sự gắn kết thông qua môi trường học tập hợp tác, khuyến khích sự tương tác giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với giáo viên, tổ chức các hoạt động nhóm, tạo điều kiện để học sinh hỗ trợ nhau trong quá trình tập luyện.

Thầy Chí cho hay chiến lược 6C được vận dụng một cách linh hoạt, giúp giáo viên thiết kế những giờ học Giáo dục thể chất năng động, sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm.

Theo ban quản lý dự án, phương thức tiếp cận này đã được áp dụng thành công tại nhiều nước nhờ tính linh động và kết nối cao, truyền cảm hứng cho học sinh và khuyến khích trẻ trở nên tự tin hơn trong rèn luyện và trau dồi kỹ năng thông qua giờ học Giáo dục thể chất. Tại châu Á, bên cạnh Việt Nam, Nike cũng đã đưa Chiến lược 6C vào sáng kiến tương tự mang tên “Trường học năng động” (Active School) tại nhiều trường Tiểu học của Trung Quốc.

Khi học sinh quá... phấn khích và ồn ào

Trong 5 năm qua, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập huấn trực tiếp cho khoảng 1.000 giáo viên cốt cán môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học trên cả nước thông qua 13 đợt tập huấn, từng bước đưa chiến lược 6C trở thành một phương pháp, hình thức tổ chức dạy học chủ yếu trong triển khai chương trình môn Giáo dục thể chất cấp Tiểu học.

“Mô hình dạy học tuyệt vời” là nhận định của cô Hồ Thị Dung, trường TIểu học Đinh Tiên Hoàng, thị trấn Kiến Đức - Đắk R'Lấp - Đắk Nông sau một năm áp dụng chiến lược 6C vào môn Giáo dục thể chất.

Là giáo viên đã gắn bó nhiều năm với môn học này, cô Dung cho hay cách dạy môn Giáo dục thể chất theo chiến lược 6C có nhiều điểm khác biệt so với cách dạy truyền thống, đặc biệt là việc học thông qua trò chơi và trao quyền chủ động và lựa chọn cho học sinh.

“Nếu trước đây, giáo viên vào lớp và bắt đầu tiết học bằng việc phổ biến nội dung buổi học và lớp trưởng cho các bạn xếp hàng thì bây giờ, tôi sẽ hỏi thăm tình hình sức khỏe các em và đề nghị xem bạn nào xung phong lên điều khiển lớp học, tổ chức trò chơi, hỏi các em muốn tổ chức theo hình thức trò chơi nào. Học sinh được thể hiện bản thân, được đóng góp ý kiến, được lựa chọn nội dung hình thức học chứ không phải theo sự áp đặt của giáo viên. Vì vậy, các em rất hào hứng và háo hức chờ đợi đến giờ môn Giáo dục thể chất,” cô Dung vui vẻ chia sẻ.

Cũng theo cô Dung, học sinh rất phấn khích và hào hứng nên các em reo hò rất sôi nổi trong giờ, trong khi địa điểm học sát với các phòng học đang học các môn khác. “Vì vậy, thời gian đầu, cô trò hay bị nhắc nhở vì quá ồn ào, phải tiết chế dần,” cô Dung cười nói.

 Cô Hoa Lê chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cô Hoa Lê chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đây cũng là chia sẻ của cô Phạm Thị Hoa Lê, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Nhạc B, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Cô Lê cho hay việc dạy Giáo dục thể chất theo chiến lược 6C đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là lấy học sinh làm trung tâm và trao quyền tự chủ cho giáo viên khi cho phép cả giáo viên và học sinh được quyền lựa chọn, được năng động hơn, linh hoạt và sáng tạo hơn trong dạy và học.

Bày tỏ sự tâm đắc với mô hình này, thầy Nguyễn Lê Chí cho hay học sinh đã có sự thay đổi rõ rệt khi học theo phương pháp mới. “Nếu trước đây, học sinh ngại động tác khó, thụ động tiếp thu, kết quả học tập chỉ ở mức trung bình và ít tương tác, ít sáng tạo thì sau khi học theo chiến lược 6C, các em mạnh dạn thể hiện khả năng, tự giác tập luyện, biết phối hợp nhóm, tích cực tương tác và linh hoạt, sáng tạo hơn,” thầy Chí chia sẻ.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia, trong quá trình triển khai và giám sát thực hiện dự án, điều ông ấn tượng nhất chính là sự tự tin, niềm vui, nụ cười của các em học sinh trong các giờ học.

“Những sự thay đổi tích cực của học sinh từ môn học này đã thể hiện rõ nhất những phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới,” Giáo sư Lê Anh Vinh nói.

Với những ưu điểm vượt trội về hiệu quả giáo dục và phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, khả năng thích ứng và tính linh hoạt trong thực tiễn, tới nay, chiến lược 6C đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ, được hơn 21.000 giáo viên của 59 tỉnh, thành vận dụng, mang lại tác động tích cực cho hơn 7 triệu học sinh trên toàn quốc.

Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục thể chất phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của học sinh và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển về thể chất, tinh thần và kỹ năng xã hội của các em.

Sẽ triển khai rộng hơn đến bậc trung học cơ sở

Giáo sư Lê Anh Vinh cho biết những kết quả đạt được từ dự án là nền tảng quan trọng để Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống tài liệu chuyên sâu, góp phần hỗ trợ giáo viên thiết kế và triển khai các tiết học Giáo dục thể chất một cách hiệu quả, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay.

 Giáo sư Lê Anh Vinh cho hay sẽ triển khai mô hình ở bậc trung học cơ sở trong năm tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Lê Anh Vinh cho hay sẽ triển khai mô hình ở bậc trung học cơ sở trong năm tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Các tiết học Giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh nâng cao thể lực và kỹ năng vận động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống lành mạnh, tinh thần kỷ luật và sự tự tin cho học sinh. Trong bối cảnh ngành giáo dục đang thúc đẩy việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày và tăng cường giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp bậc học, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung tài liệu và mở rộng phạm vi triển khai chiến lược 6C cho các cấp học tiếp theo,” ông Vinh nói.

Đây cũng là mong muốn của các giáo viên và đại diện các địa phương. Ông Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Công tác Học sinh - Sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay 6C là phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp với giáo dục yêu cầu mới.

“Dù hôm nay dự án tổng kết 5 năm thực hiện nhưng tôi tin rằng chương trình sẽ tiếp tục được tích hợp triển khai ở các nhà trường trong thời gian tới,” ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng kiến nghị bên cạnh việc tiếp tục triển khai sâu hơn chiến lược 6C ở cấp tiểu học, dự án tiếp tục triển khai ở cấp học cao hơn, trước hết ở bậc trung học cơ sở. Ông cũng đề nghị ngành giáo dục đưa chiến lược 6C vào nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018, hỗ trợ trang thiết bị dạy học, đề nghị dự án hỗ trợ tập huấn, cung cấp tài liệu, hỗ trợ kinh phí để triển khai hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Hiển, Phòng Giáo dục Phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Tôi rất tâm đắc với nội dung chiến lược 6C. Học sinh rất hứng thú với các nội dung đổi mới do thầy cô thực hiện vì các em không còn bị gò bó trong học tập.” Theo đó, ông Hiển đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao hiệu quả triển khai mô hình này.

Trước chia sẻ của các địa phương, ông Lý Quốc Biên, chuyên viên dự án, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam khẳng định ban tổ chức dự án sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, nhà trường trong việc tập huấn, cung cấp tài liệu để thực hiện hiệu quả chiến lược 6C trong thời gian tới. Đại diện Nike Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án để có thể mở rộng sang cấp trung học cơ sở trong năm tới./.

 Phương pháp giáo dục 6C đã thổi luồng gió mới cho môn Giáo dục thể chất ở các nhà trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phương pháp giáo dục 6C đã thổi luồng gió mới cho môn Giáo dục thể chất ở các nhà trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thoi-luong-gio-moi-day-mon-giao-duc-the-chat-hon-7-trieu-hoc-sinh-huong-loi-post1038289.vnp