'Thời nay không thiếu sách, mà thiếu người đọc'

Theo nhạc sĩ Dương Thụ và PGS.TS Nguyễn Ái Việt, môi trường xuất bản giờ đây nhộn nhịp, mỗi năm có hàng chục nghìn đầu sách mới, nhưng văn hóa đọc chưa tương xứng nguồn lực xuất bản.

Thời đại công nghệ tạo ra cơ hội tiếp cận văn hóa - nghệ thuật gần như không giới hạn, song phương tiện đa dạng cũng mang đến một nghịch lý: những tinh túy văn chương, điện ảnh, âm nhạc không phải là lựa chọn hàng đầu giữa muôn vàn những lựa chọn sẵn có. Sách nhiều hơn, nhưng không đồng nghĩa người ta đọc sách nhiều hơn.

 Tọa đàm diễn ra online qua nền tảng Zoom. Theo chiều kim đồng hồ: MC Hà Nga, nhạc sĩ Dương Thụ, PGS.TS Nguyễn Ái Việt và CEO Thái Hà books Nguyễn Mạnh Hùng

Tọa đàm diễn ra online qua nền tảng Zoom. Theo chiều kim đồng hồ: MC Hà Nga, nhạc sĩ Dương Thụ, PGS.TS Nguyễn Ái Việt và CEO Thái Hà books Nguyễn Mạnh Hùng

Tại tọa đàm Hành trình khuyến đọc số tháng 8 do Thái Hà books tổ chức, PGS.TS Nguyễn Ái Việt và nhạc sĩ Dương Thụ - những người tâm huyết và gắn bó với khuyến đọc - đã chia sẻ những nhận định rút ra từ việc quan sát văn hóa đọc nước nhà, đồng thời bày tỏ những trăn trở, tâm tư với công tác khuyến đọc.

Đọc sách không phải lựa chọn ưu tiên

Tuổi ngoài 80, nhạc sĩ Dương Thụ nhận mình vẫn làm việc đều đặn, trong đó bao gồm dự án tâm huyết ông đã duy trì 15 năm nay là Cà phê thứ Bảy với đa dạng các hoạt động giao lưu văn hóa như tọa đàm, workshop, thảo luận về sách, chiếu phim, biểu diễn âm nhạc. Sống qua nhiều thời đoạn của đất nước, ông nhận thấy được những chuyển biến của môi trường xuất bản và văn hóa đọc.

Khi đất nước còn chiến tranh và chưa thống nhất, tỉ lệ người biết chữ thấp. Do đó, số đầu sách không phải quá nhiều và phân phối chủ yếu ở những thành phố quy tụ đông đảo giới trí thức. Nhưng là một mọt sách, ông hoài niệm về thời thơ ấu và những năm tháng tuổi trẻ, tìm kiếm, lùng sục từng đầu sách để "ngấu nghiến". Nhạc sĩ cũng tìm được nhiều người bạn cùng tần số, chia sẻ thói quen này và anh em bảo ban, gợi ý, chuyền tay nhau những cuốn sách.

Ngày nay, tình thế đã trái ngược hoàn toàn. Môi trường xuất bản nhộn nhịp, mỗi năm có hàng chục nghìn tựa sách mới ra mắt. Tỉ lệ người biết chữ đạt trên 90%. Tuy nhiên, không vì thế mà văn hóa đọc đi lên, bởi lẽ sự phát triển của công nghệ và Internet đã tạo ra đa dạng nguồn cung thông tin và hình thức giải trí. Đọc sách không còn là lựa chọn duy nhất, càng không phải lựa chọn được ưu tiên.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt nhớ lại trong giai đoạn đất nước vừa thống nhất, còn nhiều khó khăn, sách in cũng tương đối hạn hẹp, chỉ một số nhà xuất bản hoạt động với số lượng đầu sách ít. Bản thân ông may mắn có bố công tác tại tổ Văn của Nhà xuất bản Văn học, nên có nhiều cơ hội tiếp cận với sách hơn phần đông bạn bè đồng trang lứa.

PGS kể rằng những lúc được bố đưa đến chơi "thư viện" nhà đồng nghiệp, chỉ có 1-2 giờ đồng hồ để đọc xong một cuốn sách dày cộp nên ông cũng "tăng tốc" hết mình để hoàn thành. Vì đam mê đọc, sức đọc khỏe mà lại thiếu sách, ông đọc đi đọc lại đến thuộc Đại Việt Sử ký toàn thư.

Ngày ấy phương tiện tiêu khiển chưa phong phú như ngày nay, đọc sách dường như là cách thức duy nhất "mở ra một chân trời, đưa mình đến một miền đất xa xôi nào đó", đáp ứng được óc tò mò hiếu học và trí tưởng tượng phong phú của ông.

Đồng tình với nhạc sĩ Dương Thụ, PGS Nguyễn Ái Việt nhận định rằng văn hóa đọc ngày nay không tương xứng với nguồn lực xuất bản đã được tạo điều kiện hơn xưa rất nhiều: "Nhiều học sinh, sinh viên chưa từng đọc trọn vẹn một quyển sách, mà chỉ biết đến những trích đoạn trong sách giáo khoa!"

Đọc sách để nâng cao mỹ cảm và trở thành người tinh tế

Theo PGS.TS Nguyễn Ái Việt, đọc sách có những mục đích chính: bổ túc kiến thức, phát triển tư duy, khơi gợi cảm xúc, bồi đắp tưởng tượng, rèn luyện sức khỏe, xây dựng nhân cách, hình thành mỹ cảm.

Những lợi ích về mặt kiến thức, tư duy dường như là những mục đích rất thực tế mà hầu hết ai cũng gán cho việc đọc sách. Tuy nhiên, PGS nhấn mạnh rằng bên cạnh đó, những khía cạnh tế vi hơn của việc đọc sách, đặc biệt là sách hư cấu dường như đang bị xã hội quá coi trọng phát triển khoa học kỹ thuật-công nghệ ngày nay lãng quên.

Qua văn chương và cả các hình thức nghệ thuật khác như âm nhạc và điện ảnh, con người mới nuôi dưỡng cảm xúc và dần dà tạo ra được mỹ cảm: "Xã hội thiếu vắng mỹ cảm là hiện tượng rất nguy hiểm!"

Đồng tình với nhận định này, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng những tác phẩm lớn, giàu giá trị luôn góp phần định hình thế giới quan, tu bồi nhân cách con người. Không dừng ở làm nên một con người tử tế, mà văn chương còn tạo nên một con người tinh tế, biết cảm nhận và trân quý cái đẹp, biết ứng xử văn minh, lịch sự. Mà điều đó, chính là cái gốc cho văn hóa cao.

Ông thẳng thắn: "Có những người rất giỏi, học cao chức trọng, nhưng nói chuyện với họ, ta thấy vô vị, nhạt nhẽo. Người đọc nhiều thì thú vị, hay ho ngay ở cách dùng từ. Văn viết thường xuyên xuất hiện từ ngữ diễn tả cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc hơn văn nói".

 Hình ảnh tại buổi giao lưu Franz Kafka: Điều quan trọng không phải tồn tại mà là trở thành diễn ra vào đầu tháng 7 tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy Trẻ. Ảnh: FB CPT7.

Hình ảnh tại buổi giao lưu Franz Kafka: Điều quan trọng không phải tồn tại mà là trở thành diễn ra vào đầu tháng 7 tại Salon Văn hóa Cà phê thứ Bảy Trẻ. Ảnh: FB CPT7.

Vì tâm huyết muốn tạo ra một môi trường chia sẻ về sách, về nghệ thuật như mình từng được có lúc trẻ, những năm qua ông miệt mài duy trì không gian văn hóa Cà phê thứ Bảy, với thư viện được mở vài năm trở lại đây. Nhạc sĩ kể những ngày đầu nhiều người hỏi rằng ai đến mà làm, khi thấy chương trình âm nhạc cổ điển mà số người đến nghe còn ít hơn số nghệ sĩ biểu diễn.

Nhưng ông nghĩ, mình cứ kiên trì vì những người đầu tiên đến ấy, là những người thực sự muốn cảm thụ âm nhạc. Trực tiếp điều hành hoạt động, ông nhận thấy tuy vẫn chưa được phổ biến, nhưng người trẻ chịu tìm đến với sách, nhạc, phim hay không phải là không có.

Trả lời câu hỏi khuyến đọc, khuyến học nên ưu tiên điểm gì, nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ góc nhìn cá nhân của ông: nên đầu tư cho trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng thụ giáo dục ngôn ngữ, âm nhạc, mỹ thuật và văn chương đích thực. Cụ thể hơn, theo ý ông là dạy những môn học này như bản chất của nó, không vì những gò ép và khuôn mẫu nào.

PGS.TS Nguyễn Ái Việt bày tỏ cùng trăn trở này và cho biết ông ấp ủ xây dựng, phát triển những lớp học cảm thụ cho trẻ em, thanh thiếu niên đa dạng độ tuổi.

CEO Thái Hà books Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng rằng trong thời gian tới có thể cùng hợp tác với nhạc sĩ và PGS để phát triển những chương trình khuyến đọc, khuyến học thiết thực, góp phần lan tỏa văn hóa đọc.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-nay-khong-thieu-sach-ma-thieu-nguoi-doc-post1493581.html