Thời quân ngũ, dấu ấn không quên

Tôi sinh ngày 20-10-1952 trong một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học ở làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Trong quân ngũ, tôi luôn tự hào khi giới thiệu mình là người con một vùng quê cách mạng, một miền sử thi phong phú với truyền thuyết núi Thiên Tôn và các di tích lịch sử Quốc gia, như khu Lăng miếu Triệu Tường, nhà thờ Nguyễn Hữu, hồ Bến Quân-ghi dấu tích của cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung tiến về Thăng Long đại thắng quân Thanh…

Tháng 8-1972, tốt nghiệp lớp 10 tôi tham dự kỳ thi vào đại học ở tỉnh Thanh Hóa. Dù đã có giấy báo trúng tuyển nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ ngày 27-12-1972 và được huấn luyện tại Đại đội 3, Tiểu đoàn 770, Trung đoàn 15, Quân khu Hữu Ngạn (nay là Quân khu 3).

 Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Duy kể chuyện thời quân ngũ.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Duy kể chuyện thời quân ngũ.

Huấn luyện hơn một năm với chương trình rất cơ bản, những tân binh chúng tôi ai cũng náo nức muốn được vào miền Nam chiến đấu góp phần giải phóng, thống nhất đất nước. Đầu Xuân năm 1974, đơn vị tôi nhận lệnh hành quân đi B, mang phiên hiệu là Đoàn 2061. Vào đến Quảng Bình đoàn tạm dừng chân một đêm, sau đó hành quân cả đường bộ và đường thủy, băng qua Đường 9-Nam Lào, Xê Pôn, Xê Pếch…

Dừng chân tại Binh trạm Tu Bơ, một vinh dự lớn đã đến với tôi: Tôi và đồng chí Nguyễn Văn Đá-Trung đội trưởng đơn vị huấn luyện dẫn quân đi B, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa được tổ chức kết nạp Đảng sáng 20-2-1974. Sau đó chúng tôi tiếp tục hành quân vượt Trường Sơn qua các binh trạm trên đất Lào và Campuchia. Cuối tháng 3-1974 đến Binh trạm Lò Gò, xóm Giữa bên sông Vàm Cỏ, tôi may mắn gặp được anh trai ruột đã đi chiến đấu ở chiến trường không có tin tức khoảng 10 năm rồi.

Quá bất ngờ anh em tôi ôm chặt lấy nhau, mắt nhòa lệ vui sướng. Tôi trộm nghĩ đây có phải là hồng phúc của tổ tiên đã ban tặng để anh em tôi có cuộc hội ngộ hiếm có này. Rất may trong thời gian đó, đơn vị tạm dừng chân để chúng tôi học tập, làm quen với chiến trường sông nước. Anh em tôi được ở gần nhau trong một tháng 2 ngày. Dưới bóng rừng thiêng chúng tôi tâm sự đong đầy chuyện riêng chung của gia đình, cha mẹ, anh em vợ con…

Anh tôi đi bộ đội từ năm 1964, vào Nam chiến đấu cuối năm ấy. Đêm hành quân đi qua đường làng ngay gần sát nhà mà gia đình không hề hay biết. Mãi đến hôm gặp nhau, anh kể lại tôi mới biết. Một điều trùng hợp kỳ lạ là chính đêm hôm ấy, con gái đầu lòng của anh chào đời. Nói đến đây, cả hai anh em tôi òa lên nức nở. Kỷ niệm này đã in đậm trong tôi trong suốt năm tháng chiến đấu và tới nay tôi còn nhớ mãi.

Rất may cho tôi, trong cuộc hội ngộ đặc biệt này anh đã truyền cho những kinh nghiệm ở chiến trường, giúp tôi thêm vững niềm tin và dũng khí. Trước ngày tiễn chúng tôi hành quân, anh tổ chức bữa cơm thân mật đạm bạc cho 26 anh em quê hương Hà Long. Điều thú vị là sau cuộc gặp, anh kịp viết thư và làm thơ thông báo gửi về cho xã. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước về quê chúng tôi mới được nghe các ông bà trong xã thời đó kể lại: Nhận được thư, xã đã cho phát trên loa truyền thanh nhiều lần để lan tỏa đến mọi gia đình, cổ vũ phong trào tòng quân ra chiến trường đánh giặc của thanh niên trong xã.

Đầutháng 4-1974, chúng tôi đến kênh Xã Hội tập kết để bàn giao quân về đơn vị chiến đấu. Đêm nghỉ tại đây, chúng tôi được xem một chương trình chiếu phim tài liệu về những trận chiến thắng lớn của quân dân miền Tây Nam Bộ. Sáng hôm sau, anh em Hà Long chúng tôi họp mặt trò chuyện. Tôi còn ít tiền đổi được đem mua bánh kẹo, thuốc lá chiêu đãi lúc chia tay. Tuổi tôi lớn hơn, lại là đảng viên nên mọi người tin tưởng hỏi ý kiến nên về đơn vị nào. Tôi nói với anh em: Mình vào đến đây an toàn là may mắn lắm rồi. Chiến trường rất rộng lớn, ở đâu cũng ác liệt, về đơn vị nào cũng chiến đấu không biết sống chết ra sao. Bố mẹ, anh chị đều không có ở đây nên tùy anh em lựa chọn. Chỉ mong rằng mọi người cố gắng giữ gìn để có ngày được hội ngộ nơi quê nhà. Sau đó, chúng tôi chia tay. 12 người vào Trung đoàn U Minh; 13 người vào Trung đoàn Sông Hương, đều là các đơn vị anh hùng của Quân khu 9. Bản thân tôi về Tiểu đoàn 309, Trung đoàn U Minh.

 Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Duy và một em bé Cần Thơ sau ngày giải phóng, ngày 10-5-1975.

Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Duy và một em bé Cần Thơ sau ngày giải phóng, ngày 10-5-1975.

Được nghỉ một thời gian làm quen với địa bàn, ngày 8-6-1974 đơn vị nhận nhiệm vụ tiến công chiếm đồn Cây Dừa, nằm bên bờ kênh xáng Phụng Hiệp, Cần Thơ. Tôi được đi theo mũi anh Sáu Tường-Tham mưu trưởng tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy trận đánh. Sau khi bí mật ém quân sát hàng rào đồn địch trong đêm, đúng 3 giờ 30 phút sáng súng hiệu lệnh phát ra. Tất cả các mũi đồng loạt nổ súng vào đồn thù. Dưới sự yểm trợ của đại liên, chúng tôi dũng mãnh xông lên. Giặc trong đồn bị bất ngờ, hốt hoảng hò la chống cự rồi vội vàng tháo chạy.

Chỉ sau hơn 30 phút, đơn vị tôi đã chiếm lĩnh đồn địch. Trong trận này, tôi bị thương nhẹ, một vết vào đầu bên trái và hai vết vào chân bên trái. Đồng đội băng bó rồi chuyển tôi về bệnh xá trung đoàn điều trị. Khi vết thương lành, tôi trở về đơn vị và được cho đi học nghiệp vụ thông tin ở quân khu. Hoàn thành khóa học, tôi về trung đội thông tin của tiểu đoàn phục vụ chỉ huy tiểu đoàn và phối hợp với các đại đội trong tác chiến ở các trận đánh: Chi khu Ba Càng, hội đồng xã Tập Sơn, Chi khu Cầu Kè, Chi khu Long Toàn và các trận chống càn, phục kích địch, tiếp tục tham gia nhiều trận chiến đấu công đồn, chống càn ác liệt, cùng đơn vị lập nhiều chiến công trên chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vào đêm 30-4-1975, Tiểu đoàn 309 được giao nhiệm vụ tấn công đánh chiếm hậu cứ của trung đoàn pháo binh của Sư đoàn 21 ngụy đóng tại thị xã Vĩnh Long. Sau khi điều nghiên, trinh sát chu đáo, đêm hôm ấy từ hậu cứ chúng tôi hành quân bằng xuồng ba lá. Khi đội hình áp sát hàng rào trong tư thế sẵn sàng tiến công đánh chiếm. 0 giờ sáng ngày 1-5 chúng tôi nhận được lệnh từ trung đoàn truyền xuống: Dương Văn Minh đã đầu hàng, dừng nổ súng, sáng sớm tiến lên tiếp quản…

 Hội đồng ngũ quê hương Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa trong một lần gặp mặt. Trưởng ban liên lạc Nguyễn Hữu Duy hàng đầu, thứ ba từ phải sang.

Hội đồng ngũ quê hương Hà Long, Hà Trung, Thanh Hóa trong một lần gặp mặt. Trưởng ban liên lạc Nguyễn Hữu Duy hàng đầu, thứ ba từ phải sang.

Sau khi ăn mừng ngày thống nhất non sông tại thị xã Vĩnh Long, Tiểu đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ về đóng quân tại xã Thành Lợi, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để giúp dân và làm công tác dân vận. Giữa tháng 5-1975, đơn vị tôi được lệnh hành quân bằng ô tô đến bến cảng Rạch Giá xuống tàu vượt trùng khơi tiến ra Phú Quốc và nhận nhiệm vụ đi giải phóng đảo Hòn Ông và Hòn Bà là hai hòn đảo phía Tây Nam của Tổ quốc, cách bến cảng Rạch Giá 300km. Hành trình từ đất liền hành quân ra đảo thực hiện nhiệm vụ lần này không chỉ có ý nghĩa lớn về tác chiến mà còn thể hiện ý chí, quyết tâm của những người lính bộ binh vốn quen với đánh diệt điểm như chúng tôi.

Là lính bộ binh chưa quen với sóng gió biển cả nên hầu hết cán bộ và chiến sĩ đều say sóng, nôn nhiều. Do vậy chúng tôi được lệnh nghỉ tại Phú Quốc 3 ngày để củng cố sức khỏe cho chiến sĩ. Sau đó được lệnh của anh Ba Trà (tức đồng chí Phạm Văn Trà, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) là trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 307, 309 cùng các đơn vị trực thuộc trung đoàn xuống tàu vượt biển trong đêm đi giải phóng hai hòn đảo nói trên.

Đúng 3 giờ sáng tiếp cận được đảo, đơn vị đổ bộ lên đảo. Lúc này tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ đi phối hợp với trung đội trinh sát do đồng chí Phạm Văn Quyết (người Hà Nội) làm trung đội trưởng chỉ huy. Do địa hình mới lạ, lại tác chiến trong đêm nên chúng tôi cơ động một cách cẩn thận. Sau khi trinh sát địa hình chúng tôi có kết quả báo cáo bước đầu về sở chỉ huy tiểu đoàn là địch chỉ nằm co cụm một nửa phía Tây Nam của đảo. Anh Bảy Chiến-Tiểu đoàn trưởng phát lệnh triển khai đội hình theo các mũi chiến đấu. Khi trời hửng sáng, tất cả 3 mũi của 3 đại đội đồng bộ nổ súng tấn công. Nhưng do địa hình phức tạp, rừng rậm rạp và đá tai mèo rất khó tiến công. Địch lại co cụm phòng thủ trong các lô cốt, giao thông hào vững chắc nên ngày đầu, chúng tôi chưa tiến công được vào trận địa. Đơn vị tôi dừng củng cố lực lượng. Sáng sớm ngày thứ hai, tôi được giao đi mũi tấn công do đồng chí Nguyễn Văn Đờ-Đại đội phó Đại đội 1 chỉ huy. Sau khi áp sát vị trí địch cố thủ, đơn vị đồng loạt nổ súng xung phong, nhưng địch kháng cự quyết liệt không tiến lên được. Trước tình thế khó khăn, tiểu đoàn cho rút lui. Tại đợt tấn công này, Tiểu đoàn 309 hy sinh 2 đồng chí là Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Y quê ở Cà Mau. Đến ngày thứ 3 vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ nên sang đến ngày thứ 4, quân khu hỗ trợ đánh. Lần này, pháo bắn từ tàu chiến kết hợp với máy bay hỗ trợ, buộc địch kéo cờ trắng đầu hàng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tôi cùng đơn vị được trở về Phú Quốc và bảo vệ đảo. Đầu tháng 7-1976 tôi được đi phép, về quê thăm gia đình. Hết phép tôi trở về đơn vị đóng quân tại Cờ Đỏ, Cần Thơ làm nhiệm vụ kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 7-1977 cùng nhiều đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tôi rời quân ngũ và hành quân ra Bắc. Về địa phương tôi được vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tháng 9-1980, tốt nghiệp tôi được Ty Giáo dục tỉnh điều động lên công tác tại huyện Bá Thước. Qua 10 năm công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Lũng Niêm, trải qua các chức vụ giáo viên, hiệu phó rồi đến tháng 9-1982 được đề bạt hiệu trưởng nhà trường sau đó tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị công tác khác.

 Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Duy (bên trái) thăm gia đình đồng đội làm kinh tế giỏi.

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Duy (bên trái) thăm gia đình đồng đội làm kinh tế giỏi.

Ngày 1-11-2012 đúng 60 tuổi, tôi được Nhà nước cho nghỉ theo chế độ và về sinh sống tại địa phương. Về quê hương, tôi được Đảng ủy xã Hà Long tin tưởng mời làm công tác khuyến học, khuyến tài của xã, bầu làm Chủ tịch Hội khuyến học xã, kiêm Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng và tham gia vào Ban Chấp hành và Ban thường vụ Hội khuyến học huyện Hà Trung. Tháng 8-2017, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Hà Trung… Trải qua 50 năm công tác cho đến nay đã về với cuộc sống đời thường, dù ở bất cứ lĩnh vực với cương vị công tác nào mà Đảng, chính quyền giao, tôi luôn phát huy bản chất tốt đẹp của người lính để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

TUẤN TÚ-BẢO LINH (ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Duy, hiện đang sinh sống tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/thoi-quan-ngu-dau-an-khong-quen-733692