Thời tiết thất thường khiến thủy sản nuôi dịch bệnh và chết

Thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường gây bất lợi cho thủy sản nuôi. Tính đến ngày 25/7, thủy sản nuôi lồng, ao hồ tại một số nơi còn xảy ra hiện tượng dịch bệnh, chết.

Kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi thủy sản

Kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi thủy sản

Thủy sản nuôi của một số hộ ở các xã Vinh Hưng, Giang Hải, Vinh Mỹ (Phú Lộc), Quảng An (Quảng Điền)... xảy ra hiện tượng chết rải rác. Các hộ tiến hành các biện pháp bảo vệ, chăm sóc nhưng tính đến ngày 25/7, tình trạng thủy sản chết vẫn chưa chấm dứt.

Tại xã Lộc Điền (Phú Lộc), các xã Phong Hải, Điền Lộc (Phong Hải)... có hiện tượng tôm nuôi bị bệnh. Theo các hộ nuôi, nguyên nhân thủy sản bị bệnh, chết do thời tiết, môi trường diễn biến phức tạp, bất thường, thủy sản nuôi khó thích nghi.

Cơ quan chức năng sau khi kiểm tra, xác định, nguồn nước thải tại một số hộ ở xã Vinh Mỹ chưa thật sự đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ, điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thủy sản nuôi chết rải rác, dịch bệnh thời gian qua.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nhiệt độ nước đầm phá, ven biển, các sông tại 15 điểm quan trắc vùng nuôi trồng thủy sản từ đầu tháng 7 đến nay đều ở mức cao. Trong đó hơn một nửa số điểm đo có nhiệt độ vượt ngưỡng cao nhất của giới hạn cho phép nuôi trồng thủy sản, như thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), xã Vinh Thanh, thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang), các xã Giang Hải, Vinh Hiền, Vinh Hưng (huyện Phú Lộc), phường Thủy Tân (thị xã Hương Thủy).

Điểm cấp nước vùng nuôi trồng thủy sản xã Phú Xuân (Phú Vang) có các thông số môi trường về nhiệt độ và N-NH4+ ở mức cao. Riêng pH ở mức 6,6 là khá thấp so với điều kiện thời tiết đang nắng nóng, màu nước đậm và gần cuối vụ nuôi.

Kiểm tra tôm nuôi trong ao tròn công nghệ cao

Kiểm tra tôm nuôi trong ao tròn công nghệ cao

Kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc, tại Thuận An (thành phố Huế) và Lăng Cô (huyện Phú Lộc) cho thấy, nguồn nước cấp tại Lăng Cô có độ mặn cao hơn ngưỡng phù hợp cho nuôi tôm nước lợ theo quy định. Nhiều yếu tố môi trường trong nước cao gấp nhiều lần so với giới hạn quy định nuôi trồng thủy sản...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Lê Văn Anh khuyến cáo, các địa phương, hộ dân tại các vùng nuôi trồng thủy sản theo dõi tích cực nhiệt độ nước trong ao nuôi và vùng nuôi cá lồng để có biện pháp chống nóng cho thủy sản nuôi. Các vùng nuôi và ao nuôi có nhiệt độ vượt ngưỡng cho phép phải có chế độ ăn hợp lý, giảm lượng thức ăn hàng ngày và tăng các loại thức ăn bổ sung giàu chất dinh dưỡng.

Đối với vùng nuôi xã Phú Xuân (có nhiệt độ và NH4+ cao, pH thấp) và các vùng lân cận cần theo dõi khi lấy nước vào ao nuôi, bón vôi, men vi sinh để đảm bảo độ pH nằm trong khoảng lý tưởng và không làm nồng độ amoni NH4+ trở nên độc tính. Một số địa phương như xã Vinh Hưng, Giang Hải (huyện Phú Lộc), Quảng An (huyện Quảng Điền),… đã xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi trong ao và lồng bị chết rải rác.

Chi cục Thủy sản cũng đã thông báo kết quả phân tích mẫu nước trong ao nuôi của các hộ có hiện tượng tôm nuôi bị bệnh; đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng bệnh, xử lý bệnh trên tôm nuôi tại Lộc Điền (Phú Lộc), xã Phong Hải và Điền Lộc (huyện Phong Điền)...

Các hộ nuôi kiểm tra thường xuyên và vào các ngày có hiện tượng thời tiết thay đổi đột ngột, cực đoan để phát hiện các hiện tượng bất thường. Trường hợp cá nuôi có hiện tượng thiếu ôxy vào sáng sớm phải sục nước, cấp ôxy bằng bình ôxy hoặc sản phẩm cung cấp ôxy tức thời...

Đối với các hộ nuôi xen ghép chú trọng khi lấy nước vào ao phải lựa chọn thời điểm có nguồn nước tốt nhất (đỉnh triều cường), xử lý vôi và chế phẩm sinh học ngay sau khi lấy nước vào ao. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản để hạn chế xảy ra dịch bệnh trên tôm, cua, cá.

Theo dự báo, thời tiết còn tiếp tục nắng nóng và biến động không thuận lợi đối với thủy sản nuôi. Nhiều đối tượng thủy sản nuôi thường biến nhiệt nên rất dễ bị tác động của môi trường, dễ xảy ra hiện tượng thủy sản nổi đầu do tình trạng thiếu ôxy cục bộ tầng đáy, tầng giữa. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động chuẩn bị các giải pháp cho vùng nuôi cá lồng trên sông, tăng cường sục khí tạo ôxy trong lồng nuôi, bổ sung vitamin C vào thức ăn tổng hợp cho cá để tăng sức đề kháng, giảm thức ăn trong những ngày nắng nóng…

Bài, ảnh: Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thoi-tiet-that-thuong-khien-thuy-san-nuoi-dich-benh-va-chet-130303.html