Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với giới doanh nhân

Tại cuộc họp với các doanh nghiệp hàng đầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu thể hiện sự ủng hộ các công ty tư nhân trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều áp lực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp với các tập đoàn hàng đầu ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một cuộc họp với các tập đoàn hàng đầu ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hội nghị về khu vực kinh tế tư nhân được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 17/2 có sự góp mặt của hàng loạt lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Jack Ma (Alibaba), Ren Zhengfei (Huawei), Lei Jun (Xiaomi), Robin Zeng (CATL), Wang Xing (Meituan), Pony Ma (Tencent), Wang Chuanfu (BYD), Liang Wenfeng (DeepSeek AI), Wang Xingxing (Unitree Robotics), Yu Renrong (Will Semiconductor).

Theo Tân Hoa Xã, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi sự đồng thuận và củng cố niềm tin để thúc đẩy lực lượng kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, chất lượng cao, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần bứt phá.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc có "triển vọng lớn và đầy hứa hẹn" để làm giàu và tạo ra các cơ hội cho quốc gia, đồng thời khẳng định cách quản trị Nhà nước và quy mô thị trường mang lại cho Bắc Kinh lợi thế tự nhiên trong việc phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến.

Hiện nay, tại Trung Quốc, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp tới 60% GDP, 70% sáng tạo đổi mới công nghệ và hơn 50% doanh thu thuế.

"Đây là thời điểm thích hợp để các công ty và doanh nhân thể hiện tài năng", ông Tập Cận Bình khẳng định, đồng thời cho rằng đất nước cần "thống nhất tư tưởng, tăng cường lòng tin, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, chất lượng cao", theo Tân Hoa Xã.

Chủ tịch Trung Quốc cũng thúc giục các doanh nhân duy trì tinh thần cạnh tranh và tin tưởng vào tương lai đất nước khi những thách thức mà khu vực doanh nghiệp phải đối mặt chỉ là "tạm thời" và chính quyền sẽ bãi bỏ các khoản phí hoặc tiền phạt vô lý đối với công ty tư nhân.

"Cần phải xóa bỏ mọi rào cản đối với việc sử dụng yếu tố sản xuất và tham gia công bằng vào cạnh tranh thị trường. Bắc Kinh nên tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa công bằng lĩnh vực cơ sở hạ tầng cạnh tranh cho mọi loại hình doanh nghiệp và tiếp tục nỗ lực hết sức để giải quyết vấn đề tài chính đối với doanh nghiệp tư nhân," nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định cam kết kiên trì củng cố và phát triển khu vực công và khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của khu vực tư. Bảo đảm các chủ thể kinh tế đều được tiếp cận bình đẳng các yếu tố sản xuất theo pháp luật, cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và được pháp luật bảo hộ như nhau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc ngày 17/2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thông điệp tới khu vực tư nhân

Giới quan sát đánh giá, cuộc họp đánh dấu một tín hiệu mới trong lập trường của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, sau một thời gian siết chặt.

Theo Bloomberg, năm 2020, khi chính quyền Trung Quốc bất ngờ hủy bỏ kế hoạch IPO trị giá hàng tỷ USD của Ant Group, công ty con của Alibaba, giới quan sát nhìn nhận đó như một động thái mở đầu cho một loạt biện pháp siết chặt kiểm soát đối với các tập đoàn công nghệ tư nhân lớn.

Những năm sau đó, chính quyền Trung Quốc tập trung nguồn lực vào an ninh quốc gia và tự chủ công nghệ. Jack Ma, một trong những doanh nhân có tiếng tại Trung Quốc, sau đó dần biến mất khỏi công chúng.

Tuy nhiên, gần đây, Trung Quốc dường như đang có những động thái nới lỏng lập trường, trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và các công ty tư nhân bắt đầu điều chỉnh theo chiến lược của chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực AI.

Theo Bloomberg, việc ông Tập Cận Bình trực tiếp chủ trì hội nghị lần này được xem là tín hiệu mạnh mẽ nhất của Trung Quốc nhằm khôi phục niềm tin của giới doanh nghiệp nước này.

Phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Marina Zhang cho rằng, hội nghị đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng "Bắc Kinh thừa nhận một khu vực tư nhân mạnh mẽ là điều cần thiết cho sự ổn định kinh tế và vị thế dẫn đầu về công nghệ" của Trung Quốc.

"Hội nghị củng cố thông điệp rằng, mặc dù khu vực tư nhân vẫn là trụ cột quan trọng trong tham vọng kinh tế của Trung Quốc, khu vực này phải phù hợp với các ưu tiên quốc gia, bao gồm sự tự lực về công nghệ then chốt và các ngành công nghiệp chiến lược," chuyên gia Zhang nói.

Giáo sư tài chính Xiaoyan Zhang từ Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cho rằng, cuộc gặp mặt của Chủ tịch Trung Quốc với các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm gửi đi một thông điệp về tầm quan trọng của lĩnh vực tư nhân và cố gắng "tạo dựng lòng tin".

"Tôi nghĩ Chính phủ Trung Quốc muốn nói với giới doanh nghiệp rằng: Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn. Chúng tôi cần các bạn thúc đẩy đổi mới, đổi mới công nghệ và thúc đẩy tiêu dùng," GS. Xiaoyan Zhang nhận định.

Trung Quốc đã đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc đua công nghệ. Gần đây nhất, Trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek đang trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Điều đưa DeepSeek lên đỉnh cao danh vọng không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên thế giới chính là sự ra mắt của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) DeepSeek-V3 và mô hình lập luận DeepSeek-R1 trong hai tháng qua. Các mô hình này có thể sánh ngang với các AI hàng đầu của Mỹ như ChatGPT nhưng được cho là với một chi phí thấp hơn rất nhiều và không cần sử dụng các chip tiên tiến nhất của Nvidia.

"Sự ra mắt của DeepSeek-R1, cùng với các mô hình AI cạnh tranh toàn cầu và chi phí hợp lý của Trung Quốc, đã thay đổi góc nhìn về công nghệ nước này, đồng thời nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và lợi ích kinh tế từ AI," Goldman Sachs đánh giá trong một báo cáo gần đây.

Tự chủ công nghệ tiếp tục là mũi nhọn để Trung Quốc giảm áp lực từ Mỹ. Trung Quốc cũng đang mở rộng nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực lượng tử, vật liệu bán dẫn thế hệ mới và điện toán biên, nhằm đảm bảo lợi thế công nghệ dài hạn. Chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc 2025" (Made in China 2025) là điểm nhấn chính trong định hướng nâng giá trị ngành công nghiệp và giảm dần sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.

KIỀU CHINH

Tham khảo Xinhua, Bloomberg,

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thong-diep-cua-chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-voi-gioi-doanh-nhan-38386.html