Thông điệp hòa bình từ đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

'Sông Bến Hải bên trong bên đục. Trách ai làm cho non nước chia đôi'. Câu hò day dứt ngày ấy đến hôm nay vẫn còn thấm sâu vào máu thịt của từng người. Chúng ta trở về Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền LươngBến Hải hôm nay là trở về địa danh mang biểu tượng đặc sắc nhất của khát vọng hòa bình và thống nhất non sông.

Cầu Hiền Lương - sông Bến Hải

Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, vì âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam của Mỹ và bè lũ tay sai mà cả dân tộc ta phải tiếp tục đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập. Từ đó, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải trở thành một biểu tượng khát vọng đấu tranh vì độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Ở đầu cầu Hiền Lương phía bờ Bắc, có dòng chữ in rõ trên cổng chào “Nam Bắc một nhà” luôn khẳng định chân lý trường tồn, bất diệt của dân tộc Việt Nam và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải luôn là biểu tượng của khát vọng hòa bình - Ảnh: TÚ LINH

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải luôn là biểu tượng của khát vọng hòa bình - Ảnh: TÚ LINH

Trước năm 1967, ông nội tôi là cán bộ công an Khu vực Vĩnh Linh, hoạt động an ninh khu giới tuyến phía Bắc cầu Hiền Lương. Và từ đó ông lấy tên Vĩnh Thành, tên của một xã ngay phía bờ Bắc đặt tên cho mình để hoạt động cách mạng. Từ phía bờ Nam, mỗi lần nhìn ra Bắc, bà nội và ba tôi luôn khắc khoải biết bao giờ chạm chân tới được miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Nơi ấy, vợ được gặp chồng, con được gặp cha. Mỗi lần ba gặng hỏi bà nội tôi, con có cha không? Bà nội tôi bảo có. Thế cha con ở đâu? “Cha con ở bờ Bắc, phía bên kia cầu Hiền Lương”. Câu nói ba ở bên kia cầu Hiền Lương cứ găm vào tâm trí tuổi thơ; vừa gần gũi yêu thương, vừa xa xôi, vô vọng trong tâm khảm của ba. Với tuổi thơ của ba, qua được cầu Hiền Lương để được gặp ba mình chỉ là giấc mơ, không dám nói với bất kỳ ai. Vì bà nội tôi luôn bị địch bắt giam và tra tấn dã man do có chồng tập kết ra Bắc.

Rồi biết bao người liên tiếp ngã xuống trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đòi ký hiệp định mang lại hòa bình cho đất nước. Trong một lần may mắn được gặp và nói chuyện với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại Huế, ông kể trước đêm ký Hiệp định Paris 1973, nhà văn đang tác nghiệp ở bờ Nam sông Bến Hải. Ông thốt lên chỉ cần qua một quãng đêm yên tĩnh này nữa, cuộc chiến tranh tại Việt Nam sẽ kết thúc. Ông đứng một mình bên bờ Nam sông Bến Hải, kính cẩn chờ giây phút mà toàn thế giới chứng kiến thời khắc dòng sông được “nối lại đủ hai bờ”.

Chưa bao giờ lịch sử lại căng đầy trong ông một niềm cảm khái trầm hùng đến như vậy. Ngày 27/1/1973 đi qua, Hiệp định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 28/1/1973, đúng 7 giờ sáng giờ Hà Nội, Hiệp định lập lại hòa bình ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực.

Thời điểm đó cũng cận Tết Nguyên đán Quý Sửu. Một hôm, ở đầu cầu phía Bắc long trọng diễn ra lễ thượng cờ. Sau lễ thượng cờ, chiếc xe ô tô chở Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Sĩ Thản từ từ lăn bánh tại bờ Bắc sông Bến Hải qua chiếc cầu phao công binh vừa mới bắc đêm qua để vào vùng phía Nam. Cầu phao được lát những tấm ván vừa xẻ từ cây rừng Trường Sơn đang thơm mùi gỗ mới.

Sau này, đọc nhật ký của ông nội tôi, Đại tá Vĩnh Thành, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Trị Thiên, về thời kỳ công tác tại Khu vực Vĩnh Linh, ông thường khắc ghi: “Mong cuộc chiến tranh sớm kết thúc, đất nước được hòa bình, người dân được đoàn tụ, hai bờ của dòng sông được nối lại với nhau bằng nhịp cầu mới”. Đó không chỉ là mong muốn của riêng ông mà của hàng triệu người con đất Việt.

Biểu tượng của khát vọng hòa bình

Nước nhà thống nhất, đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải sớm được công nhận di tích quốc gia rồi đến di tích quốc gia đặc biệt. Rất đỗi tự hào, hiếm có điểm đến nào trên đất nước vinh dự được đón nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cũng như các vị khách quốc tế đến thăm như Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.

Sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp trong các ngày lễ lớn như Quốc khánh 2/9; lễ hội Thống nhất non sông 30/4 và 1/5 hằng năm càng khẳng định thêm hòa bình, thống nhất, thịnh vượng đất nước luôn là niềm khát vọng lớn lao mà đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, là biểu tượng đặc sắc nhất. Đó là khát vọng nhân văn không chỉ của người Quảng Trị mà còn của cả dân tộc.

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải -Ảnh: T.LINH

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải -Ảnh: T.LINH

Trên hành trình Bắc-Nam, nhiều du khách trong và ngoài nước luôn đến với Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tận mắt chứng kiến sự thay đổi của vùng đất này. Mỗi du khách đến với di tích đều tỏ lòng khâm phục khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam qua từng câu chuyện kể của hướng dẫn viên BQL di tích, qua sự trân trọng quá khứ mà Nhân dân Quảng Trị đã thể hiện trong việc dày công tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Trên cơ sở của Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Chính phủ đã đồng ý cho tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án xây dựng công viên mang tên Thống Nhất, biến nơi ghi dấu nỗi đau chia cắt thành khát vọng hòa bình. Đây là niềm khích lệ lớn với Quảng Trị. Công viên mang biểu tượng cao nhất của khát vọng hòa bình, đấu tranh thống nhất đất nước, đồng thời là điểm tham quan du lịch, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021- 2026 đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công viên Thống Nhất tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải với kinh phí xây dựng 80 tỉ đồng.

Dự án này tiến hành tu bổ, tôn tạo tổng thể di tích gồm: Kỳ đài, cầu Hiền Lương, Nhà Liên hợp, chỉnh trang cảnh quan và các hạng mục phụ trợ của di tích, đầu tư trang thiết bị phục vụ quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích trên cơ sở các hạng mục được xây dựng và tôn tạo tại Công viên Thống nhất trước đó của di tích.

Công trình là điểm nhấn về văn hóa, du lịch của tỉnh Quảng Trị, hướng tới hoàn thiện công trình kiến trúc mang tính biểu tượng về truyền thống, bản sắc văn hóa, lịch sử tại địa phương, đất nước phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Vào năm 2021, Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Trị được tổ chức lễ hội với thông điệp vì hòa bình mà Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là một điểm nhấn quan trọng. Lễ hội Vì Hòa bình dự kiến sẽ tổ chức lần đầu vào tháng 7/2024, định kỳ 2 năm một lần và nằm trong danh mục các sự kiện văn hóa lớn của quốc gia nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Thông điệp hòa bình từ đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải thể hiện tầm vóc, ý chí của Nhân dân ta, được hun đúc từ trong trong cuộc trường kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Và Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền LươngBến Hải luôn trở thành biểu tượng cao nhất của khát vọng hòa bình.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thong-diep-hoa-binh-tu-doi-bo-hien-luong-ben-hai/179541.htm