Thống đốc: Kiểm tra việc cho vay tập đoàn, dự án sân sau; ưu tiên vốn cho nhà ở giá rẻ

Sáng nay, 08/02/2023, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản. Hội nghị do Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì, đại diện Bộ Xây dựng, các ngân hàng, cùng 20 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa có văn bản hay phát ngôn nào từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định NHNN siết chặt tín dụng BĐS. Có chăng chỉ là kiểm soát đối với đầu cơ BĐS và bong bóng BĐS.

“Đến nay chúng tôi vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. NHNN coi bất động sản (BĐS) cũng là một ngành nghề cần bình đẳng như những lĩnh vực khác trong nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự tham gia của Bộ Xây dựng, các ngân hàng thương mại cùng đại diện của 20 nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường hiện nay. Ảnh: Nguyễn Tuân

Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự tham gia của Bộ Xây dựng, các ngân hàng thương mại cùng đại diện của 20 nhà phát triển bất động sản lớn nhất thị trường hiện nay. Ảnh: Nguyễn Tuân

Thị trường BĐS có quan hệ liên thông trực tiếp với thị trường tín dụng và một số thị trường khác. Thời gian qua, tình trạng sốt đất cục bộ diễn ra từ năm 2021 sau đó rơi vào nguội lạnh, kèm theo đó là hiện tượng các DN BĐS huy động trái phiếu.

Dư nợ tín dụng BĐS đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, cao nhất trong 05 năm qua.

Như vậy, có thể thấy hiện nay các TCTD vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực BĐS với mức tăng trưởng cao và đang có dư nợ lớn.

Đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi thì được TCTD cho vay theo đúng quy định.

Phó Thống đốc cho biết, những diễn biến trên thị trường BĐS sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng và an toàn của hệ thống tín dụng.

“Các ngân hàng thương mại và DN BĐS đều là quan hệ cộng sinh, cùng chia sẻ và cùng có những khó khăn cần tháo gỡ. Cả hai cùng chung một chiếc thuyền. Tốc độ tăng tín dụng cho BĐS cao nhất trong nhất các lĩnh vực, tỷ trọng cho vay BĐS cũng cao nhất trong các lĩnh vực. Thế nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng tiếp cận tín dụng khó khăn, hội nghị hôm nay sẽ làm rõ lý do vì sao, để cùng nhau tháo gỡ.” ông Tú nói.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho biết năm 2022 thị trường BĐS có nhiều

biến động với sự tăng trưởng nóng vào nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên cuối năm do dư thừa một số sản phẩm không hợp lý, trong khi thiếu NOXH, nguồn vốn DN thiếu song việc huy động vốn qua TTCK và trái phiếu gặp nhiều khó khăn, một số dự án bị vướng thủ tục pháp lý.

Bà Giang cho biết, NHNN đã dành khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay ưu đãi mua nhà, các chương trình cho vay nhà ở tại NHCSXH giúp người có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà. Bên cạnh việc NHNN phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS.

“Trước khi xảy ra đại dịch, tín dụng cho vay BĐS luôn trên 20%, tín dụng cho BĐS hai năm 2020-2021 lần lượt là 12,06-15,37%. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ BĐS đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,81%. Doanh số bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đạt trên 110.000 tỷ đồng từ năm 2018 đến nay”, bà Giang nói.

Tuy nhiên, 90% dư nợ BĐS có thời gian từ 10-25 năm, trong khi 80% tiền gửi ngân hàng là ngắn hạn, do đó nếu các ngân hàng không cân đối sẽ mất thanh khoản. Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế khẳng định có hiện tượng khách hàng kê khai gian dối để vay vốn phục vụ nhu cầu đầu cơ BĐS.

Bám sát chỉ đạo của CP, thời gian tới NHNN sẽ tập trung điều hành tín dụng BĐS phù hợp, bảo đảm an toàn hệ thống và bảo đảm thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, theo đúng chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

Đại diện các doanh nghiệp bất động sản nêu ý kiến.

- Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes: Thị trường trái phiếu DN khó khăn, nên mong muốn ngân hàng xem xét giải ngân chi phí ban đầu.

Mỗi dự án BĐS có nhiều chi phí phát sinh, nhưng không phải chi phí nào cũng được ngân hàng chấp nhận. Trước đây thị trường trái phiếu DN còn hoạt động tốt thì DN còn tận dụng nguồn vốn này để giải quyết chi phí ban đầu. Nhưng nay thị trường trái phiếu DN khó khăn, nên mong muốn ngân hàng xem xét giải ngân chi phí ban đầu.

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes nêu ý kiến tại hội nghị tín dụng bất động sản

Ông Phạm Thiếu Hoa, chủ tịch HĐQT Vinhomes nêu ý kiến tại hội nghị tín dụng bất động sản

Về lãi suất, đại diện Vinhomes cho rằng với các dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý nên không có rủi ro gì, do đó ngân hàng không nên xếp vào diện rủi ro.

Việc xếp hệ số rủi ro cao 200% đối với các dự án này sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và khách hàng.

Về tài sản đảm bảo, vị này cho rằng tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường khiến chủ đầu tư phải tăng thêm TSĐB khác.

“Nên xem xét dự án nào có pháp lý đầy đủ thì đánh TSĐB tương tự như các ngành nghề khác. Rủi ro hay không là tùy vào từng dự án, từng doanh nghiệp.” đại diện Vingroup nói.

- Đại diện Hưng Thịnh Land: Đề xuất được gia hạn nợ, hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo phục vụ SXKD.

Câu chuyện hiện nay là các trái chủ lo sợ doanh nghiệp bất động sản có tồn tại không, có phát triển được không, sản phẩm có đến tay người tiêu dùng không.

'Chúng tôi đề xuất NHNN xem xét nới lỏng room. Thứ hai, việc cơ cấu lại nhóm nợ, câu chuyện của chúng tôi là chưa nhảy nhóm nợ chứ không phải không nhảy. Câu chuyện này có thể xảy ra, nên đề xuất được gia hạn nợ, hỗ trợ việc giải ngân tiếp theo phục vụ SXKD.

Hiện nay lãi suất cao, các nhà đầu tư nước ngoài đang không tham gia và họ đang chờ đợi, nghe ngóng. Câu chuyện là trước đây họ đẩy lãi suất lên cao đẩy giá thành lên cao'.

'Chúng tôi có kế hoạch xây dựng NOXH nhưng để phát triển thị trường này chúng tôi đang bị bế tắc', đại diện Hưng Thịnh Land nói.

- Đại diện Tập đoàn Sun Group kiến nghị liên quan Nghị định 65, mong muốn nới lỏng điều kiện đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Vị này cũng nêu vướng mắc trong pháp lý, hiện nay ngành xây dựng BĐS chịu sự điều chỉnh của hơn 100 luật, nghị định, thông tư,…. Các bộ ngành thường xuyên cập nhật, điều chỉnh nhưng chưa theo kịp thị trường. Chẳng hạn như đến nay chưa có hành lang pháp lý cho việc phát triển sản phẩm condotel.

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thêm gói 30.000 tỷ

Chúng tôi khẳng định NHNN chưa bao giờ có văn bản nào siết tín dụng. Chúng tôi đồng ý và đánh giá rất cao việc NHNN kiểm soát chặt chẽ và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhưng đề nghị NHNN tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu DN. Tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS cả phía chủ đầu tư và người mua nhà.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Theo ông Châu, cái khó nhất của thị trường hiện nay là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Doanh nghiệp BĐS “không sợ” lãi suất cho vay của các NHTM.

“Lãi suất hiện nay chúng tôi chịu được. Chúng tôi không đề nghị giảm phí, không đề nghị giảm lãi suất, người mua nhà phải chịu những khoản này, chúng tôi đưa vào giá bán hết mà”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nói.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng việc nhảy nhóm nợ khiến các DN BĐS không thể vay được tín dụng. Do đó, nếu Ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho DN. Nếu muốn các khoản nợ không nhảy nhóm thì chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Năm 2022, phân khúc nhà ở cao cấp tại TPHCM chiếm 80%, còn lại 20% là nhà ở trung cấp. Tuy nhiên, 70% tăng trưởng tín dụng BĐS tại TP.HCM là BĐS tiêu dùng. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị NHNN xem xét một gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng. Gói tín dụng 30.000 tỷ là giải quyết được rất nhiều, hơn 46 nghìn người tiếp cận được nhà ở qua gói này. Cái hay của gói tín dụng này là không phân biệt NOXH hay nhà ở thương mại. “Chúng ta giải quyết được đầu ra cho sản phẩm thì tạo được thanh khoản. Các DN hiện nay không có thanh khoản, có DN giảm 50% lương, sa thải 70-80% nhân viên.”

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đáp lời: Gói 30.000 tỷ chỉ có thể đáp ứng trong hoàn cảnh “rất đặc biệt, chúng ta không lạm dụng việc đó”.

-Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Năm 2023 NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14-15%

Việc room tín dụng cho BĐS là câu chuyện nội bộ của các ngân hàng thương mại.

Năm 2023 NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14-15%.

Nhiều người hỏi room tín dụng cho BĐS là bao nhiêu, tôi khẳng định không có room tín dụng cho từng ngành nghề. Thời điểm đầu năm không có ngân hàng nào thiếu room tín dụng, việc thiếu room chỉ có thể xảy ra vào cuối năm.

Lãnh đạo các ngân hàng thương mại có mặt tại hội nghị nêu ý kiến:

- Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Nếu bây giờ ngân hàng dồn cho vay dài hạn thì chắc chắn sẽ rất khó

Tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ BĐS tại Vietcombank (VCB) chiếm trên 20%, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp BĐS và khách hàng cá nhân mua BĐS. Tăng trưởng tín dụng BĐS khoảng 17%. Điều này cho thấy VCB vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho BĐS và đây là lĩnh vực không bị hạn chế.

Hiện dư nợ cho vay BĐS đối với cá nhân khoảng 90% tổng tín dụng cho BĐS. 10% còn lại là cho vay DN BĐS, trong đó tập trung các DN phát triển BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đối với lĩnh vực BĐS du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chúng tôi nhận định du lịch trong nước và quốc tế đã phục hồi, năm 2023 chúng tôi sẽ có những chính sách thay đổi phù hợp với thực tế. Vietcombank sẽ lựa chọn các DN BĐS có uy tín để cho vay.

Tiếp đến là lĩnh vực văn phòng, TTTM, chúng tôi cũng sẽ tập trung cho vay trong năm 2023.

Đối với BĐS nhà ở, trong năm 2023 chúng tôi cũng chia ra làm hai đối tượng. Đối với những đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, chúng tôi áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên đồng thời thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao.

Về khó khăn, vướng mắc, Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn liên quan vấn đề pháp lý. Có trường hợp cấp tín dụng xong thì CĐT bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến CĐT mà cả NHTM.

Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ, nên ngân hàng cũng phải thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ của khách hàng cá nhân.

Tiếp đến, việc phát hành TPDN của các DN BĐS, nguồn tài trợ tín dụng trung và dài hạn trước đây đến từ ngân hàng và TPDN. Tuy nhiên thời gian qua thị trường TPDN gặp khó khăn.

Nếu bây giờ ngân hàng dồn cho vay dài hạn thì chắc chắn sẽ rất khó, nên chúng tôi kiến nghị Chính phủ hỗ trợ làm thế nào để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển lành mạnh, an toàn, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển trong thời gian tới.

Về lãi suất, các Ngân hàng TM nhà nước cố gắng không tăng lãi suất và cố gắng thực hiện chỉ đạo của NHNN là giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho thị trường, từ đó cũng là hỗ trợ cho ngân hàng.

- Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành- Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank): Nếu có cơ chế đặc thù cho BĐS thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ

Thật lòng chúng tôi rất quý trọng, thương yêu các anh chị ngồi đây (DN BĐS – PV). Ở đây toàn các anh chị đại gia, từ lâu chúng tôi đã rất yêu quý các anh chị.

Chúng ta đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm. Chúng tôi mong muốn hành động cùng các anh chị để cùng vượt qua khó khăn hiện nay.

Liên quan đến đề xuất cơ cấu nợ cho các DN BĐS, quyền TGĐ VietinBank cho rằng đây là vấn đề của thị trường, nếu có cơ chế đặc thù cho BĐS thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.

“Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", Phó Tổng giám đốc Vietinbank nói.

- Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ BĐS cá nhân

Tính đếnnết năm 2022, tổng dư nợ cho vay BĐS tại BIDV là 275 nghìn tỷ, chiếm 18% tổng dư nợ tín dụng.

Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khá lớn trong danh mục, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân (217.000 tỷ đồng).

Hiện nay chúng tôi vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ này.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định ngân hàng này vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ BĐS cá nhân

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định ngân hàng này vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ BĐS cá nhân

Thời gian qua BIDV đã giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Năm 2022 do khó khăn từ TTCK và TTTP, nhu cầu vốn tín dụng dồn vào hệ thống ngân hàng khá lớn. Ngân hàng thời gian qua vẫn đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của khách hàng.

Thời gian tới BIDV sẽ tập trung cho vay đối với BĐS KCN và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50ha trở lên.

Đối với BĐS nhà ở, BIDV ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, và ưu tiên các DN có uy tín.

Về đề xuất của Hiệp hội BĐS TP.HCM bỏ giấy phép xây dựng khi giải ngân, đại diện BIDV cho rằng đây là quy định của nhà nước. Khi giải ngân bắt buộc phải có giấy phép xây dựng, còn trước đó thì có thể không cần.

“Ngân hàng cho vay cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, nếu những vướng mắc từ các thủ tục đầu tư, ngân hàng không thể cấp vốn. Khi vướng mắc thủ tục ở đâu thì các daonh nghiệp nên kiến nghị ở các cơ quan liên quan cho phù hợp”.

Về ý kiến của doanh nghiệp đối với chi phí đền bù, lãnh đạo BIDV cho rằng việc này tùy thuộc “khẩu vị” của từng ngân hàng. BIDV sẵn sàng ngồi với DN để xem xét tháo gỡ.

- Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank): Đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý, từ đó giảm bớt áp lực dòng tiền cho các DN BĐS.

Để đảm bảo kiểm soát rủi ro hiệu quả, ngân hàng tài trợ vốn cho một số chủ đầu tư có uy tín trên thị trường, được người dân quan tâm.

Về cho vay đối với cá nhân, năm 2022 bên cạnh việc đảm bảo thanh khoản, năm 2022 cho vay cá nhân mua nhà năm 2022 là 190 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 46 nghìn khách hàng mua nhà, dư nợ bình quân mỗi khách hàng là hơn 4 tỷ đồng. Gần 70% khách hàng cá nhân đã nhận bàn giao nhà để sửa chữa hoặc đi vào sử dụng.

Đối với cho vay DN chủ đầu tư, năm 2022, chủ trương của năm 2022 là giữ ổn định, tập trung hỗ trợ dự án có sản phẩm tốt, có pháp lý hoàn chỉnh. Vì thế dư nợ của nhóm này giảm 10% so với năm 2021. Nguyên nhân vì những chủ đầu tư đã được hỗ trợ năm 2021 đã bàn giao nhà cho người dân.

Thứ hai là tốc độ về mặt pháp lý các dự án đang trong quá trình hoàn thành tương đối chậm, dẫn đến việc giải ngân chậm lại.

Khẩu vị của năm 2022 là đảm bảo chặt chẽ, nên chỉ xem xét hỗ trợ các dự án có pháp lý đầy đủ, sản phẩm tốt, được người dân quan tâm. Các hoạt động cho vay BĐS là cho vay trung và dài hạn, nên tốc độ giải ngân hoàn toàn dựa trên khả năng thu xếp vốn của ngân hàng. Trong khi việc huy động vốn của ngân hàng phần lớn là ngắn hạn.

Năm 2022, Techcombank đã huy động vốn từ thị trường quốc tế để hỗ trợ nhu cầu vốn trong nước, dư nợ huy động lên đến 1,8 tỷ USD.

Techcombank mong muốn NHNN kiến nghị các bộ, ngành đẩy nhanh hoàn thiện pháp lý, từ đó giảm bớt áp lực dòng tiền cho các DN BĐS.

- Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng:

Cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để giám sát thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu. Ý kiến của DN về cơ cấu nợ là xác đáng, tuy nhiên giải quyết như thế nào để không có sự phân biệt đối xử với các ngành nghề khác. Một trong những điều kiện hết sức quan trọng là cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Việc này cần nghiên cứu sao cho hài hòa. Về room tín dụng, Hiệp hội cho rằng việc quản lý room tín dụng hiện nay là phù hợp. Room tín dụng không hề ảnh hưởng đến thị trường BĐS.

- Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đề nghị ngân hàng và doanh nghiệp với tư cách là hai doanh nghiệp ngồi lại với nhau, rà soát lại những vướng mắc. Biện pháp tháo gỡ không gì bằng trực tiếp ngồi lại với nhau. Dự án nào cho vay được thì cho vay, dự án nào không cho vay được thì nói rõ vì sao.

- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Đề nghị các ngân hàng làm việc với các DN để cơ cấu lại các khoản nợ xấu, để hỗ trợ các DN

Đây là hội nghị rất quan trọng, ý nghĩa. Bộ Xây dựng dự kiến cũng tổ chức một hội nghị trong tháng 2 này để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. BĐS là lĩnh vực đặc thù, cần nhiều thời gian để thực hiện đầu tư một dự án. Lĩnh vực BĐS sử dụng nguồn vốn lớn để thực hiện một dự án.

Thời gian qua các DN BĐS sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có vốn tự có, vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn qua TTCK,… Các DN BĐS đã chủ động sử dụng khá hiệu quả trong việc huy động vốn. Do đó BĐS có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, nhiều dự án hoàn thành tạo ra nhiều chỗ ở cho người dân. Ông Sinh nêu vấn đề về tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực BĐS, thời gian qua khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các DN BĐS, có thể thấy NHNN tích cực hỗ trợ các DN BĐS thời gian qua. Trong 3 năm gần đây tín dụng cho BĐS luôn tăng theo từng năm. Chính phủ và NHNN cũng chưa từng chỉ đạo siết tín dụng BĐS. Chỉ có việc chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay BĐS và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương cho vay đúng đối tượng, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích.

Cuối năm 2022 NHNN đã nới room tín dụng và BXD đánh giá rất cao động thái này. Mặc dù vậy, quý 4/2022 các DN BĐS gặp nhiều khó khăn.

Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, qua đó thấy rằng các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân, nhiều nhà thầu không thực hiện được dự án. Nhiều DN dừng dự án, cho người lao động nghỉ việc.

Nguồn cung BĐS giảm nhưng tín dụng lại đang tăng là do bên cạnh việc kiểm soát chặt tín dụng thì lâu nay những khó khăn trên thị trường trái phiếu cũng dẫn đến khó khăn cho DN thời gian qua.

Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để khắc phục sửa chữa những chính sách, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới. Về giải pháp làm thế nào tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi, hội nghị ngày hôm nay đã nêu rõ nhiều giải pháp.

Bộ Xây dựng đề nghị không chỉ từ phía các Ngân hàng mà các DN cũng cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay để thực hiện cho đúng. Cần có tài sản đảm bảo, dự án có đủ pháp lý, như thế ngân hàng mới yên tâm giải ngân vì họ cũng phải thực hiện đúng pháp luật.

Các DN cũng nên cơ cấu các sản phẩm kinh doanh, rà soát lại các dự án đảm bảo nguồn lực khả năng thực thi của mình. Đề nghị DN tiếp tục rà soát, bám sát các dự án để thực hiện triển khai hiệu quả hơn.

Mong NHNN chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện hỗ trợ cho DN BĐS vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý.

Thời gian qua các DN đúng là rất khó khăn, đề nghị các ngân hàng làm việc với các DN để cơ cấu lại các khoản nợ xấu, để hỗ trợ các DN vì nếu để nảy sang nợ xấu thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cho DN, khó khăn sẽ tiếp tục khó khăn cho doanh nghiệp.

Thời gian tới mong ngành ngân hàng ưu tiên tập trung tín dụng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho người dân.

- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tổng kết hội nghị: Nếu tín dụng tập trung vào các DN là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro

Hội nghị ngày hôm nay là một trong các chuỗi hội nghị của NHNN về tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau. Trước Tết Nguyên đán, NHNN đã tổ chức hội nghị tín dụng đối với nông sản vùng ĐBSCL.

Mục tiêu hội nghị ngày hôm nay là đánh giá tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, đánh giá khó khăn vướng mắc đối với tín dụng BĐS và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Hội nghị này có nhiều góc nhìn từ nhiều phía nên có những đánh giá đa chiều. Qua các ý kiến của DN và ngân hàng tại hội nghị, Thống đốc cho rằng thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng 70% vướng mắc của thị trường là ở tính pháp lý, bên cạnh đó tín dụng cũng là vướng mắc của thị trường BĐS hiện nay.

Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng tập trung chủ yếu tại: mục đích vay vốn; hệ số rủi ro áp dụng cao hơn đối với các dự án; vướng mắc về room tín dụng; vướng mắc về giá trị tài sản đảm bảo; về room tín dụng; lãi suất;…

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những kiến nghị của các DN và Ngân hàng tại hội nghị đã phản ánh khá đầy đủ dưới góc độ người cho vay và người đi vay. Thống đốc mong muốn các DN chia sẻ với ngành ngân hàng, đồng thời cho biết ngành ngân hàng còn phải cân đối nhiều mục tiêu mà cũng vì mục tiêu chung của nền kinh tế chứ không phải vì mục tiêu của ngành ngân hàng.

Về phía ngân hàng, lãi suất cũng phải hài hòa giữa người gửi tiền và người đi vay. Về tín dụng ngân hàng, mặc dù 3 năm qua rất khó khăn nhưng tăng trưởng tín dụng đều tăng. Đây là cố gắng rất lớn của ngành ngân hàng, trong khi ngành ngân hàng phải cân đối, cung ứng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đòi hỏi từ phía ngân hàng và từ chính các DN. Riêng đối với NHNN, năm 2023 tiếp tục sử dụng công cụ kiểm soát room tín dụng, đảm bảo tín dụng đáp ứng cho nền kinh tế nhưng vẫn phải an toàn hệ thống ngân hàng.

Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu lạm phát tăng cao, theo chỉ đạo ưu tiên của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp. Bản thân NHNN không có room cho BĐS mà chỉ định hướng tín dụng lành mạnh, an toàn.

Việc NHNN kiểm soát rủi ro đối với BĐS hay chứng khoán không phải là tín dụng thuần túy. Có trường hợp DN đủ điều kiện vay vốn nhưng nếu cho vay dài hạn thì Ngân hàng sẽ không đảm bảo an toàn hoạt động.

Việc kiểm soát rủi ro ở đây có nghĩa là kiểm soát rủi ro kỳ hạn. Cần phải phân biệt rủi ro là như thế. Mong các DN BĐS hiểu tại sao ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, là vì rủi ro chênh lệch kỳ hạn.

NHNN chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu thắt chặt tín dụng BĐS. Việc này tùy thuộc vào các ngân hàng thương mại.

Về định hướng năm 2023, NHNN chỉ đạo các chi nhánh, NHTM thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, gần đây nhất là Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, thị trường xăng dầu.

Đối với các TCTD, để góp phần phát triển thị trường BĐS lành mạnh, an toàn, NHNN yêu cầu các TCTD nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa cho vay, giúp các DN trả nợ. Tập trung tín dụng vào các dự án có tính pháp lý, có khả năng khả thi, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo khả năng trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân,…

Thống đốc chỉ đạo các ngân hàng ngồi lại với DN để tìm hiểu những khó khăn cụ thể, không nói chung chung.

Chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà, tăng cường kiểm tra việc cấp tín dụng đối với các DN, tập đoàn, dự án sân sau.

Nếu tín dụng tập trung vào các DN là sân sau với mức độ tập trung lớn sẽ rất rủi ro. Các ngân hàng cần phải quan tâm lưu ý việc này.

Về cho vay ưu đãi NOXH, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại có giải pháp tín dụng phù hợp, kịp thời báo cáo Thống đốc về những khó khăn, vướng mắc; báo cáo các Bộ, ngành địa phương hỗ trợ các DN giải quyết những vướng mắc mang tính pháp lý, thủ tục,… làm thế nào tháo gỡ khó khăn cho DN những vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Đối với các DN BĐS, các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách vĩ mô để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này ảnh hưởng đến DN, đó là sự đánh đổi.

Các DN nước ngoài có một bộ phận theo dõi, phân tích, đánh giá các chính sách vĩ mô để chủ động trong SXKD. Nếu các DN của chúng ta chủ động thì sẽ không dẫn đến bị động trong SXKD.

Tôi biết có doanh nghiệp ngồi đây triển khai cùng lúc 50 dự án liền. Tôi không hiểu DN sẽ giải quyết thế nào khi gặp khó khăn.

Tôi mong muốn DN trong mảng kinh doanh của mình dù lớn hay nhỏ, nhất là những DN phải vay nhiều, cần hết sức chú trọng việc quản trị dòng tiền.

Có thể DN có nhiều dự án giá trị lớn, nhưng khi cần tìen thì bán một dự án đâu có dễ. Không thể có ngay được thanh khoản của dự án, nên DN cần xác định quản trị dòng tiền bài bản, phải có tính dự báo, nhìn xa, chủ động. Chứ còn về huy động, nếu một cá nhân đi vay 10 người, cùng lúc 10 người đòi tiền thì sẽ khó khăn chứ nói gì đến DN.

Thứ ba, bản thân các DN cần có các giải pháp đẩy mạnh, quản trị lại DN để có năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.

Thứ tư, DN phải nâng cao năng lực tài chính, đa dạng hóa nguồn huy động vốn, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng.

Thứ năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nhà ở cho công nhân, nhà ở giá rẻ, NOXH, mong rằng bản thân các DN tích cực tham gia phân khúc này. Bản thân NHNN cũng sẽ ưu tiên tín dụng cho phân khúc này.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhnn-dang-hop-voi-20-doanh-nghiep-bds-lon-nhat-2107980.html