Thống nhất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc thủ tục đối với người qua lại tại các lối thông quan

Sáng 19/6, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức Hội nghị thống nhất đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc thủ tục đối với người qua lại các lối thông quan thuộc tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh. Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP chủ trì hội nghị.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Thiếu tướng Lê Văn Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Dự hội nghị còn có đại biểu các cơ quan như: Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Cục Giám sát quản lý Hải quan, Tổng Cục Hải quan; Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; Cục Bảo vệ thực vật và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức cuộc họp mời các cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan bàn thống nhất về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập cảnh tại các lối thông quan mới được mở trong thời gian qua (Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh; Tân Thanh, Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn).

Các lối thông quan Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh; Tân Thanh, Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn trước đây là các cặp chợ biên giới, được hình thành sau khi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc ký Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước năm 1991; theo đó, Chính phủ hai nước thống nhất giao chính quyền cấp tỉnh hai bên thỏa thuận mở các điểm qua lại chợ biên giới và các chợ biên giới tại các xã, phường, thị trấn biên giới trên dọc tuyến biên giới.

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Sau khi được chính quyền cấp tỉnh biên giới hai nước thống nhất mở, các cặp chợ biên giới nói trên tồn tại hoạt động hàng chục năm qua, từ năm 1992 đến đầu năm 2020. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hai nước tạm dừng hoạt động tại một số cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới để phòng chống dịch. Trước thời điểm diễn ra dịch bệnh, giai đoạn 2014-2019 (chưa có đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa 1088/2-1089), hoạt động xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài diễn ra rất sôi động. Trung bình hàng ngày có khoảng 500 phương tiện xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu này để phục vụ hoạt động qua lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới hai bên. Thực hiện chính sách thương mại biên giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời điểm, như trước năm 2020, cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam là một trong những cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu hàng hóa nông, thủy, hải sản của Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã thống nhất mở chính thức các lối thông quan (phía Trung Quốc gọi là lối mở) Bắc Phong Sinh - Lý Hỏa thuộc cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung; Tân Thanh - Pò Chài, Cốc Nam - Lũng Nghịu thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

Đồng chí Phan Kiều Chung, Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt - Trung, Ủy ban Biên giới Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Đồng chí Phan Kiều Chung, Vụ trưởng Vụ Biên giới Việt - Trung, Ủy ban Biên giới Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Khiêm

Ngày 27/5/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với chính quyền khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức các lôíi thông quan Tân Thanh - Pò Chài, Cốc Nam - Lũng Nghịu.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền: "Lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, vật phẩm hoặc cho các trường hợp qua lại biên giới khác theo thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước láng giềng có chung cửa khẩu".

Như vậy, các lối thông quan trên hiện nay chỉ được dành cho hoạt động vận chuyên hàng hóa, vật phẩm xuất khấu, nhập khấu và các đối tượng phục vụ hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (người điều khiến phương tiện, phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh). Đối với các đối tượng xuất nhập cảnh khác, phải báo cáo Chính phủ để thỏa thuận thống nhất với Chính phủ Trung Quốc.

Đại tá Trương Thị Thu Ba, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh : Duy Khiêm

Đại tá Trương Thị Thu Ba, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh : Duy Khiêm

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thống nhất tìm ra các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đối tượng xuất, nhập cảnh qua các lối thông quan nêu trên, đồng thời phân tích làm rõ hơn cơ sở pháp lý song phương và nội luật cũng như thẩm quyền quyết định cho các đối tượng xuất, nhập cảnh qua lối thông quan…

Kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Phúc giao Cục Cửa khẩu BĐBP tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng để trình Chính phủ quyết định trong thời gian tới một cách sớm nhất.

Duy Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thong-nhat-de-xuat-bien-phap-giai-quyet-vuong-mac-thu-tuc-doi-voi-nguoi-qua-lai-tai-cac-loi-thong-quan-post477173.html