Thông qua Luật Đường bộ, chưa quy định phí giao thông nội đô

UBTVQH cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đường bộ và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Chưa quy định về phí giao thông nội đô

Sáng 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, với 447/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 91,98%), Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ.

Trước khi các ĐBQH bấm nút biểu quyết, trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, về phí giao thông nội đô, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị;

Đồng thời, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

UBTVQH cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Trước đó, ngày 21/5, thảo luận tại Nghị trường về dự thảo Luật Đường bộ, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc phí giao thông nội đô, áp dụng với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định. Việc này một mặt sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.

Mặt khác bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.

"Hiện tại, cả 5 thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được phép quy định các loại phí chưa được quy định trong luật. Một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM đã tiến hành xây dựng các đề án về phí nội đô hay phí kẹt xe. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, ổn định nên việc triển khai áp dụng còn khá dè dặt", bà Thủy cho hay.

Do đó, nếu như luật Đường bộ và luật Phí, lệ phí có quy định chính thức loại phí này, đồng thời, giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi, địa bàn, đối tượng, mức áp dụng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho việc triển khai tại các địa phương, góp phần giải quyết vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn.

Không bổ sung "đường tốc độ cao"

Ngoài ra, về các hành vi bị nghiêm cấm, theo ông Tới có ý kiến đề nghị rà soát quy định của dự thảo Luật để phù hợp và thống nhất với Điều 261 của Bộ luật Hình sự về các hành vi cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ.

UBTVQH đã chỉ đạo rà soát quy định của Bộ luật Hình sự và nhận thấy, Điều 7 dự thảo Luật Đường bộ và Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã thể hiện đầy đủ các hành vi cấu thành “tội cản trở giao thông đường bộ” tại Điều 261 của Bộ luật Hình sự. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ" tại khoản 4. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 4 Điều 7 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Về phân loại đường bộ theo cấp quản lý, ông Tới cho biết có ý kiến đề nghị quy định đầy đủ và chính xác các từ ngữ chỉ cộng đồng dân cư ở điểm d khoản 1 theo từng vùng, miền, như: thôn, buôn, boong, phum, sóc…

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH chỉnh lý, bổ sung điểm d khoản 1 Điều này trên cơ sở sử dụng thống nhất với quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa khoản 1 phù hợp với thực tế và pháp luật có liên quan. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 Điều 8 như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.

Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của từng cấp chính quyền địa phương, trên cơ sở pháp luật hiện hành, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 4 Điều này theo hướng xác định rõ trách nhiệm quản lý đường bộ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc quản lý đối với các loại đường bộ thuộc địa phương quản lý.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Đường bộ.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Đường bộ.

Về cấp kỹ thuật của đường bộ, có ý kiến đề nghị bổ sung đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.

UBTVQH cho hay, để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/h. Tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội không bổ sung cấp đường này trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa quy định điểm c khoản 2 dự thảo thành “đường đô thị” để bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch đô thị và quy chuẩn kỹ thuật liên quan. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm c khoản 2 Điều 10 như dự thảo Luật....

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thong-qua-luat-duong-bo-chua-quy-dinh-phi-giao-thong-noi-do-a670311.html