Thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025

Sáng 21/6, với 448 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Với 448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,99%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Sáng 21/6, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,99 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

Trước đó, trình bày báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tính đến ngày 17/6/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 314 văn bản ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; trong đó có 291 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 23 đại biểu có ý kiến cụ thể.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Điều 23 của Quy chế Tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội đều quy định: Căn cứ chương trình giám sát, Quốc hội ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Do đó, xác định đây là Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề là phù hợp và được đa số các vị đại biểu Quốc hội đồng ý,” Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng lưu ý từ kinh nghiệm triển khai các chuyên đề giám sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay và tại Kỳ họp này, qua phiên chất vấn và các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, có thể thấy nội dung chuyên đề về bảo vệ môi trường nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội.

Báo cáo kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và báo cáo của các cơ quan là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát lựa chọn các cơ quan, địa phương đến giám sát trực tiếp.

“Do đó, để hoạt động giám sát chuyên đề này được triển khai toàn diện, sát với thực tiễn, sự tham gia giám sát của tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cần thiết,” Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nói./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thong-qua-nghi-quyet-thanh-lap-doan-giam-sat-chuyen-de-cua-quoc-hoi-nam-2025-post960302.vnp