Thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng thêm 'phương tiện' mở rộng thị trường
Ngày 7-6, Sở Công Thương Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ xã Sơn Đồng.
Huyện Hoài Đức có 51/53 làng có nghề, bao gồm 12 làng nghề truyền thống, tiêu biểu là làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng có lịch sử tồn tại và phát triển hàng trăm năm.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Sơn Đồng nổi tiếng khắp trong và ngoài nước về tượng, đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối, án gian, cửa võng, sơn son thếp vàng, thếp bạc, phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân và được nhiều khách hàng quốc tế ưa chuộng, đặc biệt là ở các quốc gia có Phật giáo phát triển.
Năm 2007, làng nghề Sơn Đồng được sách Kỷ lục Việt Nam ghi danh “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam". Hiện, làng nghề Sơn Đồng có hơn 4.000 lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ thường xuyên. Nhiều thợ giỏi được tôn vinh, phong tặng danh hiệu nghệ nhân đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Để tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp, phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế, ngày 28-12-2023, Sở Công Thương Hà Nội đã có Quyết định số 717/QĐ-SCT về việc công nhận 10 mô hình cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du dịch xã Sơn Đồng. Trong đó, 4 mô hình đạt 4 sao, 6 mô hình đạt 3 sao.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, việc công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm mỹ nghệ Sơn Đồng góp phần nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm làng nghề. Để mô hình Trung tâm ngày càng phát triển, UBND huyện Hoài Đức đề nghị xã Sơn Đồng tiếp tục tạo điều kiện cho Trung tâm hoạt động, như hỗ trợ bảo đảm cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; truyền thông, kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm; liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước để giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho làng nghề...