Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên!

Trao đổi tại tọa đàm 'Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững' PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên.

Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính

Ngày 25/9, trao đổi tại tọa đàm “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng) nhìn nhận, từ khi có Nghị quyết số 15 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, tính đến hôm nay đã được 16 năm 2 tháng. Thủ đô Hà Nội đã có sự thay da đổi thịt, một cách toàn diện.

 Tọa đàm "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững" tổ chức tại Báo Kinh tế & Đô thị sáng 25/9. Ảnh: KTĐT

Tọa đàm "Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững" tổ chức tại Báo Kinh tế & Đô thị sáng 25/9. Ảnh: KTĐT

Cơ cấu kinh tế thay đổi hoàn toàn: Tỷ lệ thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, tỷ lệ nông nghiệp thu hẹp lại.

"Nếu trước đây, nhắc đến kinh tế Hà Nội là người ta hay nhắc đến cốm Vòng, đào Nhật Tân… thì nay lại nghĩ ngay đến những vùng kinh tế của Thủ đô. Kinh tế phát triển đã góp phần đưa hạ tầng xã hội thay đổi nhanh chóng. Hiện nay, ngay cả những huyện vùng xa như Phúc Thọ, Ba Vì… thì ô tô có thể vào tận cửa", PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

PGS.TS Bùi Thị An cũng nhìn nhận, Thủ đô Hà Nội có những bước tiến xa, vững chắc. Mặc dù vậy, chúng ta chưa thể tự hài lòng với những gì đang có, Thủ đô vẫn phải không ngừng vươn lên.

Cũng tại Tọa đàm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính nhấn mạnh, vào năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô, Hà Nội có diện tích rất nhỏ, chỉ khoảng 130km2, với 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành. Kinh tế Hà Nội lúc đó rất èo uột, chỉ có hơn 1.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

GDP bình quân đầu người lúc đó của Hà Nội cũng rất thấp so với các quốc gia xung quanh, thậm chí còn kém hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ, việc đầu tiên mà Hà Nội làm được là xóa bỏ được nạn mù chữ vào năm 1957, từ đó tạo ra được bước chuyển lớn trong lực lượng lao động cũng như nâng cao ý chí độc lập, tự cường của Thủ đô.

Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, cũng như hậu phương chi viện cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và đồng thời cũng là trung tâm công nghiệp để hỗ trợ phát triển công nghiệp trong cả nước.

Đến năm 1982, Hà Nội về cơ bản đã coi là hồi phục các cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội và có những bước tiến tốt hơn.

Đến năm 1986, Hà Nội đã trở thành trung tâm đổi mới về khoa học công nghệ, cùng với đó là thay đổi về cơ chế quản lý kinh tế giúp Thủ đô Hà Nội vươn lên là một trong những điểm sáng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế của cả nước.

Đến năm 1999, Hà Nội được tổ chức UNESCO vinh danh là TP vì hòa bình và đến năm 2000 thì được vinh danh là Thủ đô anh hùng.

Đến năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trên cơ sở đó, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP Hồ Chí Minh.

 Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ đón khách từ ngày 8/8. Ảnh: Quang Hùng

Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ đón khách từ ngày 8/8. Ảnh: Quang Hùng

Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Trên cơ sở đó, đến năm 2020 trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, kinh tế Hà Nội có bước phát triển cũng rất mạnh mẽ. Vào năm 2022 mặc dù là tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

"Chúng ta cũng hy vọng rằng với đà phát triển trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cũng tại Tọa đàm, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính.

Trước đây, Hà Nội đơn thuần là trung tâm hành chính của cả nước, nhưng ngày nay, với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, cùng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội đã trở thành đầu tàu của cả nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Mô hình kinh tế của Hà Nội có sự thay đổi tích cực, đó là đưa thương mại, dịch vụ, du lịch làm mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện nay, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm GRDP địa phương. Đây là một hướng đi khá đúng đúng đắn.

 Diễu hành Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội, nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2023. Ảnh: Đình Trung

Diễu hành Áo dài kết nối du lịch và di sản Hà Nội, nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9/2023. Ảnh: Đình Trung

Về thương mại, trước kia, Hà Nội chỉ có một số chợ và các hộ bán lẻ nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người dân. Ngày nay, lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn đảm bảo cung ứng phục vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội.

Hà Nội hiện có một hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng nghìn cửa hàng tiện ích, hàng trăm máy bán hàng tự động. Ngoài ra có hàng chục nghìn hộ bán lẻ với hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh.

Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, và đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế).

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỷ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 16% tổng sản phẩm của TP Hà Nội. Trên địa bàn Hà Nội có 9 khu công nghiệp hoạt động (tổng diện tích 1.670,6ha), 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng (diện tích 663,4ha).

Hà Nội đã thu hút khoảng 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó 313 được công nhận là làng nghề truyền thống.

Chia sẻ về vai trò, cũng như đóng góp của Hà Nội trong phát triển kinh tế vùng và cả nước, TS Lê Quốc Phương cho rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hiện, Hà Nội chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

 Thủ đô Hà Nội đã có sự thay da đổi thịt, một cách toàn diện. Ảnh: Quang Hùng

Thủ đô Hà Nội đã có sự thay da đổi thịt, một cách toàn diện. Ảnh: Quang Hùng

Nói về vai trò của Hà Nội, theo TS Lê Quốc Phương, trước hết là vai trò trọng yếu quốc gia. Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế.

Về thế mạnh kinh tế, Hà Nội là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hiện Hà Nội là động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội có vị trí đầu mối giao thông thuận lợi để phát triển giao thông đa dạng (đường bộ, sắt, thủy, hàng không) và kết nối dễ dàng với các tỉnh, TP của vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh phía Bắc, cả nước và quốc tế.

Với việc chuyển dịch thành TP xanh, sạch, thông minh, hiện đại, nếu thành công, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong khu vực và cả nước.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-do-van-phai-khong-ngung-vuon-len-post313872.html