Thu hút nhân tài thì cơ chế nhà ở, thu nhập và đề bạt thế nào?

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng, muốn thu hút, sử dụng và 'giữ chân' nhân lực chất lượng cao thì cần cơ chế, chính sách như nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt...

Sáng nay 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc triển khai hoạt động của đoàn giám sát chuyên đề, việc triển bài bản, khoa học và đã có một báo cáo tương đối tốt. Đặc biệt mô hình các tổ công tác đi nghiên cứu thực tiễn - đây là điều cần phát huy. Dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề được chuẩn bị khá công phu, đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, khảo sát thực tế 10 địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ hơn kết quả thể chế hóa các chủ trương của Đảng từ năm 2021 và trước đó: cái nào đã thành pháp luật, nghị quyết, nghị định, thông tư. Cần thiết có phụ lục kèm theo để thấy rõ cố gắng của Chính phủ.

Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt đại học 95%, Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý: “Đúng là qua thống kê như thế nhưng lâu nay ta vẫn nói với nhau rằng trình độ này không phản ánh đúng thực chất trình độ của đội ngũ cán bộ Việt Nam. Cho nên phải có từ “qua thống kê” thì cơ bản là đúng”.

Phó Chủ tịch Quốc cũng cho rằng cần bổ sung thêm đánh giá hiệu quả của quỹ khuyến học, khuyến tài ở Trung ương và địa phương. Phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương, nông thôn, gia đình làm rất tốt, phải đánh giá được cái này. Cùng với đó chỉ rõ tại sao khối tư nhân, tổ chức, cá nhân làm tốt mà quỹ nhà nước làm chưa tốt.

Do đó, liên quan kiến nghị, giải pháp, ngoài xây dựng quỹ học bổng nhà nước thì cần tiếp tục duy trì quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương, gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cũng đánh giá cao quá trình và kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi quan tâm việc phát huy kết quả giám sát này như thế nào, nhất là các kiến nghị, giải pháp. Kết quả giám sát này sẽ đóng góp quan trọng cho việc ban hành nghị quyết về giáo dục của Trung ương sắp tới và nghị quyết Đại hội XIV ở phần liên quan tới giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, từ kết quả giám sát đặt ra yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phải có sự đổi mới rất mạnh mẽ, sát với thị trường, sát với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

“Chiến lược nguồn nhân lực phải đi theo phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nền kinh tế này đòi hỏi cái gì chúng ta đào tạo cái đó theo chiến lược đó. Từ báo cáo giám sát này, quá trình xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phải sát với yêu cầu đổi mới giáo dục, phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực”, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi

Đề cập vấn đề tự chủ và xã hội hóa, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho rằng “không có nghĩa là để các cơ sở giáo dục tự thu, tự xoay sở. Thậm chí quá trình tự chủ, xã hội hóa thì ngân sách phải đầu tư nhiều hơn nữa với quan niệm đầu tư cho giáo dục, y tế, xã hội. Tự chủ đây là tự quyết chứ không phải tự chủ về ngân sách, tài chính. Xã hội hóa không phải thương mại hóa giáo dục đào tạo mà Nhà nước vẫn phải có đầu tư, thậm chí đầu tư nhiều hơn, năm sau nhiều năm trước, nhưng tỷ lệ, tỷ trọng có thể thấp đi”.

Cần cơ chế chính sách "giữ chân" nhân tài

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ cơ bản nhất trí với kết quả của đoàn giám sát và ý kiến trong báo cáo. Tuy nhiên, quan trọng nhất là làm thế nào để sau đợt giám sát này có được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta chưa có quy định thế nào là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đánh giá trên bằng cấp hay khả năng thực hành, tức trình độ chuyên môn. Vì vậy, cần làm rõ khái niệm và phạm vi của nguồn nhân lực chất lượng cao thì mới đi vào được những vấn đề trọng yếu khác và có giải pháp.

Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để đào tạo và sử dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Đào tạo ở những ngành, lĩnh vực nào trọng điểm như công nghiệp chip, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, AI...

Đối tượng đào tạo chắc chắn phải là những thanh niên ưu tú, sinh viên ưu tú để đưa đi học và quay trở về phục vụ đất nước.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Về hình thức và nguồn lực, Phó Thủ tướng cho rằng Nhà nước không thể đảm nhiệm hết mà phải huy động nguồn lực của xã hội. Các nước khác huy động doanh nghiệp, nhà tài trợ học bổng cho con em ưu tú đi học ở nước ngoài, sau đó quay trở về phục vụ đất nước.

“Nên chăng chúng ta phải có một quỹ về đào tạo và thu hút nhân tài. Những việc này khi Chính phủ nghiên cứu trình thì cần có sự đồng thuận của Quốc hội”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Bên cạnh đó, muốn thu hút, sử dụng được thì phải có cơ chế chính sách cho nhân lực chất lượng cao, như nhà ở, biên chế, thu nhập, sử dụng và đề bạt thế nào. Ví dụ thu hút vào cơ quan Nhà nước thì họ được vào biên chế ngay không hay phải hợp đồng. Những vấn đề này phải cân nhắc.

Theo ông Hồ Đức Phớc, trước mắt, đối với cán bộ công nghệ thông tin ở cấp xã, tỉnh, thậm chí cả cấp bộ, trong cơ quan nhà nước, cần có cơ chế đặc thù, ít nhất như Nghị định 140 về thu hút nhân tài thì mới giữ chân được.

“Trong kết luận giám sát, có thể giao Chính phủ xây dựng đề án về thu hút và sử dụng nhân tài, kể cả trong và ngoài lĩnh vực công. Sau đó Chính phủ sẽ trình Quốc hội để có cơ chế chính sách. Có như vậy chúng ta mới có được nguồn nhân lực làm chủ khoa học công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế năng suất lao động cao, sử dụng công nghệ cao và kinh tế số”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu ý kiến.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/thu-hut-nhan-tai-thi-co-che-nha-o-thu-nhap-va-de-bat-the-nao-post1213672.vov