Thu hút vốn FDI tăng mạnh: Củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta tiếp tục tăng trưởng tích cực. Điều này củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư Việt Nam.
Vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024.
Cụ thể, có 1.204 dự án đầu tư mới (tăng 14,1% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,59 tỷ USD (giảm 23,8% so với cùng kỳ). Có 540 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 44,4% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 6,4 tỷ USD (gấp gần 3,9 lần cùng kỳ).
Về góp vốn, mua cổ phần, có 1.106 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tăng 8,3% so với cùng kỳ), với tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,83 tỷ USD (gấp gần 2,1 lần cùng kỳ).

Bức tranh vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2025. Nguồn: MOF
Lũy kế đến hết tháng 4/2025, cả nước có 43.020 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 513,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 329,3 tỷ USD, bằng gần 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 315,8 tỷ USD (chiếm 61,5% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 76,4 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 42,1 tỷ USD (chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư).
Có 150 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 93,2 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 85,6 tỷ USD (chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư).
Xét theo địa bàn, đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài với hơn 59,4 tỷ USD (chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là TP. Hà Nội với gần 44,2 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư); Bình Dương với gần 42,8 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).
Củng cố niềm tin của nhà đầu tư
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vốn đầu tư điều chỉnh (gấp gần 3,9 lần) và góp vốn mua cổ phần (gấp gần 2,1 lần) cùng kỳ đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới.

Số lượng nhà đầu tư vào Việt Nam đến từ châu Á như: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế.
Diễn biến số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, khi không chỉ đến đầu tư mới, mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, những tín hiệu khởi sắc của dòng vốn FDI đến từ một số thị trường nhỏ hơn, thể hiện tính đa dạng hóa của dòng vốn FDI. Các địa phương có năng lực thu hút tốt tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả về số lượng và quy mô dự án.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút FDI thời gian tới, Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Rà soát, triển khai thực hiện Nghị định số 182/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; tiếp tục nhân rộng cơ chế Tổ công tác làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược và triển khai hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư để thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao...
Cùng với đó là tập trung hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9; tập trung hoàn thiện báo cáo thẩm định Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo đúng thời hạn được giao...