Thu lợi nhuận cao từ mô hình sản xuất khung giường gấp

Phát triển kinh tế nhờ nghề gia công và đan giường gấp, nhưng bằng sự nhạy bén với thị trường đã thôi thúc anh Trần Văn Bảy, thôn Yên Trù, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường mạnh dạn chuyển hướng sang mô hình sản xuất cơ khí, gò hàn khung giường gấp. Từ mô hình mới này đã giúp gia đình anh không những giảm bớt các công đoạn trong khâu sản xuất mà còn tiết kiệm chi phí thuê nhân công, đem đến lợi nhuận “khủng” hơn so với nghề trước đây.

Anh Trần Văn Bảy đầu tư nhiều máy cơ khí hiện đại để sản xuất khung giường gấp. Ảnh: Trường Khanh

Anh Trần Văn Bảy đầu tư nhiều máy cơ khí hiện đại để sản xuất khung giường gấp. Ảnh: Trường Khanh

Năm 2011, khi nghề gia công, sản xuất giường xếp bắt đầu hình thành và phát triển ở thôn Yên Trù, anh Bảy đã mày mò tự học hỏi kinh nghiệm làm nghề, vay vốn mở xưởng sản xuất, thuê nhân công làm sản phẩm giường gấp bán ra thị trường.

Làm lâu thành quen, khi đã nắm chắc kinh nghiệm trong tay, dần dần xưởng sản xuất của gia đình anh ngày một phát triển, tạo việc làm cho khoảng 40 - 50 lao động địa phương, thời điểm nhiều nhất số lao động lên tới 80 nhân công với mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu trung bình từ xưởng sản xuất của gia đình anh đạt khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

Với ý chí và nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngại khó, ngại khổ, lại có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, sau gần 10 năm mở xưởng sản xuất, anh Bảy nhận thấy nghề sản xuất, gia công giường gấp ở địa phương đang trên đà phát triển, có nhiều sự cạnh tranh trong thị phần cung ứng sản phẩm.

Hơn nữa, nhu cầu mua khung sắt để làm giường ngày càng nhiều và nhận thấy ở địa phương chưa có cơ sở nào sản xuất mặt hàng này, khiến cho việc nhập nguyên liệu đầu vào để ra thành phẩm của người dân gặp nhiều bất tiện, tốn chi phí.

Cũng từ đó, sau khi tìm tòi và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, tháng 11/2021, anh Bảy quyết định đầu tư máy móc thiết bị gồm máy cắt, dập, uốn sắt; máy khoan, máy hàn điện hiện đại với số tiền hơn 2 tỷ đồng để chuyển đổi sang mô hình sản xuất cơ khí, gò hàn. Trong đó, mặt hàng chủ yếu sản xuất là khung giường gấp phục vụ các hộ dân sản xuất giường gấp ở địa phương cũng như các nơi lân cận.

Chia sẻ về chặng đường vừa qua, anh Bảy cho biết: “Thời gian đầu mới chuyển đổi mô hình, công việc của tôi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm tìm nguồn nhập nguyên vật liệu làm khuôn (tôn cuộn, ống thép, hộp thép), kinh nghiệm quản lý và vận hành máy móc còn hạn chế.

Tôi đã phải thuê riêng 1 nhân viên phụ trách xử lý kỹ thuật, cũng như lặn lội đến nhiều công ty sắt thép để tìm nguồn hàng chất lượng có giá thành hợp lý. Cùng với đó, tôi sửa sang, cơi nới nhà xưởng thành 600m2 để đảm bảo xưởng sản xuất có diện tích rộng rãi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, làm kho chứa thành phẩm”.

Đến nay, sau gần 1 năm chuyển đổi mô hình sản xuất, việc vận hành máy móc đi vào ổn định, hiệu quả hoạt động của nhà xưởng đã cho những kết quả đáng mừng. So với trước đây, mô hình này giúp anh Bảy tiết kiệm nhân công, giảm bớt đầu việc cho gia đình, thêm vào đó, cơ sở sản xuất của anh là nguồn cung ứng nguyên liệu chính, tiện lợi cho người dân, thay vì trước kia phải nhập hàng ở xa, tốn thời gian, mất nhiều chi phí vận chuyển.

Hiện tại, nhà xưởng đang tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, và một số lao động thời vụ với mức thu nhập từ 8-9 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất ra khoảng 200 khung sản phẩm. Với giá bán 120 nghìn đồng/khung giường gấp, bình quân mỗi tháng gia đình anh Bảy thu về hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ nhiệt tình, chịu khó và nhạy bén trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, anh Bảy luôn đặt uy tín, chất lượng lên hàng đầu. Vì thế, xưởng cơ khí của anh đã được nhiều người biết đến, tạo niềm tin và khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/83080/thu-loi-nhuan-cao-tu-mo-hinh-san-xuat-khung-giuong-gap.html