Thu ngân sách của ngành Hải quan đối diện với thách thức mới

Tác động của kinh tế thế giới cũng như những cam kết cắt giảm thuế quan đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung và số thu ngân sách nhà nước năm 2023 của ngành Hải quan nói riêng.

Nhiều yếu tố khách quan

Thông thường những tháng cuối năm là cao điểm của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) và số thu thuế của ngành Hải quan đạt cao nhất cả năm. Thế nhưng năm 2022, số thu 6 tháng cuối năm lại giảm đáng kể (khoảng 7%) so với đầu năm. Nhiều ngành hàng nhập khẩu chủ lực, nhất là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu đều giảm mạnh, không có đơn hàng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng… Cùng đà đó, với nhiều yếu tố khách quan khác, dự báo năm 2023, thu thuế từ hoạt động XNK có thể giảm so với những năm trước.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều ngành hàng đang bị sụt giảm đơn hàng, thị trường mua của nhiều loại hàng hóa XK của Việt Nam có xu hướng chững lại. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4 - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính), nguyên nhân của sự sụt giảm đơn hàng được cho là chủ yếu đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ cũng như toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư (đặc biệt là đầu tư lĩnh vực bất động sản trên toàn cầu) giảm mạnh. Thứ hai, xu hướng ngày càng gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt từ phía Mỹ, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường.

Đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm sẽ tác động trực tiếp đến nguồn thu của ngành Hải quan. Ảnh: Hồng Vân

Đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm sẽ tác động trực tiếp đến nguồn thu của ngành Hải quan. Ảnh: Hồng Vân

Ông Đoàn Mạnh Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội (Cục Hải quan Hà Nội) chia sẻ, làm việc với một số doanh nghiệp ghi nhận rằng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ đều giảm trong năm 2023, thậm chí một số doanh nghiệp cắt giảm 30 - 50% cùng với cho lao động nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên vì không có đơn hàng mới.

Một thách thức lớn nữa là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành 16 biểu thuế XK, NK ưu đãi để thực hiện 16 FTA trong giai đoạn 2022 - 2027. Như vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng NK có thuế suất cao sẽ bị cắt giảm thuế và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau.

Ngoài ra, việc nhập khẩu than chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng thu ngân sách. Song, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện cũng giảm sử dụng than mà chuyển sang điện năng lượng mặt trời, điện gió. Xung đột Nga - Ukraina khiến việc sản xuất, các đơn hàng của doanh nghiệp thời gian tới bị ảnh hưởng trực tiếp… cũng là những vấn đề sẽ tác động trực tiếp đến số thu của ngành Hải quan trong thời gian tới.

Tiếp tục tạo thuận lợi tối đa

Để đối diện với những thách thức này, theo bà Lê Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan), lãnh đạo tổng cục đã quán triệt các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Trong đó, giải pháp đầu tiên là tích cực triển khai đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền, chính sách thuế, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho DN; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng để thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7 đảm bảo người nộp thuế có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Đồng thời, ngành Hải quan tập trung rà soát các mặt hàng NK có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan; rà soát, kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong phân loại hàng hóa, xác định trị giá hay xuất xứ của hàng hóa, từ đó áp dụng các biện pháp truy thu, ấn định thuế; tập trung phân tích, xác định dấu hiệu nghi vấn, chú trọng các trường hợp hàng hóa NK để tạo tài sản cố định của các dự án ưu đãi đầu tư, hàng hóa miễn thuế nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách được giao.

Dự toán thu xuất nhập khẩu năm 2023 là 425.000 tỷ đồng

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 Quốc hội giao cho Tổng cục Hải quan là 425.000 tỷ đồng. Dự toán này xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 8 - 9%, kim ngạch nhập khẩu tăng từ 7 - 8%.

Chỉ đạo về công tác này vào dịp đầu năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cũng nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc công tác quản lý thu; tăng cường rà soát, nắm chắc nguồn thu; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách nhà nước.

Đồng thời, toàn ngành tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của DN, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2023 cao hơn thời điểm 31/12/2022.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-cua-nganh-hai-quan-doi-dien-voi-thach-thuc-moi-121138.html