Thử nghiệm công cụ 'tài chính carbon' ở châu Á

Tại tỉnh Batangas của Philippines, cách Manila 100 km về phía Nam, một nhà máy nhiệt điện than công suất 246 MW trở thành trung tâm của một thử nghiệm tài chính táo bạo, có thể mở ra một hình thức tài chính khí hậu mới.

Tháng 11/2022, công ty dịch vụ công cộng địa phương ACEN, thuộc Tập đoàn Ayala, đã bán nhà máy nhiệt than SLTEC cho một nhóm các nhà đầu tư do Hệ thống Dịch vụ Bảo hiểm Chính phủ Philippines (GSIS) và công ty bảo hiểm địa phương Insular Life Assurance đứng đầu. Họ cam kết sẽ dỡ bỏ nhà máy này vào năm 2040, cắt giảm thời gian hoạt động của nhà máy xuống khoảng 15 năm. ACEN vẫn tiếp tục điều hành nhà máy này nhưng đã nhận được 7,2 tỷ peso (128,8 triệu USD) từ việc bán nhà máy để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo của riêng mình.

Các đại diện của Quỹ Rockefeller, tập đoàn ACEN và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore tại lễ ký kết dự án thí điểm tại COP28.

Các đại diện của Quỹ Rockefeller, tập đoàn ACEN và Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore tại lễ ký kết dự án thí điểm tại COP28.

Với mục tiêu đóng cửa nhà máy sớm hơn 10 năm nữa, các chủ sở hữu mới đang tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng bồi thường cho họ khoản doanh thu bị mất mà nhà máy nhiệt điện than này lẽ ra sẽ tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến năm 2040. Nỗ lực này là một phần của sáng kiến do Quỹ Rockefeller dẫn đầu và có sự tham gia của Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS tức Ngân hàng Trung ương), nhằm mục đích sử dụng nguồn vốn thu được thông qua tài trợ carbon để tạo điều kiện cho việc ngừng hoạt động sớm và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh Batangas. Nếu thành công, sáng kiến này sẽ tạo tiền lệ toàn cầu.

Rajiv J. Shah, Chủ tịch Quỹ Rockefeller, cho biết: “Để ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện than, tránh lượng khí thải do nhà máy đó tạo ra và tạo việc làm, chúng ta cần có các biện pháp khuyến khích phù hợp cho chủ sở hữu tài sản và cộng đồng cũng như huy động thêm tài chính. Thỏa thuận này sẽ thí điểm phương pháp tài chính khí hậu mới ở Philippines, một bước quan trọng nhằm phá vỡ sự phụ thuộc quá mức vào than và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”.

Được công bố vào tháng trước trong Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Dubai, dự án thí điểm này hứa hẹn sẽ xác định lại những kỳ vọng về vai trò của tín chỉ carbon trong việc cung cấp 5.000 tỷ USD tài chính khí hậu, số tiền mà các chuyên gia cho rằng cần đầu tư mỗi năm trên toàn cầu để triển khai các biện pháp chống biến đổi khí hậu từ nay cho đến năm 2030.

Dự án này cũng đặt châu Á vào vị trí tuyến đầu trong nỗ lực phát triển thị trường carbon quốc tế chất lượng cao. Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết họ sẽ triển khai quỹ 100 triệu USD để cung cấp vốn xúc tác cho các dự án khử cacbon thông qua việc mua tín chỉ carbon.

Một loạt các động thái báo hiệu sự thừa nhận rằng thị trường carbon xuyên biên giới có thể là một công cụ quan trọng để khử cacbon trong khu vực. Kế hoạch Tăng tốc chuyển đổi năng lượng (ETA), một dự án chung được Bộ Ngoại giao Mỹ, Quỹ Rockefeller và Quỹ Bezos Earth khởi xướng vào năm ngoái, cũng nhằm mục đích sử dụng tín chỉ carbon để huy động vốn cho các dự án khử cacbon. Các đối tác liên quan đặt mục tiêu huy động tới 207 tỷ USD cho việc chuyển đổi năng lượng vào năm 2035. Các công ty lớn của Mỹ, bao gồm Bank of America - một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ, McDonald's và PepsiCo đã ký một bức thư bày tỏ sự quan tâm vào tháng 12/2023 để báo hiệu ý định hỗ trợ dự án, có thể bằng việc mua tín chỉ carbon thông qua khuôn khổ ETA.

Một số quốc gia đã đạt được thỏa thuận tín chỉ carbon song phương tại COP28. Singapore hoạt động đặc biệt tích cực trong lĩnh vực này, đạt được thỏa thuận với Costa Rica, Fiji, Rwanda và Papua New Guinea. Trên thực tế, Singapore đã theo bước Nhật Bản, quốc gia đã thiết lập quan hệ đối tác với 28 nước khác kể từ năm 2013 trong khuôn khổ Cơ chế Tín dụng chung - cơ chế cung cấp tài chính cho các dự án giảm hoặc loại bỏ khí thải để đổi lấy tín chỉ carbon.

Do cơ chế carbon toàn cầu do Liên hợp quốc giám sát còn ít nhất 1 năm nữa mới ra mắt, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải tiếp tục phát triển các khuôn khổ giao dịch carbon khác. Điều này đặc biệt quan trọng với châu Á, vì số tiền cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch của khu vực này là quá lớn để bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình làm được. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế ước tính rằng các quốc gia Đông Nam Á sẽ cần 5.000 tỷ USD để chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho đến năm 2050.

Tất nhiên, còn nhiều việc phải làm để thiết lập các công cụ tài chính carbon mới và xây dựng niềm tin đối với các công cụ này. Nhưng bây giờ động lực thực sự đó đang được xây dựng và châu Á phải tiếp tục duy trì. Đó là lý do tại sao số phận của nhà máy điện Batangas lại quan trọng đến vậy. Nếu ACEN và các đối tác có thể chứng minh rằng thị trường carbon có khả năng cung cấp nguồn tài chính cần thiết để đóng cửa một nhà máy nhiệt than lớn, các chính phủ khác và những bên tham gia của khu vực tư nhân có thể tìm cách nhân rộng ý tưởng này để đáp ứng các mục tiêu khử cacbon của riêng họ.

Điều đó sẽ giúp tạo ra một thị trường quốc tế về tài chính carbon, trong đó châu Á là trung tâm phát triển các tiêu chuẩn toàn cầu và các mô hình tài chính đổi mới. Quan trọng hơn, nó sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của khu vực và giúp các mục tiêu về khí hậu của Thỏa thuận Paris nằm trong tầm với.

Khánh An (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thu-nghiem-cong-cu-tai-chinh-carbon-o-chau-a-i721645/