Thử nghiệm khoa học tái hiện hành trình di cư 30.000 năm trước

Không la bàn, không GPS, không động cơ, chỉ có xuồng gỗ. Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã lên đường vượt đại dương để tìm hiểu xem người thời đồ đá cũ vượt biển như thế nào.

Lộ trình của xuồng vào ban ngày (màu đỏ) và ban đêm (màu xanh). Ảnh: Đại học Tokyo

Lộ trình của xuồng vào ban ngày (màu đỏ) và ban đêm (màu xanh). Ảnh: Đại học Tokyo

Khi đang khai quật tại một địa điểm khảo cổ trên quần đảo Okinawa, Nhật Bản, tiến sĩ Yousuke Kaifu, nhà nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Tokyo, bắt đầu tự hỏi: Bằng cách nào mà con người thời đồ đá cũ, với công nghệ thô sơ, lại có thể đến được những hòn đảo xa xôi như Yonaguni, cách đất liền gần 200km?

Câu hỏi đó dẫn đến một kế hoạch đầy mạo hiểm: tái hiện hành trình vượt biển từ Đài Loan đến đảo Yonaguni bằng một chiếc xuồng gỗ tự chế, mô phỏng điều kiện kỹ thuật có thể có từ hơn 30.000 năm trước.

Những người chèo thuyền ngồi trên bè bó lau sậy. Nhóm đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau trước khi quyết định chọn gỗ tuyết tùng Nhật Bản. Ảnh: Đại học Tokyo

Những người chèo thuyền ngồi trên bè bó lau sậy. Nhóm đã thử nghiệm nhiều loại vật liệu khác nhau trước khi quyết định chọn gỗ tuyết tùng Nhật Bản. Ảnh: Đại học Tokyo

45 giờ lênh đênh trên biển rộng

Yonaguni là đảo gần nhất trong quần đảo Ryukyu của Nhật Bản, nhưng để đến được đây từ Đài Loan, nhóm nghiên cứu phải vượt qua dòng hải lưu Kuroshio, một trong những dòng hải lưu mạnh nhất thế giới.

“Chúng tôi từng thử đóng bè bằng sậy, bằng tre, nhưng tất cả đều thất bại vì không thể thắng được sức nước,” tiến sĩ Kaifu cho biết.

Cuối cùng, nhóm sử dụng gỗ tuyết tùng Nhật Bản để đẽo một chiếc xuồng độc mộc “Sugime”, có thể chịu được sức nặng của năm người và lực cản của đại dương.

Họ lựa chọn điểm xuất phát là vịnh Wushibi (Đài Loan), và dựa vào kiến thức thiên văn, kỹ năng theo sóng, cùng niềm tin của tổ tiên để tìm đến một hòn đảo không thể nhìn thấy từ bờ biển.

Chuyến đi kéo dài 45 giờ giữa biển động, bầu trời u ám và các cơn sóng. Không GPS, không bản đồ số, nhóm buộc phải dựa vào các kỹ thuật định hướng cổ xưa như quan sát hướng sóng, cách mà tổ tiên người Polynesia từng dùng.

"Chúng tôi bị chuột rút, mệt mỏi đến kiệt sức và thậm chí bắt đầu thấy ảo giác. Chỉ có nước, mây và bầu trời. Mọi cảm giác về phương hướng dường như biến mất”, ông Kaifu chia sẻ.

Theo ông, khoảnh khắc đáng nhớ nhất không phải là khi nhìn thấy ngọn hải đăng Yonaguni vào ban đêm, mà là lúc bình minh lên, những đám mây phía chân trời đột nhiên khác thường. “Chúng tôi biết rằng có một thứ gì đó bên dưới những đám mây đó. Và đó chính là Yonaguni. Cảm giác giống như một người cổ đại đã "đọc" được biển cả”, vị tiến sĩ hào hứng chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm chiếc bè tre mà họ làm vào năm 2017. Ảnh: Đại học Tokyo

Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm chiếc bè tre mà họ làm vào năm 2017. Ảnh: Đại học Tokyo

Một hành trình "không hoàn hảo", nhưng khả thi

Chuyến đi của Kaifu và các đồng đội được thực hiện năm 2019 với sự hỗ trợ của các bảo tàng và cộng đồng gây quỹ, đã chứng minh rằng việc vượt biển bằng công nghệ thời đồ đá cũ là có thể, dù đầy rủi ro. Gần đây, họ công bố hai nghiên cứu và một phim tài liệu 90 phút về hành trình này.

Báo cáo nhấn mạnh quan điểm cho rằng người thời đồ đá cũ "kém phát triển" vì công nghệ thô sơ là một định kiến phổ biến. Trái lại, chính những thử nghiệm thực tế của nhóm cho thấy họ có thể đạt được những kỳ tích vượt đại dương bằng phương tiện thô sơ đó.

Dù có nhiều bằng chứng khảo cổ, quá trình di cư sớm của con người vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Giới khoa học cho rằng loài người hiện đại bắt đầu mở rộng ra toàn cầu thông qua các hành trình hàng hải quy mô lớn cách đây ít nhất 50.000 năm.

Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2017 tại miền bắc Australia cho thấy hoạt động này có thể đã bắt đầu sớm hơn từ 15.000 đến 30.000 năm.

Tiến sĩ Kaifu nói thêm: “Chúng tôi, các nhà khảo cổ, thường vẽ một đường mảnh trên bản đồ để mô tả cuộc di cư. Nhưng mỗi đường vẽ là cả một câu chuyện. Và tôi muốn biết câu chuyện thực sự phía sau những cuộc vượt đại dương đó.”

NGHIÊM THANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/thu-nghiem-khoa-hoc-tai-hien-hanh-trinh-di-cu-30000-nam-truoc-149139.html