Thu nhập cao nhờ sản xuất trong nhà màng
Sản xuất trong nhà màng tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Vì vậy, diện tích sản xuất trong nhà màng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không ngừng được mở rộng.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra bước đột phá quan trọng. Không chỉ làm ra sản phẩm sạch, mô hình sản xuất trong nhà màng còn giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
Thay đổi sản xuất
Nông nghiệp công nghệ cao đã trở thành khái niệm quen thuộc với người dân ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc). Những mô hình nhà màng nối tiếp nhau mọc lên không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đây cũng là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất tỉnh với hơn 72.500m2 nhà màng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà màng trồng dưa lưới sắp cho thu hoạch, ông Trần Văn Quang ở thôn Nam Cầu, chủ nhà màng chia sẻ: “Dưa lưới đang là cây trồng hiệu quả nhất. Mỗi vụ trồng dưa lưới kéo dài khoảng 2,5 tháng; với giá bán ổn định 30.000 đồng/kg như hiện nay, chúng tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng/sào. Với diện tích 7.200m2 nhà màng, 1 năm trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ dưa chuột, dự kiến năm nay tôi có thể thu lãi hơn 1 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với sản xuất ngoài đồng ruộng”.
Mô hình nhà màng của ông Quang chỉ là một trong số ít những nhà màng ở xã Phạm Trấn. Vẫn là đồng đất ấy nhưng với những thay đổi trong sản xuất đã giúp nông nghiệp địa phương có nhiều đột phá để đất “nhả vàng". Không chỉ tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, mô hình này còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Trồng hoa, cây cảnh cũng là một trong những hướng sản xuất hiệu quả trong nhà màng. Biết được ưu điểm của sản xuất nhà màng, ông Trần Văn Dư ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) đã xây dựng 4 nhà màng với tổng diện tích gần 1.000 m2 để chuyên trồng hoa cúc và hoa đồng tiền trái vụ, cho giá trị kinh tế cao hơn. Vào vụ Tết, mỗi khóm hoa đồng tiền ông bán với giá 100.000 đồng, cao gấp đôi so với sản xuất bên ngoài. “Trồng hoa lo nhất là thời tiết nhưng trồng hoa trong nhà màng thì yên tâm, dù mưa lớn cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của hoa, tỷ lệ cây sống cao”, ông Dư chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021 giá trị sản xuất trong nhà màng, nhà lưới của tỉnh đạt từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Ưu điểm lớn nhất của sản xuất nông nghiệp trong nhà màng là không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. So với trồng bên ngoài, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi trồng trong nhà màng giảm khoảng 70% và chủ yếu dùng thuốc bệnh ít độc hại với môi trường.
Nhân rộng mô hình
Mô hình nhà màng có thể sản xuất được từ 3 - 4 vụ/năm, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp nhiều lần so với phương pháp canh tác truyền thống. Sản phẩm được tạo ra an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và đủ điều kiện để xuất khẩu. Giá trị sản xuất gia tăng, đời sống người dân trong vùng được cải thiện. Biết được ưu điểm này, những năm gần đây diện tích nhà màng trên địa bàn tỉnh không ngừng được nhân rộng. Để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng hỗ trợ 100.000 đồng/m2 để xây dựng nhà màng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đầu năm 2022, ông Phạm Văn Quyện ở thôn Ô Xuyên, xã Cổ Bì (Bình Giang) xây dựng hơn 1.500m2 nhà màng để trồng dưa lưới và dưa chuột với chi phí đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng. Theo ông Quyện, mặc dù đầu tư cao, kỹ thuật đòi hỏi phức tạp nhưng bù lại thu được lợi nhuận lớn. Hiện dưa lưới đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 4,5 tấn. Với giá bán 30.000 đồng/kg như hiện nay, ông Quyện thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết: “Mô hình nhà kính, nhà màng được triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong đầu tư sản xuất. Do vậy, huyện đang khuyến khích các hộ tiếp tục mở rộng và phát triển thêm các khu nhà màng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập trên đồng ruộng”.
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có hơn 28 ha nhà màng, nhà lưới, tập trung nhiều ở các huyện Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Thanh Hà và TP Hải Dương. Năm 2022, tỉnh có kế hoạch hỗ trợ xây dựng 20.000 m2 nhà màng theo Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Toàn bộ diện tích nhà màng, nhà lưới được xây dựng kết hợp hệ thống giám sát, tưới nước và bón phân tự động, giúp tiết kiệm nước và tăng hiệu quả sử dụng phân bón so với canh tác theo phương pháp truyền thống. Thành công của những mô hình nhà màng này sẽ là động lực để người dân trong vùng học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.