Thử nhìn... Chuyện Mình

Nghệ thuật luôn tồn tại ở trạng thái lưỡng thể: Trong riêng có chung. Trong chung có riêng. Một trong tất cả. Tất cả trong một. Thử nhìn qua triển lãm 'Chuyện Mình' sẽ thấy, từ câu chuyện rất riêng của họa sĩ Đoàn Đức Hùng đã trở thành câu chuyện chung của mọi người. Bởi không chỉ kể chuyện riêng của mình, họa sĩ Đoàn Đức Hùng kể những câu chuyện của cõi người.

Tranh của họa sĩ Đoàn Đức Hùng.

Tranh của họa sĩ Đoàn Đức Hùng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương - người dám tuyển triển lãm "Chuyện Mình", triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Đoàn Đức Hùng (hội viên Hội Mỹ thuật TP Hải Phòng), đang trưng bày tại Ana Mandara Villas Dalat (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) nhận xét rằng, họa sĩ Đoàn Đức Hùng chỉ kể câu chuyện của riêng mình: chuyện gia đình, chuyện vợ con, ngôi nhà, hàng xóm... Ngoài ra, anh còn kể chuyện nghề, chuyện đời, xưởng họa và những bức chân dung tự họa thấp thoáng buồn vui, cùng những gương mặt người quen thân, người mẫu...

Kể chuyện của mình nên chẳng việc gì phải nói to, nói oang oang, nói át cả thiên hạ. Trầm ấm là tạng người, cũng là cách kể chuyện của họa sĩ Đoàn Đức Hùng. Cứ ngắm kỹ kích thước những bức tranh và những câu chuyện anh kể trong đấy thì rõ: nhỏ nhẹ, rủ rỉ, nha nhẩn như thể những lời tâm tình của những người bạn, người tâm giao ngồi bên nhau giãi bày, sẻ chia, tin cậy.

Tất nhiên, nghệ thuật không câu nệ việc nói nhỏ hay nói to, tranh khổ lớn hay tranh khổ bé, đề tài hoành tráng hay đề tài khiêm hạ, chất liệu màu nước hay sơn dầu, sơn mài..., cái cốt tử của nó vẫn là phải nói lên được hoặc kể ra được câu chuyện có bản sắc riêng, mang dấu ấn cá nhân người nghệ sĩ. Nghệ thuật cố nhiên là thế, lớn - nhỏ chẳng quan trọng, miễn rằng nó chạm được trái tim của một người, chắc chắn nó sẽ đến được lòng nhiều người. Riêng mà không đơn lẻ. Một mà không duy nhất. Qua gần 80 bức tranh sơn dầu khổ vừa và nhỏ của họa sĩ Đoàn Đức Hùng, chúng ta thấy đó không hẳn chỉ là câu chuyện riêng của anh mà còn là câu chuyện nhân sinh, câu chuyện mỹ học, câu chuyện kỹ thuật hội họa. Một điều nữa không thể không nói thêm, đó là chất liệu sơn dầu - phương tiện được họa sĩ Đoàn Đức Hùng chọn, để kể những câu chuyện trong cõi người, về cõi người. Trong tay anh, sơn dầu tỏ rõ sự đắc dụng: gồ ghề, tung tẩy, mạnh bạo, cả quyết... Họa sĩ Đoàn Đức Hùng không vẽ tranh theo lối tỉa tót, vờn dụ, ngâm ngợi. Anh cũng không quá nệ hình, không gò ép vào khối, mảng màu lại càng không phụ thuộc bởi quy tắc nào, bố cục thì tùy hứng, bất chợt. Do vậy, tranh của họa sĩ Đoàn Đức Hùng không hề có khái niệm đúng hình, cả luật viễn cận cũng không nốt. Nhưng bù lại tranh anh no đầy cảm xúc. Chúng ta có thể thấy điều này, qua những vệt cọ đẫm sơn trôi nhanh trên mặt toan, những nhát bút phóng khoáng theo đà cảm xúc và cả tốc độ vung của cọ trong rất nhiều bức tranh của họa sĩ Đoàn Đức Hùng.

Ấy là cách anh kể chuyện về mình, đồng thời cũng là cách họa sĩ Đoàn Đức Hùng đến với mọi người bằng tác phẩm mỹ thuật.

Trịnh Chu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/thu-nhin-chuyen-minh-post282845.html