Thư pháp - Cầu nối phát triển văn hóa

Việt Nam và Nhật Bản có nền văn hóa coi chữ viết như cách thức thể hiện tâm hồn.

Aoyagi Bisen cùng 3 tác phẩm 'Nhân', 'Hiếu' và 'Đồng sáng tạo'. Ảnh: The Japan Foundation Center for Cultural Exchange in Vietnam.

Aoyagi Bisen cùng 3 tác phẩm 'Nhân', 'Hiếu' và 'Đồng sáng tạo'. Ảnh: The Japan Foundation Center for Cultural Exchange in Vietnam.

Sự kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp Nhật Bản và tục xin chữ đầu năm của người Việt đã đem tới những tác phẩm đầy ý nghĩa và đậm chất nghệ thuật. Đồng thời, các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia còn là cầu nối góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Nét văn hóa truyền thống

“Mỗi năm hoa đào nở. Lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ. Bên phố đông người qua”… Những câu thơ ấy của nhà thơ Vũ Đình Liên đã khắc sâu trong ký ức của bao thế hệ người Việt. Nó cũng gợi nhắc đến một phong tục truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, được duy trì từ xa xưa cho đến hiện tại, đó là xin chữ đầu năm.

Đây được coi là nét đẹp không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về, là biểu tượng cho sự khởi đầu và những ước vọng tốt đẹp cho năm mới. Mỗi một con chữ được viết trên giấy đều thể hiện niềm mong ước của người xin trong năm mới. Có người mong cầu sự bình an, may mắn, lại có người mong muốn thành công trên đường công danh, tài lộc.

Thời xưa, để xin được chữ thì người xin cần chuẩn bị một phần lễ nhỏ, thành tâm đến nhà thầy đồ. Người cho chữ hay còn gọi là ông đồ cũng phải giữ được sự trang nghiêm, đặc biệt chỉ cho chữ những người coi trọng con chữ, chứ không cho những kẻ “thích học đòi làm sang”.

Trong không khí hân hoan của mùa Xuân, hình ảnh ông đồ với chiếc bút lông, mực tàu, giấy đỏ luôn gắn liền với sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, là một phần không thể thiếu trong ngày Tết.

Ngày nay, với sự phổ biến của việc cho chữ và xin chữ, việc xin chữ đã trở nên dễ dàng ở các ngôi chùa, đền, miếu… Người dân hay du khách không chỉ đến để xin chữ, mà còn thưởng thức nghệ thuật thư pháp và hòa mình vào không khí xuân tươi vui.

Đặc biệt, các ông đồ trẻ tuổi xuất hiện nhiều hơn, mang đến những nét chữ hiện đại, kết hợp giữa truyền thống và sự sáng tạo mới mẻ, phù hợp với nhu cầu của thế hệ trẻ.

Tại Hà Nội, nhắc đến xin chữ, người ta sẽ nhớ ngay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những năm gần đây, khu vực Hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành không gian chính cho các hoạt động cho chữ, xin chữ. Không gian nơi đây được bài trí mang không khí Tết đậm chất văn hóa, nơi những nét chữ được viết ra không chỉ để cầu may, mà còn thể hiện tinh thần yêu thích văn hóa, nghệ thuật của người dân.

Ở TPHCM, mỗi dịp Tết đến, mọi người thường tới phố Ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên, đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 1). Trong những năm vừa qua, nhiều hoạt động được tổ chức với ý nghĩa truyền bá văn hóa truyền thống Việt Nam đến với thế hệ trẻ, đồng thời để mọi người trải nghiệm không chỉ là xin chữ đầu năm hay thử sức với việc viết thư pháp, mà còn có những hoạt động khác như viết câu đối chúc mừng năm mới, khắc tên lên thẻ gỗ, mặc áo cổ phục Việt, làm bao lì xì, vẽ tranh…

Việc cho và xin chữ ban đầu hầu hết được thực hiện bởi nho sĩ, nên chữ được cho thường là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Nhưng với sự phát triển của chữ Quốc ngữ vào thế kỷ XX, hiện nay cũng có rất nhiều ông đồ viết chữ Quốc ngữ theo dạng thư pháp.

 Ông đồ mặc áo the khăn xếp bên bút lông, mực tàu.

Ông đồ mặc áo the khăn xếp bên bút lông, mực tàu.

Kết nối và phát triển văn hóa

Thư pháp, hay còn gọi là “shodo” trong tiếng Nhật, có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản khoảng từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 6 qua hình thức chép kinh Phật. Đến thời Heian (794 - 1185), phong cách mang đậm nét Nhật Bản được gọi là Kofubunka (Quốc Phong Văn Hóa) dần phát triển.

Nhật Bản bắt đầu độc lập về văn hóa (bớt du nhập văn hóa Trung Quốc). Người Nhật đã tạo ra hệ thống chữ Kana dựa trên chữ Hán. Đây được coi là một trường phái thư pháp riêng của xứ sở Mặt trời mọc. Có thể chia thư pháp Nhật thành 3 trường phái lớn: Chữ Hán, chữ Kana và kết hợp chữ Hán và Kana.

Thông qua nghệ thuật thư pháp, người viết truyền tải những suy nghĩ của bản thân, thể hiện sự mạnh mẽ, tinh tế, cũng như nỗi buồn thông qua chữ viết. Từ nửa sau thế kỷ 19, rất nhiều yếu tố văn hóa khác được du nhập vào Nhật Bản. Trong thời kỳ này, thư pháp tiếp tục phát triển và chịu ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa khác nhau kể cả phương Tây.

Trải qua nhiều năm hình thành và phát triển, thư pháp vẫn được phổ biến và ứng dụng rộng rãi, được thực hiện trong các dịp đặc biệt như lễ cưới, tân gia, khai giảng… và các trường học ở Nhật Bản cũng giảng dạy thư pháp như một môn học bắt buộc, giúp học sinh rèn luyện sự kiên nhẫn, tập trung và khả năng thể hiện bản thân qua nghệ thuật. Ngay cả trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật thư pháp cũng được người Nhật áp dụng để tạo điểm nhấn đặc biệt.

Ngày 2/11 hàng năm được coi là ngày hội thư pháp ở Nhật Bản, nơi các nghệ sĩ thư pháp sẽ trình diễn và trưng bày các tác phẩm của mình, thu hút đông đảo người dân tham gia để chiêm ngưỡng và học hỏi.

Không chỉ là dịp để người dân Nhật Bản thể hiện tài năng, ngày hội thư pháp còn là dịp để mọi người tôn vinh giá trị của nghệ thuật viết chữ, gắn liền với đời sống tinh thần và đạo đức trong văn hóa Nhật Bản.

 Thư pháp là một trong những nét văn hóa nghệ thuật được đánh giá cao ở xứ sở hoa anh đào. Ảnh: INT.

Thư pháp là một trong những nét văn hóa nghệ thuật được đánh giá cao ở xứ sở hoa anh đào. Ảnh: INT.

Sự kết hợp qua tác phẩm thư pháp

Năm 2023 là năm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Kể từ khi chính thức thiếp lập quan hệ ngoại giao, cả hai nước đã cùng chung tay vun đắp nên một mối quan hệ hữu nghị, gắn bó và bền chặt, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và giáo dục.

Sự tương đồng về văn hóa là một trong những nền tảng của mối quan hệ giữa nhân dân hai nước. Trong những năm gần đây, có rất nhiều buổi giao lưu liên quan đến văn hóa nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Mới đây, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản) ở Việt Nam đã diễn ra buổi biểu diễn “Thư pháp không giới hạn” của nghệ sĩ thư pháp Nhật Bản Aoyagi Bisen.

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi chương trình biểu diễn - triển lãm “Thư pháp Không Giới Hạn” nhằm đón chào năm mới 2025. Ngoài việc giúp mọi người khám phá ra được tính nghệ thuật tinh tế của thư pháp Nhật, các tác phẩm được trưng bày cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa phong phú giữa hai nước từ việc hợp tác với các nhà thiết kế người Việt.

Nghệ thuật thư pháp Việt Nam và Nhật Bản đều có những giá trị đặc biệt và sâu sắc. Dù có một số sự khác biệt về cách thức viết chữ và ngôn ngữ sử dụng, nhưng cả hai nền văn hóa đều coi trọng chữ viết như một phương thức để thể hiện tâm hồn, trí tuệ và phẩm hạnh của con người. Thư pháp không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân cả hai nước.

Aoyagi Bisen - một nghệ sĩ thư pháp trẻ đầy tài năng, đã có dịp bén duyên với Việt Nam kể, trước đó cô đã có dịp trình diễn thư pháp nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Lần này, cô lại mang đến 3 tác phẩm thư pháp “Nhân”, “Hiếu” và “Đồng sáng tạo”, tượng trưng cho mối liên kết bền chặt giữa Nhật Bản và Việt Nam. Những tác phẩm này có sự kết hợp với nhà thiết kế người Việt, vừa thể hiện được những giá trị văn hóa sâu sắc, vừa kết nối tinh thần truyền thống với sự sáng tạo hiện đại.

Theo lời chia sẻ của thư pháp gia Aoyagi Bisen, cô chọn chữ “Nhân” và “Hiếu” là do cả hai chữ này có tầm quan trọng vô cùng trong đời sống tinh thần của cả người Nhật và người Việt, biểu trưng cho những giá trị nhân văn cao quý mà cả hai dân tộc đều coi trọng.

Thông qua tác phẩm “Đồng sáng tạo”, cô gửi gắm niềm mong muốn trong tương lai hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau hợp tác và phát triển chung, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia giữa hai quốc gia, cùng nhau xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

“Tác phẩm ‘Hiếu’ khiến tôi tâm đắc và mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Nét cuối cùng nghệ sĩ cố ý viết hướng lên với hi vọng trong tương lai tình cảm gia đình sẽ luôn tốt đẹp.

Tôi cảm thấy buổi biểu diễn hôm nay không chỉ được thưởng thức nghệ thuật, mà tôi còn cảm nhận được sự gắn kết sâu sắc giữa hai dân tộc”, Nguyễn Thu Trang - sinh viên Khoa Ngôn ngữ Nhật, Đại học Hà Nội chia sẻ cảm nhận cá nhân sau khi tham dự buổi biểu diễn.

Thư pháp, dù ở Việt Nam hay Nhật Bản, đều là những yếu tố quan trọng trong văn hóa của hai dân tộc. Sự kết hợp giữa thư pháp Việt Nam và Nhật Bản không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp, mà còn là cầu nối văn hóa, giúp hai quốc gia xích lại gần nhau hơn, xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài.

Thông qua những tác phẩm thư pháp, có thể cảm nhận được sức mạnh của con chữ, của nghệ thuật, và của tinh thần con người trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, các sự kiện giao lưu văn hóa là cơ hội thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong tương lai.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-phap-cau-noi-phat-trien-van-hoa-post716409.html