Thu sao cho đúng!

Luật Đường bộ (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) bổ sung nhiều quy định mới nhằm huy động nguồn lực xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc, trong đó có quy định cho phép thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Hiện Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải dự thảo Nghị định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Dự kiến sẽ thu phí 12 tuyến đường bộ cao tốc trong 5 năm. Mức phí cụ thể tùy tuyến đường, loại phương tiện, thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 6.000 đồng/km.

Quan điểm của cơ quan soạn thảo Nghị định là Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa, nâng cấp các tuyến cao tốc.

Về phía người dân, cụ thể hơn là những người đóng phí, hẳn có không ít băn khoăn.

Trước hết là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang gánh khá nhiều loại thuế, phí. Mặc dù Cục Đường bộ giải thích thu thêm khoản phí đường cao tốc sắp tới không phải là "phí chồng phí", song đây rõ ràng là một khoản mới. Các loại ô tô, xe tải… hiện nay đều phải đóng phí bảo trì đường bộ, khi qua trạm BOT (hoặc sắp tới đi cao tốc có thu phí) thì chịu thêm khoản phí nữa, đó là chưa kể đến thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiều dòng xe…

Đối với khá nhiều trường hợp trong xã hội, thuế, phí giao thông đang là gánh nặng. Vì vậy, phí sử dụng cao tốc do Nhà nước quản lý sắp tới cần áp ở mức phù hợp để vừa "sức" dân, lại không tác động nhiều đến chi phí logistics, các chỉ số CPI…

Một nỗi băn khoăn không nhỏ cần được giải tỏa chính là sự an toàn và chất lượng phục vụ. Sử dụng đường cao tốc phải trả phí, điều này không cần bàn cãi, vấn đề là tuyến thu phí đó đã đạt chuẩn "cao tốc" chưa, đủ ít nhất 4 làn xe không, đã có làn dừng khẩn cấp, trạm dừng chân hay chưa?…

Quan sát tình hình giao thông thực tế trên một số tuyến "cao tốc" mất an toàn vừa qua, không ai có thể yên tâm. Và nữa, không ít tuyến cao tốc xuống cấp nhanh, nhiều ổ gà, thiếu ánh sáng trong Nam ngoài Bắc đều có, song chậm sửa chữa. Người tham gia giao thông trả tiền để đi cao tốc thì có quyền đòi hỏi chất lượng dịch vụ phải tương xứng!

Quan trọng không kém là cách thức triển khai. Nhà nước làm toàn diện hay tổ chức đấu thầu để nhượng quyền cho tư nhân quản lý, khai thác, bảo trì? Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã làm thành công ấy là Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong khoảng thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền về cho ngân sách. Phương án nào sẽ được chọn thì cũng luôn cần công khai, minh bạch, tránh tiêu cực trong đấu thầu, "sân sau"…

Đến hết năm 2024, cả nước dự kiến có 2.021 km đường bộ cao tốc; mục tiêu đến năm 2030 con số này là 5.000 km. Cục Đường bộ Việt Nam tính toán trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc là khoảng 240.000 tỉ đồng. Huy động từ nhiều nguồn lực mới có đủ vốn đầu tư là hướng làm phù hợp và để triển khai thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội thì phải tiến hành đúng cách.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/thu-sao-cho-dung-post285273.html