Thử tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Hà Tĩnh
Phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo nền tảng để Hà Tĩnh tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh.
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Theo đánh giá của Sở Công thương, công nghiệp hỗ trợ tại Hà Tĩnh hiện nay mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn ít, quy mô nhỏ, năng lực sản xuất, vốn, công nghệ còn hạn chế, chủ yếu tham gia vào một số lĩnh vực chưa đòi hỏi cao về kỹ thuật, trình độ công nghệ với các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp.
Dệt - may là ngành mũi nhọn để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động nên trong những năm qua, công nghiệp may của Hà Tĩnh có bước phát triển nhanh. Toàn tỉnh hiện có trên 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may, sợi và hơn 1.100 cơ sở may nhỏ lẻ với các sản phẩm quần áo, găng tay, sợi, bao bì. Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt - may trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp dệt - may trên địa bàn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất nên giá trị gia tăng thấp và tính phụ thuộc cao.
Ông Hồ Văn Cát – Phó Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh cho biết: “Công ty chuyên sản xuất hàng quần áo để xuất khẩu Nhật Bản. Để phục vụ sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác, chúng tôi nhập khẩu các nguyên liệu, phụ liệu từ Nhật Bản, một số phụ liệu khác như chỉ, bao bì được nhập từ các tỉnh, thành trong nước chứ chưa có sản xuất trong tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có đơn vị sản xuất các phụ liệu cho ngành may mặc. Ngoài những nguyên, phụ liệu phải nhập từ Nhật Bản theo yêu cầu của đối tác thì một số phụ liệu nếu có nguồn cung từ trong tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu, sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho công ty”.
Ngành cơ khí - chế tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh với các doanh nghiệp “đầu tàu” như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, Nhà máy MDF-HDF Thanh Thành Đạt… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 16 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí - chế tạo, giá trị sản xuất hiện nay đã tăng cao so với giai đoạn trước, song sản phẩm chủ yếu mang tính chế tạo gia công, phục vụ dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh); số còn lại phục vụ cho các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Dương – Giám đốc Công ty TNHH Núi Hồng (TX Hồng Lĩnh) cho biết: “Công ty chuyên cung cấp thiết bị ngành giao thông thủy lợi như nắp hố ga, lưới chắn rác, ống thoát nước cầu đường bộ; sản phẩm bi chịu mài mòn, phục vụ nghiền than nhà máy nhiệt điện, nghiền xi măng, nghiền quặng... Trong quá trình hoạt động, công ty cũng đã có những đơn hàng cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh nên hoạt động vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng. Ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành khá mới ở Hà Tĩnh, chúng tôi mong muốn được sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước để có thể tiếp cận, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, nhà máy lớn trên địa bàn”.
Đánh giá từ Sở Công thương cho thấy, đa phần các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Các nguyên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp chủ lực cung cấp từ nguồn nhập khẩu, từ công ty mẹ hoặc từ nước bản địa của mình. Liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và doanh nghiệp FDI cũng còn hạn chế. Ngoài ra, hiện nay, việc thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn nhiều khó khăn do việc hình thành, kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo chuỗi liên kết trong tỉnh, khu vực hay cả nước còn hạn chế.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với thu hút đầu tư các dự án vào địa bàn, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện” là một trong bốn định hướng lớn tạo đột phá phát triển của tỉnh. Xác định tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng, trong các cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các hoạt động xúc tiến đầu tư, công nghiệp hỗ trợ được lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Xuân Từ cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung một số nhiệm vụ như: tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND ngày 16/12/2022 của HĐND tỉnh về một số chính sách phát triển CN-TTCN đến năm 2025 một cách có hiệu quả nhằm tạo động lực thu hút đầu tư, kết nối doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp chủ lực, các doanh nghiệp FDI; xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển và tiến hành kêu gọi xúc tiến đầu tư vào địa bàn.
Cùng đó, nâng cao năng lực cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và liên kết vùng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.