Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Nghị quyết về 'đột phá' cho TP.HCM được đồng thuận cao

Những cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết mới được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM giải quyết các điểm nghẽn và vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV tới đây, QH sẽ thảo luận và dự kiến thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, một trong những người sâu sát với quá trình dự thảo nghị quyết này để Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ trình QH nói với Pháp Luật TP.HCM: “Những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực và phân cấp, ủy quyền trong dự thảo nghị quyết nếu được thông qua chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho TP giải quyết các điểm nghẽn và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Những cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM giải quyết các điểm nghẽn để phát triển mạnh mẽ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông: Những cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết mới sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM giải quyết các điểm nghẽn để phát triển mạnh mẽ. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ban hành nhiều nghị quyết thúc đẩy kinh tế TP.HCM

. Phóng viên: Qua quá trình làm việc với TP.HCM để xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết mới về phát triển TP.HCM, ông nhận thấy tính cấp thiết đối với sự phát triển của TP.HCM ra sao?

+ Thứ trưởng Trần Duy Đông: TP.HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI và năm năm thực hiện thí điểm Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, TP tiếp tục phát huy vị trí đầu tàu của cả nước.

Cơ cấu kinh tế của TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng gấp 2,7 lần so năm 2010, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010, đạt hơn 6.200 USD/người; số thu ngân sách chuyển về Trung ương cao nhất cả nước (27%).

. Mới đây, nhiều nghị quyết của Trung ương đều đề cập tới việc thúc đẩy TP.HCM đột phá, phát triển. Thứ trưởng có thể sơ lược qua những Nghị quyết này?

+ Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 31 về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; QH đã ban hành Nghị quyết 81/2023 của QH về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định mục tiêu phát triển của TP.HCM đến năm 2030 với nhiều nội dung quan trọng.

Đó làTP.HCM phải là TP văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các TP lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.

Cùng đó, xây dựng TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là TP dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; trung tâm kinh tế, tài chính; thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á… Nghiên cứu khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển khu vực Thủ Đức, Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM”.

Việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào thời điểm này là vô cùng cần thiết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào thời điểm này là vô cùng cần thiết. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Theo tôi hiểu đây chính là cơ sở chính trị quan trọng để một nghị quyết mới cho TP.HCM ra đời?

+ Đúng vậy! Để đạt được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, kế thừa và bổ sung cơ chế, chính sách đột phá mà TP.HCM cần Trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Vì vậy, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM thay thế Nghị quyết 54 nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 81 của QH đề ra là vô cùng cần thiết.

. Lãnh đạo TPHCM nhiều lần nói rằng, TP đang cần cơ chế đột phá để phát triển chứ không phải “xin tiền”, liệu có thể hiểu rằng, các cơ chế đã áp dụng trước đó cho TP chưa thật sự phát huy hết nguồn lực để TP phát triển và cần phải có một cơ chế đủ mạnh để TP đột phá?

+ Có thể nói Nghị quyết 54 là quyết sách kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cho TP.

Khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 54 đã xác định các nguyên nhân dẫn đến một số nội dung chưa được thực hiện hiệu quả là do các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ngoài ra, trong năm năm thực hiện nghị quyết thì TP dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có hai năm TP chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên thực tế TP không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết. Công tác triển khai một số nội dung thuộc trách nhiệm của TP còn chậm, như cổ phần hóa, thu hút nhân tài.

Như vậy, có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan mà các cơ chế, chính sách trước đó cho TP chưa thật sự phát huy hết nguồn lực để TP phát triển. Do vậy, khi xây dựng nghị quyết mới, bên cạnh những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực trong giai đoạn tới thì điều quan trọng hơn là cần phải có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TP phát triển đột phá.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông. Ảnh: CHÂN LUẬN

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông. Ảnh: CHÂN LUẬN

Tạo điều kiện để TP.HCM gỡ các điểm nghẽn

. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị cho phép TP.HCM “thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư phát triển” và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP. Điều này đã được cụ thể hóa như thế nào trong nghị quyết này?

+ Thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội cùng các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chủ động, khẩn trương phối hợp với UBND TP.HCM và các Bộ, cơ quan trung ương nghiên cứu, đề xuất thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM trên bảy nhóm ngành, lĩnh vực.

Cụ thể là về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.

Những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực và phân cấp, ủy quyền nêu trên chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho TP giải quyết các điểm nghẽn và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

. TPHCM rất cần sự đồng hành, ủng hộ của các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là trong thiết kế, vận hành các cơ chế đột phá, vượt trội. Điều này được thể hiện như thế nào trong quá trình xây dựng Nghị quyết?

+ Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, Bộ KH&ĐT đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng dự thảo nghị quyết, phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, các Bộ, cơ quan Trung ương và lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan hai vòng và cơ bản đạt được sự đồng thuận cao.

Chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo; tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe các ý kiến phản biện nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội giúp TP phát triển.

Có thể kể đến các chính sách cơ bản như (1) thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); (2) mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; (3) Chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; (4) Hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; và các cơ chế, chính sách cụ thể khác tại dự thảo nghị quyết.

Đối với một số cơ chế, chính sách có ý kiến đề nghị làm rõ thì Bộ KH&ĐT đã báo cáo cụ thể và xin ý kiến Chính phủ để thống nhất trước khi trình Ủy ban Thường vụ QH, QH.

Dự thảo nghị quyết mới cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Ảnh: HOÀNG GIANG

Dự thảo nghị quyết mới cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Ảnh: HOÀNG GIANG

. Tinh thần chung của các cấp lãnh đạo đối với dự thảo nghị quyết này là gì, thưa Thứ trưởng?

+ Các cấp lãnh đạo đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của dự thảo nghị quyết này, dành nhiều thời gian quan tâm, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thường trực Chính phủ đã tổ chức các cuộc họp để thảo luận, và chỉ đạo về nội dung của dự thảo Nghị quyết. Đảng đoàn QH đã tổ chức hai cuộc họp để chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và Thành ủy TP.HCM nhằm xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá cho TP phát triển.

Điều đó một lần nữa khẳng định các cơ quan Trung ương luôn đồng hành, ủng hộ TP trong quá trình xây dựng nghị quyết, thể hiện rõ nét quan điểm “TP vì cả nước, cả nước vì TP”.

. Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình QH tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào cuối tháng 5 này , đến lúc này, ông kỳ vọng thế nào về sự đồng tình, bấm nút thông qua của QH?

+ Qua quá trình phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành, UBND TP.HCM, Thành ủy TP.HCM và các bộ, ngành trung ương, dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành trung ương.

Dự thảo nghị quyết cũng nhận được sự ủng hộ, đồng hành, quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, các Ủy ban của QH, Đảng đoàn QH và nhất là của các Ủy viên Bộ Chính trị.

Do đó, tôi tin tưởng và hy vọng rằng các đại biểu QH sẽ cùng thống nhất bấm nút thông qua dự thảo nghị quyết với sự đồng tình cao nhất, để nghị quyết sớm được triển khai, tạo điều kiện cho TP.HCM phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.

Mở rộng nhiều quyền hơn cho TP.HCM

Cơ quan soạn thảo đã phối hợp với TP và các bộ, ngành đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, mang tính đột phá, trong đó có các chính sách để TP chủ động huy động nguồn lực như:

(1) TP áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): Theo đó, HĐND TP quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt dọc theo tuyến Metro 1, Metro 2, các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.

(2) TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa.

(3) TP được tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.

(4) Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho TP không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách TP.

(5) Chính sách khơi thông nguồn lực đối với Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), cụ thể là tăng vốn điều lệ cho HFIC từ nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP, từ nguồn lợi nhuận còn lại của HFIC sau khi trích lập các quỹ theo quy định. TP được bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách TP để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

(6) TP được thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp trong khu. UBND TP ban hành Quy chế thu và sử dụng tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng, đảm bảo tính minh bạch, gắn với cơ chế tự chủ tài chính của Ban Quản lý Khu chế xuất và khu công nghiệp.

(7) Chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D; sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch; thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

(8) TP được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên.

(9) TP được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các dự án mới và bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo QH kết quả vào giữa kỳ và cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.

(10) TP được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.

***

Các cơ chế, chính sách nhằm phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM

Về tài chính ngân sách:

(1) TP được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của QH và Chính phủ.

(2) TP được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng.

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường:

(1) Phân cấp cho TP phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật

(2) Cho phép thực hiện trước việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản gắn liền với đất đối với dự án xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCN, KCNC), kết cấu hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, địa phương, giao thông, khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí cộng đồng, có quy mô từ 300 ha trở lên hoặc có từ 1.000 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất, các dự án đầu tư công độc lập.

Về tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền cho TP.HCM và TP Thủ Đức:

(1) Quy định việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho người đứng đầu cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP.

(2) TP quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.

(3) TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.

(4) Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP được phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 trong phạm vi Khu công nghiệp, Khu chế xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

(5) Phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức.

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-truong-bo-khdt-tran-duy-dong-nghi-quyet-ve-dot-pha-cho-tphcm-duoc-dong-thuan-cao-post733427.html