Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ: Tránh suy diễn, hiểu lầm rằng Công an xã cũng là một cấp điều tra

Lý giải băn khoăn của một số ĐBQH về việc Trưởng công an cấp xã được tiến hành khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ cho rằng, cần quy định rõ để tránh hiểu nhầm...

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu thảo luận tổ

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu thảo luận tổ

Chiều 20-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phát biểu tại tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an (ĐBQH đoàn Bắc Ninh) đề cập nhiều đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Theo dự thảo luật này, về mô hình cơ quan điều tra, sửa đổi theo hướng còn 2 cấp (cấp Bộ và cấp tỉnh), bỏ cơ quan điều tra cấp huyện và ở cấp xã không có cơ quan điều tra.

Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định cho phép điều tra viên là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã được thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh phân công tiến hành khởi tố, điều tra các vụ án hình sự ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng (có mức hình phạt cao nhất đến 7 năm tù) xảy ra tại địa bàn cấp xã.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ cho rằng, để điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ các thẩm quyền, đề nghị sửa đổi các quy định Điều 110 về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Điều 113 về bắt bị can, bị cáo để tạm giam để bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác do Điều tra viên của Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã.

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị thêm Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ để khi vận dụng, tiến hành quy định này, tránh trường hợp bị suy diễn hay hiểu nhầm rằng Công an xã cũng là một cấp điều tra.

"Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra. Mà đây là điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp xã. Điều tra viên này thuộc Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng, dưới chức danh tư pháp là Điều tra viên, không phải chức danh hành chính là Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã" - Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ lý giải.

Liên quan đến dẫn độ, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhận định, việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ trong Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong giải quyết yêu cầu về dẫn độ; tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ ngay sau khi nhận được yêu cầu của phía nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phát biểu thảo luận tổ

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) phát biểu thảo luận tổ

Về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), qua thảo luận tại các tổ, rất nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm đến đề xuất bỏ 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản đối việc loại bỏ án tử hình đối với một số tội danh cụ thể.

Tại tổ TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thanh Sang cho biết, ông đồng ý bỏ tử hình đối với một số tội danh, nhưng còn băn khoăn với việc bỏ tử hình tội vận chuyển trái phép chất ma túy hay tội tham ô, nhận hối lộ; tội sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) cũng cho rằng, tội làm thuốc giả là rất nghiêm trọng. “Khi một bác sĩ yếu tay nghề chỉ làm chết một bệnh nhân, còn nếu dược sĩ tán tận lương tâm làm thuốc giả sẽ giết nhiều người, như giết người hàng loạt, đáng bị trừng trị thích đáng” – bà Lan nói.

Dẫn chứng vụ gần nhất là Công an Thanh Hóa triệt phá vụ thuốc giả với 21 loại thuốc giả, bà Lan cho rằng, đây mới chỉ là bề nổi chúng ta phát hiện được. Thực tế thì có thể còn khủng khiếp hơn.

Nêu quan điểm khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong pháp luật hình sự, tước đi mạng sống con người.

Xu hướng các nước hiện nay đã bỏ hình phạt tử hình, một số nước giữ nhưng không thi hành, không áp dụng trên thực tế, còn một số nước thay tử hình bằng chung thân hoặc chung thân không xét giảm án. Việc này thể hiện tính nhân đạo. Về lâu dài cần tiến tới giảm, bỏ hình phạt tử hình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp ủng hộ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, bởi một khi bỏ hình phạt tử hình thì phải có hình phạt thay thế đảm bảo nghiêm khắc và tính răn đe cao, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân đạo.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-truong-tran-quoc-to-tranh-suy-dien-hieu-lam-rang-cong-an-xa-cung-la-mot-cap-dieu-tra-post612271.antd