Thủ tục thuế và hải quan: Còn rất nhiều 'dư địa' để cải cách

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải tăng tốc cải cách hơn nữa để đảm bảo sự thông thoáng cho DN, và đặc biệt, phải chấm dứt tình trạng chi phí 'đi đêm', lót tay hoặc tình trạng cán bộ thuế, hải quan 'sách nhiễu', gây phiền hà cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã…

Chiều 12/12, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Thuế – Hải quan đã tổ chức hội thảo Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015. Báo cáo thu thập thông tin các Hiệp hội DN và Liên minh Hợp tác xã (HTX) ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI, cho biết, mặc dù nhiều cải cách TTHC (thủ tục hành chính) thuế và hải quan đã có những bước tiến và kết quả đáng kể, song vẫn còn nhiều tồn tại, đòi hỏi những hành động quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa của ngành thuế và hải quan nhằm đảm bảo thuận lợi tối đa cho DN trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế và hải quan cũng như trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh.

Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội DN, liên minh HTX cho biết còn nhiều phiền hà.

Sợ chi phí “đi đêm”

Đánh giá tình hình thực hiện các TTHC về thuế, báo cáo nêu rõ tỉ lệ các đơn vị cho biết thông tin TTHC thuế được cung cấp thống nhất hoặc cách bố trí cán bộ đón tiếp thuận tiện ở mức tương đối cao (khoảng 57%). 55% đánh giá biểu mẫu TTHC dễ hiểu. Tuy nhiên, mới chỉ 44% đánh giá thông tin được cơ quan Thuế cung cấp nhanh chóng, kịp thời. 41% đơn vị cho biết thông tin về TTHC thuế là đơn giản, dễ hiểu.

Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội DN cho biết còn nhiều phiền hà. Các phiền hà này có thể là thời gian giải quyết quá dài (68%) hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết (54%).

Về tác phong phục vụ của cán bộ ngành thuế, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, ngành thuế vẫn còn nhiều không gian để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của người nộp thuế với cơ quan thuế; chẳng hạn như về thái độ tận tình, chu đáo của của công chức thuế, còn có 26% đánh giá là chưa tốt.

Đặc biệt, tình trạng DN phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực thuế vẫn là quan ngại của nhiều Hiệp hội và Liên minh HTX. Tâm lý e ngại nếu không chi, DN, HTX sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian, yêu cẩu bổ sung giấy tờ) vẫn phổ biến (55%).

Đánh giá tình hình thực hiện TTHC về hải quan cho thấy, DN có nhiều thuận lợi trong tiếp cận thông tin về TTHC trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, mới chỉ 39% hiệp hội DN và liên minh HTX phản ánh cơ quan hải quan cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời và 47% cho rằng thông tin đơn giản, dễ hiểu.

Ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh HTX đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. Các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài (69%) và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%).

Đánh giá về sự am hiểu chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng, báo cáo cho thấy, kỹ năng lắng nghe ý kiến khách hàng, hướng dẫn các TTHC vẫn còn hạn chế (tỉ lệ đánh giá tốt chỉ đạt 20%).

Cuối cùng, chi phí không chính thức vẫn tiếp tục là mối quan ngại mà nhiều hiệp hội DN và liên minh HTX tiếp nhận từ các hội viên và thành viên, do tâm lý không chi trả sẽ bị phân biệt đổi xử (64%) như kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ.

“Sợ cán bộ thu thuế”

Đại diện cho các HTX, ông Nguyễn Hải Giang, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết: “Về việc cung cấp thông tin, chỉ có gần 50% các HTX cho rằng thông tin được cung cấp kịp thời. Thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế là những việc vẫn được xem là phiền hà nhiều nhất do thời gian xử lý lâu. Tác phong phục vụ của cán bộ đã có tích cực nhiều so với trước đây với 3/4 là đánh giá khá, tốt trở lên. Nhưng bên cạnh đó, công tác tuyên truyền hỗ trợ cho người nộp thuế của các cán bộ còn nhiều hạn chế. Do vậy, cải cách TTHC thuế và hải quan cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự hài lòng của các HTX”.

Dưới góc độ DN, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cũng đưa ra một số hạn chế được DN đưa ra trong khảo sát đó là, một số Thông tư, Nghị định chưa bám với thực tế của DN. Công chức ở địa phương chưa tận tình với công việc của mình.

Đồng quan điểm trên, bà Đặng Phương Dung, Cố vấn cao cấp Hiệp hội Dệt may, cho biết: “Có một thực trạng hiện nay là chúng ta đang xây dựng quá nhiều văn bản pháp quy. DN kêu than quá mệt mỏi vì việc “đòi” được tham vấn. Khi được tham vấn, đóng góp ý kiến rồi thì bộ, ban ngành cũng tiếp thu khác nhau. Có tình trạng chúng tôi đóng góp ý kiến một đằng, thực tế văn bản ban hành ra lại đi một nẻo”.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bắc Ninh, cũng cho rằng ngành hải quan và thuế cần cải cách nhiều hơn, tăng tính đối thoại nhiều hơn nữa. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần nâng cao sự phối hợp thông tin của hai ngành. “Ví dụ như trong nhiều trường hợp, cục thuế có đầy đủ thông tin của DN rồi thì phía Hải quan vẫn loay hoay đi kiểm tra lại xem có đúng hay không”, ông Bắc phản ánh.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Trung ương, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc triển khai Nghị quyết 19 về cải cách TTHC trong hai lĩnh vực thuế và hải quan. Tuy nhiên, ông Cung cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: “Thuế có cải thiện về thứ bậc còn Hải quan lại tụt mỗi năm một bậc”.

Lí giải, ông Cung cho biết vấn đề còn nằm ở kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó la: không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. “Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan”, ông Cung nói.

Hơn nữa, liên quan tới thái độ, động lực làm việc của cán bộ thuế, ông Cung chia sẻ: “Qua thực tế khảo sát nhiều DN, người ta nói “Không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói DN sai là sai, nói DN đúng là đúng”.

Lê Thúy

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặc dù vẫn còn nhiều điểm mà ngành Thuế và Hải quan vẫn cần phải cải cách hơn nữa nhưng việc cải cách của Bộ Tài chính đã đi đúng hướng và mong sẽ duy trì sự “tăng tốc” này trong thời gian tới. Hiện có con số đáng chú ý là có 20% DN đánh giá cán bộ công chức tận tình với DN, vậy số còn lại mới chỉ hoàn thành phận sự của mình hoặc có thể còn gây khó dễ. Đây là “dư địa” cải cách để chúng ta còn phải triển khai.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Sự quyết liệt và quyết tâm từ Trung ương là rất cao nhưng dường như càng đi xuống địa phương thì lại càng giảm. Do vậy, trong thời gian tới, cần phải làm quyết liệt hơn tới từng cán bộ trực tiếp làm việc. Có như vậy mới tạo niềm tin cho người dân thực hiện. Trong thời gian tới, cần có cơ chế để giám sát và phản biện tốt hơn giữa các đơn vị phối hợp. Bộ Tài chính vẫn giương cao ngọn cờ, chúng tôi là những người bên cạnh để đồng hành giám sát phối hợp để làm sao nâng cao cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường cạnh tranh cho DN, HTX.

Ông Nguyễn Hải Giang - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Những mặt làm tốt cần phát huy hơn nữa, việc làm chưa được thì củng cố thêm, việc làm gần được thì cố gắng nữa để làm được, các đại diện của đơn vị giám sát phối hợp cần rút ra bài học và cần tìm ra phương thức cách làm thực hiện trong năm 2016. Theo tôi có hai hướng: thứ nhất, tiếp tục kiểm tra ở 6 tỉnh thuộc 3 vùng miền. Thứ hai, có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng lớn liên quan tới xuất nhập khẩu (dự kiến khoảng 10-15 tỉnh, thành) để giám sát được tốt hơn.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thu-tuc-thue-va-hai-quan-con-rat-nhieu-du-dia-de-cai-cach-1008478.html