Thủ tướng Anh: Quan hệ với Pháp vẫn 'vững như bàn thạch'

Thủ tướng Johnson khẳng định Anh và Pháp vẫn 'vai kề vai' bất chấp việc trước đó, đối tác AUKUS đã giúp Canberra có được tàu ngầm của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD đã ký với Paris.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một cuộc họp báo ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tại một cuộc họp báo ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 16/9 khẳng định quan hệ Anh-Pháp vẫn "vững như bàn thạch," bất chấp sự kiện Anh với Mỹ ký hợp đồng sản xuất tàu ngầm với Australia khiến Pháp mất đi hợp đồng tương tự đã ký của mình.

Trước đó, Pháp đã phản ứng tức giận trước thông tin đối tác AUKUS (Anh-Mỹ-Australia) giúp Canberra có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và hủy bỏ thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD đã ký với Paris.

Phát biểu tại nghị viện về quan hệ với Pháp, ông Johnson đã giảm nhẹ tranh cãi về việc này. Ông khẳng định: "Quan hệ của chúng ta với Pháp, quan hệ quân sự của chúng ta với Pháp... vẫn vững như bàn thạch."

Ông nhấn mạnh rằng Anh vẫn "vai kề vai" với Pháp tại vùng Sahel, nơi hai nước có một chiến dịch chung chống khủng bố ở Mali, hoặc tại Estonia, nơi hai bên đang tham gia chiến dịch lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hợp đồng AUKUS nói trên cũng khiến Trung Quốc tức giận, cho rằng "sẽ gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực."

Trả lời chất vấn về cách thức để đảm bảo động thái này không làm xấu đi quan hệ Anh-Trung Quốc, Thủ tướng Johnson cho biết: "Điều quan trọng là Nghị viện phải hiểu rằng AUKUS không có ý định đối đầu với bất cứ cường quốc nào khác... mà thuần túy phản ánh quan hệ mật thiết của Anh với Mỹ và Australia."

Theo thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Australia sẽ đóng 8 tàu ngầm hạt nhân tại Adelaide, với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh.

Cụ thể, Washington và London sẽ cung cấp cho Canberra công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân. Như vậy, Australia sẽ là nước thứ hai được tiếp cận công nghệ của Mỹ để đóng tàu ngầm hạt nhân, sau khi Anh được tiếp cận công nghệ này năm 1958.

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định nước này sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thu-tuong-anh-quan-he-voi-phap-van-vung-nhu-ban-thach/741290.vnp