Thủ tướng: 'Các cấp phải mạnh dạn thực hiện phân cấp, phân quyền'

Trong phần báo cáo, giải trình, Thủ tướng cơ bản đã làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt là về các cơ chế thí điểm, việc phân cấp, phân quyền…

Sáng 8-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Tổng thời gian dành cho người đứng đầu Chính phủ là 70 phút, đã có 62 ĐB đăng ký chất vấn, 10 ĐB thực hiện quyền chất vấn, trong đó chín ĐB chất vấn và một ĐB tranh luận.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) tại phiên chất vấn sáng 8-11. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) tại phiên chất vấn sáng 8-11. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tăng tính linh hoạt, sáng tạo, phân định rõ trách nhiệm

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đánh giá ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã có những chủ trương tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. ĐB hỏi người đứng đầu Chính phủ về nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trả lời sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương về phân cấp, phân quyền đã rất rõ. “Việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để chúng ta tăng tính linh hoạt, sáng tạo, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp” - Thủ tướng nói.

Thừa nhận việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của cử tri và nhân dân, người đứng đầu Chính phủ nêu ba nguyên nhân. Đáng chú ý, ông cho rằng “các cơ quan Trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật”. Năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn.

“Chúng ta phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới” - Thủ tướng nói và yêu cầu các cấp phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

“Việc thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách, hình thành cơ chế “xin-cho”?”

ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội)

“Cái gì chưa rõ, chưa chín thì mạnh dạn thí điểm”

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhắc Thủ tướng trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Phương Thủy (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu ở phiên trước về việc “nhiều cử tri và ĐBQH nói vui rằng nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm”.

Theo đó, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật. Song mặt khác lại tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.

Nữ ĐB đề nghị Thủ tướng cho biết việc trình QH thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện của sự bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ cũng như các bộ, ngành có liên quan hay không?

“Như vậy, liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách, hình thành cơ chế “xin-cho”?” - ĐB hỏi.

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay vừa qua chúng ta trình các cơ chế đặc thù cho một số ngành, địa phương, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan. Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở nền kinh tế cao, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Cạnh đó, tình hình thế giới và thực tiễn trong nước thay đổi rất nhanh nên mọi văn bản, các quy định có cái theo kịp, sát thực tế, có cái chưa.

Thủ tướng khẳng định việc trình ban hành các cơ chế đặc thù cho một số ngành, địa phương có đầy đủ cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn.

Theo Thủ tướng, những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta quyết tâm thực hiện, có thể luật hóa. Cái gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp hoặc chưa có luật pháp thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép việc này và cơ sở thực tiễn là vừa qua chúng ta ban hành một số nghị quyết rất kịp thời, như Nghị quyết 30 của QH. Một số nghị quyết thí điểm cho các địa phương cũng chứng minh có hiệu quả.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các ĐBQH và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật phải bao trùm, xuyên suốt và thống nhất” - Thủ tướng khẳng định.•

Câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc

Khép lại toàn bộ phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho hay sau 2,5 ngày làm việc, đã có 457 lượt ĐBQH đăng ký tham gia chất vấn, 152 lượt ĐB thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt ĐB tranh luận.

“Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả phó thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH” - Chủ tịch QH nói và đánh giá phạm vi chất vấn rất rộng nhưng các ĐB đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục.

Ông Vương Đình Huệ cũng thông tin trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, QH sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Ông đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của QH về giám sát và chất vấn. Đồng thời, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực…

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-cac-cap-phai-manh-dan-thuc-hien-phan-cap-phan-quyen-post760595.html